Nâng cao hiệu quả của lực lượng dân phòng trong công tác PCCC
(Chinhphu.vn) - Với mục tiêu phát triển phong trào toàn dân tham gia hoạt động PCCC tại địa phương, đáp ứng phương châm “4 tại chỗ”, thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo việc thành lập, quản lý và duy trì hoạt động đối với lực lượng dân phòng; bố trí nguồn ngân sách để trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ, quần áo, quân trang bảo hộ; chế độ chính sách bồi dưỡng, động viên, khuyến khích đối với lực lượng này.
Thực hiện nghiêm túc Luật PCCC; bám sát Chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương, Thành ủy Hà Nội, ngày 04/4/2016 UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 66/KH-UBND về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn về PCCC trong tình hình mới, trong đó có phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành và chính quyền địa phương các cấp trong công tác PCCC. Trong đó, Hà Nội đặc biệt chú trọng đến việc đẩy mạnh phát triển phong trào toàn dân tham gia PCCC theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ), gắn với xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc; kiện toàn Ban Chỉ huy PCCC&CNCH các cấp ở địa phương; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng dân phòng; tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC và CNCH, quan tâm, đầu tư trang bị phương tiện cho lực lượng này; xây dựng các điển hình tiên tiến về PCCC tại địa bàn khu dân cư, tổ dân phố, khu công nghiệp, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn quản lý.
Theo kết quả báo cáo của các quận, huyện, thị xã tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố Hà Nội có tổng số 30 quận, huyện, thị xã, với 582 phường, xã, thị trấn (quận Hai Bà Trưng giảm 02 phường do sáp nhập); 7.729 thôn, xóm, tổ dân phố, trong đó có 74 khu dân cư nguy hiểm cháy, nổ cao.
Theo số liệu thống kê, hiện nay tổng số Đội dân phòng đã được thành lập 3.628/7.729 thôn (đạt 47% theo Luật PCCC quy định), với tổng số 28.935 đội viên, trong đó 17.290 đội viên Đội dân phòng đã được huấn luyện nghiệp vụ PCCC (Năm 2017 đã huấn luyện cho 11.835 đội viên; năm 2018 đã huấn luyện cho 1.472 đội viên; năm 2019 đã huấn luyện cho 3983 đội viên).
Đã hướng dẫn 7.729 (đạt 100%) thôn xây dựng phương án chữa cháy của cơ sở theo mẫu PC11 theo quy định tại Thông tư số 66/2014/TT-BCA.
Đã xây dựng 42/74 (đạt 56,7%) phương án chữa cháy của Cảnh sát PC&CC đối với khu dân cư có nguy hiểm cháy nổ cao theo mẫu PC12 theo quy định tại Thông tư số 66/2014/TT-BCA.
Theo đánh giá, lực lượng dân phòng tại các thôn, xóm, tổ dân phố, về cơ bản mỗi thôn, xóm, tổ dân phố đều được thành lập đội dân phòng; Tuy nhiên với thành phần chủ yếu là lực lượng bảo vệ an ninh dân phố, dân quân tự vệ hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ PCCC, chưa được trang bị các phương tiện PCCC tại chỗ đảm bảo theo hướng dẫn của Bộ Công an, chưa có chế độ, chính sách hỗ trợ, động viên cho hoạt động của lực lượng này, chưa thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, dẫn đến hoạt động của lực lượng này chưa thực sự hiệu quả.
Đối với các dự án, công trình xây dựng nói chung và đối với trường học nói riêng là yêu cầu cần thiết và bắt buộc được thực hiện theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định. Theo đó, định mức trang bị phương tiện về PCCC đối với các Trường học là các trang thiết bị và hệ thống cơ bản, cần thiết và tối giản nhất như hệ thống báo cháy tự động, họng nước chữa cháy, bình chữa cháy, phương tiện chiếu sáng và sự cố thoát nạn. Kinh phí đầu tư cho hoạt động PCCC tại các Trường học so với các dự án, công trình có mức nguy hiểm cháy thuộc loại hình khác nhìn chung còn thấp.
Sau khi đầu tư xây dựng và nghiệm thu đưa công trình vào hoạt động, đơn vị sử dụng (Nhà trường hoặc Ban quản lý các dự án Trường học tại địa phương) phải có trách nhiệm bố trí nguồn kinh, thực hiện việc bảo trì, bảo dưỡng định kỳ để duy trì các hệ thống và trang thiết bị PCCC đã được lắp đặt hoạt động tốt.
Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo việc thành lập, quản lý và duy trì hoạt động đối với lực lượng dân phòng; bố trí nguồn ngân sách để trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ, quần áo, quân trang bảo hộ; chế độ chính sách bồi dưỡng, động viên, khuyến khích đối với lực lượng với mục tiêu phát triển phong trào toàn dân tham gia hoạt động PCCC tại địa phương, đáp ứng phương châm “4 tại chỗ”, kịp thời tổ chức chữa cháy có hiệu quả ngay từ giai đoạn ban đầu khi đám cháy mới phát sinh, quyết tâm không để xảy ra cháy to, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Minh Anh