Nâng cao hiệu quả kinh tế từ chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp

29/06/2022 2:30 PM

(Chinhphu.vn) - Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã giải quyết được công ăn việc làm cho một bộ phận lao động dôi dư ở nông thôn, giúp người dân thuận lợi trong việc sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.

Nâng cao hiệu quả kinh tế từ chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp - Ảnh 1.

Vùng trồng lúa hữu cơ xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Chuyển đổi sang cây trồng mới, thay đổi tư duy sản xuất

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Thanh Oai cho biết, hoạt động hỗ trợ của các cấp Hội đã vận động phụ nữ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp an toàn.

Trong quá trình triển khai, Hội LHPN huyện Thanh Oai đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn cho các hộ gia đình hội viên phụ nữ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất chuyên môn hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế theo chuỗi liên kết như: Mô hình gạo thơm Bối Khê xã Tam Hưng; trứng vịt xã Liên Châu, mô hình tổ hợp tác (chế biến thực phẩm an toàn xã Cự Khê, sản xuất rau củ quả an toàn tại xã Kim An). 

Đồng thời , tổ chức tập huấn cách nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm làng nghề và cách tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản, cách sử dụng phân hữu cơ, vi sinh, chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc vào sản xuất. 

Từ những mảnh ruộng cấy 1 vụ lúa, thậm chí bỏ hoang nhiều vụ, đã được các cấp Hội tuyên truyền tích tụ ruộng đất, chuyển đổi sang cây trồng mới, thay đổi tư duy sản xuất, tuyên truyền các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã giải quyết được công ăn việc làm cho một bộ phận lao động dôi dư ở nông thôn. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng chuyển đổi đã tạo điều kiện hỗ trợ cải tạo giao thông, thủy lợi nội đồng, giúp người dân thuận lợi trong việc sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. 

Giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác vùng chuyển đổi đã được nâng lên gấp 3-4 lần so với cấy lúa, cá biệt có nơi giá trị thu nhập từ chuyển đổi gấp hơn 5 lần so với cấy lúa truyền thống, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Giúp tiến tới mục đích đưa huyện, các xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.

Đời sống được nâng cao, đóng góp xây công trình công cộng

Theo bà Hồng, hiện nay huyện có 2 tổ hợp tác là tổ hợp tác rau, quả xã Kim An và tổ hợp tác nấu cỗ xã Cự Khê, sau khi thành lập bước đầu các Tổ hợp tác duy trì hoạt động có hiệu quả, đã tạo việc làm cho nhiều con em cán bộ, hội viên phụ nữ; giúp hội viên tăng thu nhập, cải thiệt đời sống cho lao động nhàn dỗi tại địa phương. Bên cạnh đó, Hội còn giới thiệu để kết nối tiêu thụ sản phẩm rau, củ quả tại các hội chợ, các buổi trưng bày sản phẩm, cửa hàng giới thiệu

Đến nay Hội quản lý hơn 448 tỷ đồng từ các ngân hàng, các tổ chức tín dụng khác, trong đó có khoảng 40% nguồn vốn được các hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ tại xã Kim An, Cao Viên, Liên Châu, Đỗ Động vay vốn phát triển sản xuất gia đình.

Tương tự, tại xã xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, bà Nguyễn Thị Thủy, Chủ tịch Hội LHPN xã Đồng Phú cho biết, trên địa bàn xã có mô hình sản xuất lúa hữu cơ. Để phát huy vai trò của chị em phụ nữ trong sản xuất nông nghiệp, Hội LHPN xã đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền hội sản xuất lúa phải trung thực, không bón phân hóa học và các chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp, chỉ bón phân hữu cơ. Không cấy lúa biến đổi gen hoặc các giống lúa khác mà trên một khu ruộng sản xuất lúa hữu cơ phải cấy cùng một giống lúa để đảm bảo cho thu hoạch, cũng như việc thu mua của các doanh nghiệp.

Đến nay, toàn xã có 316 hộ sản xuất lúa hữu cơ, vụ xuân năm 2022 diện tích sản xuất lúa hữu cơ là 55ha/vụ Xuân, năng xuất lúa là 285 -320 kg/sào,  Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú đã liên kết với công ty Bảo Minh tiêu thụ 100% sản phẩm, với giá thu mua lúa là 11.000đồng/kg, cho thu nhập của người dân từ 160 đến 185 triệu/ha/năm gấp 1,8 đến 2 lần sản xuất thông thường.

Nhờ vậy, đời sống của người dân đã được nâng cao, nhiều hộ gia đình hội viên phụ nữ thu nhập từ bán thóc gạo, đậu tương đã mua sắm được trang thiết bị đồ dùng sử dụng trong gia đình, cho con cái ăn học, tạo việc làm. Đồng thời, đóng góp cùng thôn xóm xây dựng các công trình công cộng từ đó hội viên phụ nữ phấn khởi yên tâm sản xuất, tham gia tích cực các hoạt động của Hội phụ nữ ở địa phương.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, để phát huy vai trò của Hội LHPN trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, Hội LHPN cần đẩy mạnh tuyên truyền vận động phụ nữ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp an toàn.

Việc tập huấn cũng cần tăng cường, nhất là tập huấn về ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, mở các lớp dạy nghề, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, kỹ thuật trong nhân cấy nghề mới và các mô hình kinh tế cho cán bộ, hộ viên phụ nữ. Kết nối các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, cung ứng giống tốt và bao tiêu sản phẩm ổn định cho hội viên phụ nữ.

Đồng thời tổ chức các hoạt động ngày hội sáng tạo, giới thiệu, quảng bá thông tin sản phẩm qua hệ thống loa truyền thanh, website, chợ online … của tổ chức Hội. Mở các gian hàng giới thiệu sản phẩm, liên kết đầu ra cho người nông dân và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Thiện Tâm

Top