Nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, môi trường
(Chinhphu.vn) - Sáng 19/2, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã có buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) Hà Nội về kết quả thực hiện các nhiệm vụ năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: Thùy Linh |
Báo cáo với Bí thư Thành ủy, ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở TN&MT cho biết, năm 2018, Sở TN&MT đã trình UBND Thành phố quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất 498 khu đất, diện tích là 721,1ha. Giao đất dịch vụ được 42.114 hộ, tương ứng 349,68 ha, đạt 65%. Thu ngân sách từ đất được 53.029,6 tỷ đồng. Sở đã cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư đạt 99,54%, kê khai đăng ký đất đai đạt 100%,…
Sở đã triển khai 69 đoàn thanh tra trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, xử phạt vi phạm hành chính 34 quyết định với tổng số tiền 2,11 tỷ đồng; triển khai 4 đoàn thanh tra liên ngành thanh tra, kiểm tra đối với 280 dự án có dấu hiệu vi phạm (trình UBND Thành phố ban hành 7 quyết định thu hồi đất, tổng diện thu hồi hơn 2.766.488,6 m2).
Về công tác bảo vệ môi trường, Sở đã tiến hành tiếp nhận và vận hành 10 trạm quan trắc tự động không khí và một xe quan trắc không khí tự động, lưu động, 6 trạm quan trắc nước mặt tự động, truyền số liệu về Sở cùng với các trạm quan trắc của Bộ TN&MT trên địa bàn Thành phố để phục vụ công tác quản lý.
Thực hiện kiểm tra liên ngành việc tuân thủ các quy định của Luật Tài nguyên môi trường nước, Sở đã chủ trì phối hợp với các quận, huyện và các xã, phường, thị trấn kiểm tra chuyên đề đối với 5 tổ chức với 43 trạm và nhà máy; kiểm tra xả nước thải của các cơ sở dệt nhuộm tại làng nghề Phùng Xá, kiểm tra mức độ ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm trên địa huyện Gia Lâm và đề xuất giải pháp khắc phục…
Bên cạnh những kết quả trên, lãnh đạo Sở TN&MT cũng thẳng thắn thừa nhận vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép diễn ra ở một số địa phương; tình trạng sử dụng đất công, đất nông nghiệp không đúng mục đích, lấn chiếm đất công đất nông nghiệp và xây dựng công trình trái phép còn diễn ra; công tác giải quyết khiếu nại tố cáo về đất đại tại một số địa phương chậm được xử lý.
Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, nguồn nước chưa được kiểm soát chặt chẽ; việc xử lý ô nhiễm môi trường ở một số làng nghề, cụm công nghiệp chưa dứt điểm…
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đánh giá cao những kết quả mà đội ngũ lãnh đạo, cán bộ ngành TN&MT Thành phố đã đạt được trong năm 2018 về công tác xây dựng Đảng; sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, tinh gọn bộ máy trong cơ quan; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính theo hướng minh bạch hóa, đơn giản hóa thủ tục cho người dân. Đặc biệt trong thời gian ngắn, Sở đã chia thành nhiều Tổ công tác phối hợp với các quận, huyện tháo gỡ khó khăn, rút ngắn thời gian cấp “sổ đỏ”. “Đây là một vấn đề nhức nhối của thành phố nhưng nay đã được người dân đánh giá cao và ghi nhận nhiều tiến bộ”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Song song với đó, Sở cũng thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, quan trắc môi trường một cách công khai, minh bạch trong điều kiện chất lượng không khí của Thành phố vẫn chưa bảo đảm để người dân nắm và có cách phòng tránh.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cũng có nhiều tiến bộ; công tác thanh tra, kiểm tra đã có nhiều nỗ lực, đặc biệt với các tuyến sông, nhà máy còn vi phạm môi trường trong thời gian qua.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, lĩnh vực của Sở TN&MT rất lớn, mỗi lĩnh vực là một ngành khoa học kỹ thuật rất rộng và sâu, với nhiều thách thức trong việc nâng cao năng lực dự báo. Đây cũng là một ngành quan trọng và quyết định lớn đối với sự phát triển đô thị và đời sống của người dân. Vì vậy, trong năm “nước rút” 2019, để hoàn thành các chỉ tiêu của Đại hội Thành phố, HĐND và các chương trình kế hoạch công tác của Thành phố, Bí thư Thành ủy đề nghị Sở tập trung rà soát các chỉ tiêu để có giải pháp thực hiện.
Trong đó, chú trọng tập trung vào việc giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai, đặc biệt ở cấp quận, huyện. Cùng với các sở, ngành, Sở TN&MT phải coi đây là nhiệm vụ không phải của riêng ai; tăng cường phối hợp, chia sẻ cơ sở dữ liệu. Cùng với đó phải bóc tách các nội dung xem vướng ở đâu, phân bổ lực lượng để xử lý.
“Phải có sự vào cuộc của các cơ quan thành phố thì khiếu nại tố cáo mới sớm giải quyết được. Thành phố thông minh là phải chia sẻ dữ liệu, chia sẻ thông tin”, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu Sở cần minh bạch hơn nữa các thủ tục hành chính với người dân, đẩy mạnh dịch vụ công mức độ 3, 4; tiếp tục đưa tổ công tác xuống địa phương để giải quyết các vướng mắc về cấp “sổ đỏ”; phối hợp với các sở, ngành trong xử phạt ô nhiễm môi trường. Ngoài ra cần tăng cường công tác quan trắc và dự báo các sự cố về môi trường, biến đổi khí hậu để đưa ra những tình huống, thống kê, giải pháp khắc phục sớm; thay đổi phương pháp diễn tập, không được chủ quan…
Thùy Linh