Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách với người có công với cách mạng

18/12/2024 2:04 PM

(Chinhphu.vn) - Sáng 18/12, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tổ chức Tọa đàm Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng tại địa bàn Hà Nội.

Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách với người có công với cách mạng- Ảnh 1.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Đinh Hồng Phong. Ảnh: VGP/Minh Anh

Phát biểu tại Chương trình, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Đinh Hồng Phong cho biết, trong thời gian qua, việc thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn Hà Nội đã được triển khai tích cực và đồng bộ; cơ bản góp phần thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công.

Giai đoạn 2022 - 2024, Thành phố đã xem xét, công nhận mới và thực hiện chính sách ưu đãi đối với 4.324 hồ sơ người có công và thân nhân người có công với cách mạng. Năm 2022, thực hiện điều chỉnh chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ theo Nghị định số 75/2021/NĐ-CP đối với trên 54.000 trường hợp. Hằng tháng, thực hiện chi trả trợ cấp hơn 80.000 lượt người, kinh phí chi trả trợ cấp hằng năm là hơn 2.000 tỷ đồng.

Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho người có công và thân nhân người có công trung bình hàng năm cho khoảng 110.000 đối tượng đang hưởng thẻ bảo hiểm y tế. Công tác chăm sóc sức khỏe đối với người có công được quan tâm chú trọng. Đến nay, Hà Nội đang quản lý gần 800.000 hồ sơ người có công và các đối tượng khác do ngành quản lý; trong đó, thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng cho trên 79.000 lượt người có công.

"Lãnh đạo thành phố Hà Nội luôn đặc biệt quan tâm chăm lo chu đáo việc thực hiện chính sách và chăm lo đời sống người có công. Đặc biệt, với vị thế là Thủ đô của cả nước, ngoài việc thực hiện theo quy định chung của Trung ương, Hà Nội luôn có các chính sách đặc thù", Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Đinh Hồng Phong, trong giai đoạn 2022-2024, các chỉ tiêu phong trào"Đền ơn đáp nghĩa" đều hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, 100% số xã, phường, thị trấn làm tốt công tác công tác đền ơn đáp nghĩa. Vận động Quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa" toàn Thành phố đạt trên 123,1 tỷ đồng. Thành phố tặng 10.397 sổ tiết kiệm "Tình nghĩa" với kinh phí trên 21,8 tỷ đồng; tu sửa nâng cấp 284 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí trên 392,1 tỷ đồng.

Thành phố trích ngân sách địa phương, vận động xã hội hóa cho việc tu sửa nâng cấp 833 nhà ở cho người có công với cách mạng, kinh phí trên 33,2 tỷ đồng. 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan đơn vị nhận phụng dưỡng với mức tối thiểu 3 triệu đồng/tháng.

Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách với người có công với cách mạng- Ảnh 2.

Hà Nội luôn đặc biệt quan tâm chăm lo chu đáo việc thực hiện chính sách và chăm lo đời sống người có công. Ảnh: VGP/Minh Anh

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi người có công vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc chưa được giải quyết kịp thời; có trường hợp lâu năm chưa được giải quyết đã phát sinh đơn thư.

Trong khuôn khổ chương trình Tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Đinh Hồng Phong, Phòng Người có công của Sở đã cùng lắng nghe, trao đổi, thảo luận về các nội dung khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện, sơ kết thực hiện các nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Các vấn đề thảo luận cơ bản xoay quanh một số nội dung, bao gồm giải quyết chế độ chính sách đối với người có công mà hiện nay theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi Người có công, Nghị định 131/NĐ-CP còn có những bất cập trong quá trình thực hiện như: Chế độ đối với liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ (vướng mắc các nội dung liên quan việc xác định ủy quyền thờ cúng liệt sĩ, hết hàng thừa kế; tìm kiếm và thăm viếng mộ liệt sĩ, công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với liệt sĩ); 

Thực hiện chế độ chính sách với các đối tượng người có công như: công nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, quyết hưởng thêm chế độ trợ cấp đối với thương binh đồng thời là bệnh binh; hỗ trợ xây sửa nhà ở cho người có công và thân nhân…

Bên cạnh đó là vấn đề vướng mắc khó khăn đối với nội dung chi trả không dùng tiền mặt: phí chi trả, đối tượng không có nhu cầu nhận tiền qua tài khoản,…

Các đại biểu cũng thảo luận là việc sử dụng vận hành phần mềm cơ sở dữ liệu người có công giải quyết thủ tục hành chính liên thông "đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất' theo Đề án 06, phần mềm dịch vụ công của thành phố.

Thông qua đối thoại trực tiếp, nhiều nội dung tồn tại ở cơ sở, địa phương đã được thống nhất hướng dẫn giải quyết. Với các trường hợp cần giải quyết liên ngành, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội sẽ tổng hợp các đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách phù hợp với thực tế.

Minh Anh

Top