Nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật phát triển sản xuất hiệu quả
(Chinhphu.vn) - Ngày 11/4, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nhịp cầu nhà nông.

Các nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với bà con nông dân huyện Sóc Sơn. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Tham dự chương trình có hơn 200 đại biểu đại diện cho các nông hộ, chủ trang trại, hợp tác xã… trên địa bàn huyện Sóc Sơn, cùng các nhà khoa học, chuyên gia, ban cố vấn ngành nông nghiệp.
Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sóc Sơn, trong những năm qua, ngành Nông nghiệp huyện Sóc Sơn đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, huyện đã hình thành vùng chuyên canh bưởi với quy mô trên 700 ha, phát triển gần 2.000 đàn ong lấy mật theo hướng VietGAP, mở rộng diện tích trồng rau hữu cơ, chè, cây dược liệu…
Trong đó có nhiều sản phẩm chủ lực đã có thương hiệu như: Nếp cái hoa vàng Sóc Sơn, gà đồi, dưa lê siêu ngọt... Các mô hình liên kết chuỗi giá trị đã được hình thành và từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mặc dù vậy, nông nghiệp của huyện Sóc Sơn vẫn còn gặp không ít khó khăn, việc tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, khả năng tiếp cận thị trường của người dân và hợp tác xã còn hạn chế.

Chuyên gia nông nghiệp hướng dẫn bà con nông dân, các chủ trang trại... kỹ thuật canh tác bảo vệ cây trồng. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Diễn đàn khuyến nông @ nhịp cầu nhà nông được tổ chức trên địa bàn huyện Sóc Sơn là dịp để các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân cùng nhau trao đổi, thảo luận. Từ đó đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn để kết nối cung cầu, mở rộng thị trường cho nông sản địa phương.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã tư vấn, trao đổi thông tin, phổ biến kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, đi sâu vào một số bệnh hại trong lĩnh vực trồng trọt và biện pháp phòng trừ.
Điển hình như một số tiến bộ khoa học, kỹ thuật, góp phần phát triển sản xuất cây ăn quả có múi theo hướng bền vững; một số bệnh cơ bản ở bò như: Bệnh tiêm mao trùng, bệnh sán lá gan…; một số bệnh cơ bản ở lợn, như: Bệnh phó thương hàn, nhận biết và các biện pháp phòng ngừa bệnh dịch tả lợn châu Phi…; bệnh của cá nuôi và biện pháp phòng trị. Thông qua đó giúp nông dân có thêm kiến thức, kỹ thuật, kinh nghiệm để áp dụng vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, các nhà khoa học, nhà quản lý cũng thông tin cho người dân về những cơ chế chính sách của thành phố, huyện đối với phát triển nông nghiệp.
Thiện Tâm