Nâng cao năng lực hạ tầng giao thông Thủ đô
(Chinhphu.vn) - Hà Nội đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một Thành phố hiện đại, xứng tầm là Thủ đô, có vị thế trong khu vực và thế giới. Trong bức tranh về giao thông Hà Nội hôm nay đã có nhiều gam màu tươi sáng. Tuy nhiên, về lâu dài, Hà Nội vẫn cần nâng cao năng lực hạ tầng giao thông, trong đó đầu tư xây dựng các tuyến đường vành đai là tiền đề đặc biệt quan trọng.
* Hà Nội dành hơn 1.865 tỷ đồng bảo đảm an toàn giao thông
* Hà Nội bàn phương án tiền khả thi đầu tư dự án Vành đai 4
Thời gian qua, Hà Nội đã từng bước đưa vào khai thác, vận hành hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông đô thị quan trọng; góp phần tăng khả năng kết nối, giảm ùn tắc giao thông, tạo động lực để thúc đẩy kinh tế phát triển. Một trong số những công trình giao thông trọng điểm được đông đảo người dân Thủ đô kỳ vọng khi đưa vào khai thác, vận hành chính là tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông.
Đầu tháng 12/2021, những tuyến buýt điện đầu tiên đã chính thức lăn bánh phục vụ người dân và ngay lập tức được đánh giá cao bởi công nghệ hiện đại, sự tiện lợi, thân thiện với môi trường. Trong khi đó, chỉ sau hơn 2 tháng đưa vào khai thác, tàu điện trên cao Cát Linh-Hà Đông đã đạt mốc một triệu lượt khách đi tàu vào giữa tháng 1/2022.
Đánh giá cao ý nghĩa quan trọng trong giao thông công cộng và khởi đầu cho quy hoạch đường sắt đô thị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông được xác định là dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng trong hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô; là khởi đầu cho việc triển khai thực hiện quy hoạch đường sắt đô thị đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong tương lai gần, dự kiến tuyến đường sắt đô thị này sẽ được kéo dài đến khu vực đô thị vệ tinh Xuân Mai.
Cùng với đó, nhiều tuyến đường, nút giao thông quan trọng của Hà Nội đã được xây dựng đưa vào sử dụng thời gian qua như: Vành đai 2, cầu Vĩnh Tuy, Vành đai 3, trục phía Nam Hà Tây, Quốc lộ 1A (đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi), một số đoạn tuyến của đường Vành đai 2,5 và 3,5; các công trình cầu vượt tại nút giao thông quan trọng như Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt; An Dương - Thanh Niên, đường nối từ Vành đai 3 đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường Tản Lĩnh - Ba Vì... Những trục giao thông này đã, đang và sẽ cải thiện hạ tầng giao thông, diện mạo đô thị, tạo thêm lực phát triển cho Thủ đô.
Nhiều dự án, kế hoạch giao thông trọng điểm
Trong năm 2022, Hà Nội sẽ hoàn thiện nhiều dự án, kế hoạch trọng điểm, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thủ đô. Theo dự kiến, dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội đoạn Nhổn-ga Hà Nội, đoạn đầu của tuyến Nhổn-Hoàng Mai (tuyến đường sắt số 3) phần nổi dài 8,5 km phải hoàn thành vào cuối năm 2022 để đưa vào khai thác sử dụng ngay, còn phần ngầm phải hoàn thành vào năm 2025. Dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương - được khởi công từ tháng 10/2020 với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng - dự kiến vào quý IV/2022 sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.
Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy 2 với tổng mức đầu tư trên 2.500 tỷ đồng - nhằm khép kín tuyến Vành đai 2, tăng cường kết nối giữa hai bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc, tạo tiền đề cho việc hình thành chuỗi đô thị phía Bắc - dự kiến sẽ hoàn thành cơ bản các nhịp cầu dẫn phía Long Biên trong năm 2022.
Đặc biệt, Hà Nội sẽ tập trung triển khai dự án đường Vành đai 4 để tạo động lực phát triển mới cho Thủ đô, thúc đẩy phát triển những vùng còn khó khăn như khu vực phía Nam Thành phố. Hà Nội cũng sẽ quyết tâm thực hiện đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nhằm chỉnh trang đô thị, đặc biệt là nâng cao đời sống, bảo đảm an toàn cho người dân...
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn Thành phố, với mục tiêu là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn Thủ đô; quan tâm kết nối hạ tầng giao thông với các tuyến giao thông ở địa phương bạn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội Vùng Thủ đô.
Diệu Anh