Nâng cao vị thế hàng Việt
(Chinhphu.vn) - Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt đã chú trọng xây dựng và có sự đầu tư thích đáng cho công nghệ, sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp. Chính vì vậy, ngày càng nhiều sản phẩm hàng Việt Nam được người tiêu dùng trong và ngoài nước tin tưởng.
Kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt đến với người dân
Theo thống kê của Bộ Công Thương, hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ hơn 90% trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp trong nước và từ 60%-90% tại hệ thống phân phối của doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi trên kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm từ 60% trở lên.
Cũng qua khảo sát, tỷ lệ người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn hàng Việt Nam có thương hiệu, chất lượng và có lợi cho sức khỏe chiếm 76%. Các doanh nghiệp phân phối, gồm cả doanh nghiệp nước ngoài, đánh giá chất lượng hàng Việt Nam được cải tiến rất nhiều, mẫu mã đẹp, giá thành hợp lý. Nhà sản xuất chú trọng phát triển thương hiệu và quảng bá thương hiệu, giúp người tiêu dùng biết và tin tưởng sử dụng sản phẩm hơn.
Thời gian qua, Hà Nội cùng với 30 tỉnh, thành phố triển khai nhiều hoạt động kết nối cung-cầu hàng hóa phục vụ thị trường Thủ đô. Cụ thể, hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Trị, Bắc Kạn, Tây Ninh, Hải Dương… làm việc trực tiếp với hệ thống phân phối Hà Nội để giới thiệu, kết nối sản phẩm đặc sản, đặc trưng.
Bên cạnh đó, tổ chức trên 40 hoạt động giao thương, hội chợ, tuần hàng tại Hà Nội và các tỉnh tổ chức qua đó giới thiệu 3.000 sản phẩm của 30 tỉnh, thành phố đến hệ thống phân phối Hà Nội…
Thời gian qua, tại Hà Nội, hàng loạt tuần hàng Việt Nam đã được tổ chức, qua đó quảng bá, đưa các sản phẩm chất lượng được các doanh nghiệp trong nước sản xuất đến với người tiêu dùng. Ngược lại, người tiêu dùng có cơ hội mua sắm hàng hóa với giá cả hợp lý nhờ các chương trình khuyến mại, giảm giá. Hơn cả, đây là một trong những giải pháp nhằm gia tăng chất lượng, nâng cao vị thế của hàng Việt tại thị trường trong nước.
Thông qua Tuần hàng Việt, các doanh nghiệp có thêm cơ hội để đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu thương hiệu sản phẩm, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt đến với người dân và du khách trên địa bàn Thành phố. Người tiêu dùng có thêm cơ hội tiếp cận, mua sắm tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa có chất lượng do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.
Mua sắm tại Tuần hàng Việt Nam thành phố Hà Nội năm 2024 do Sở Công Thương Hà Nội mới đây, chị Nguyễn Thị Mai, ở phường Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, phần lớn đồ dùng trong gia đình chị đều là hàng Việt. Từ các loại thực phẩm thiết yếu, thực phẩm công nghệ, hàng tiêu dùng, hóa phẩm; nhất là hàng may mặc đều sản xuất trong nước, giá cả hợp lý, chất liệu tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng...
"Tôi mong muốn có nhiều hội chợ, tuần hàng bán các sản phẩm hàng Việt để người dân có thể tiếp cận mua sắm dễ dàng, với những hàng hóa chất lượng, an toàn, giá cả phù hợp", chị Mai nói.
Ngoài đưa hàng Việt đến người tiêu dùng trong nước cũng cần đẩy mạnh đưa sản phẩm Việt Nam ra thị trường nước ngoài. Do vậy, TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án "Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030", nhằm phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn...
Theo đó, trong năm 2024, thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ về thông tin thị trường cho hơn 500 lượt doanh nghiệp; hỗ trợ về đào tạo, tư vấn cho hơn 100 lượt doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực cung ứng để từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; hỗ trợ hơn 100 lượt doanh nghiệp xây dựng năng lực tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới; tổ chức cho hơn 100 lượt kết nối, giao thương với các mạng phân phối nước ngoài; hỗ trợ hơn 80 sản phẩm xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài.
Đẩy mạnh quảng bá hàng Việt tại nước ngoài
Để giữ vững và nâng cao vị thế hàng Việt, trước hết, các cấp, ngành cần tiếp tục đổi mới cách thức thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", chú trọng hoạt động xúc tiến, quảng bá hàng Việt và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước về vốn, tiếp cận công nghệ, phương thức quản trị tiên tiến. Không chỉ đưa hàng Việt đến vùng sâu, vùng xa mà còn đưa hàng Việt vào kênh phân phối của nước ngoài; có chính sách bảo vệ sản xuất trong nước đi cùng với kiểm soát chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và bảo vệ người tiêu dùng.
Tiếp đó, cần chú trọng phát triển hệ thống bán lẻ nội địa, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển phương thức thương mại điện tử. Phương thức tiêu dùng thay đổi buộc hệ thống bán lẻ cũng phải thay đổi, mới đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng. Trong chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối là mắt xích rất quan trọng. Thực tế, trong Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", các đơn vị phân phối, bán lẻ đã tham gia rất tích cực và phát huy hiệu quả rõ nét.
Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội khuyến nghị, doanh nghiệp cũng cần chủ động đầu tư, tiếp tục thay đổi, cải tiến mẫu mã, công nghệ tiên tiến, tăng năng suất lao động, hạ giá thành, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm; chủ động hợp tác, liên kết để tạo chuỗi cung ứng từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành, doanh nghiệp cần chung tay xây dựng các thương hiệu hàng Việt Nam đủ mạnh, không chỉ đứng vững trên thị trường nội địa mà còn vươn tầm khu vực, thế giới; xây dựng văn hóa doanh nghiệp luôn tôn trọng và bảo vệ khách hàng.
Doanh nghiệp trong nước có lợi thế là am hiểu văn hóa, thị hiếu tiêu dùng, cơ sở sản xuất tại chỗ, chi phí thấp hơn cùng với hệ thống phân phối rộng khắp. Bởi vậy, doanh nghiệp cần phải biết tận dụng lợi thế để cạnh tranh và phát triển.
Thời gian tới, cùng với chuỗi chương trình khuyến mại tập trung, hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm Việt Nam cũng tiếp tục được triển khai.
Đồng thời, tổ chức Chương trình Tuần hàng Việt tại các mạng phân phối nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước mang hàng hóa trưng bày, giới thiệu tại các chương trình Tuần hàng Việt.
Thành phố cũng tích cực đưa doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu đi khảo sát thị trường các nước nhằm nắm bắt yêu cầu thị trường và giao dịch với các nhà phân phối. Tổ chức các hoạt động kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam với mạng lưới phân phối do doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài làm chủ; các hoạt động quảng bá, tiếp thị hướng tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài…
Diệu Anh