Nâng cao ý thức bảo vệ rừng, thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp
(Chinhphu.vn) - Công tác bảo vệ rừng có ý nghĩa rất lớn đối với Hà Nội vì đây chính là “lá phổi xanh” của Thủ đô, vừa mang tính chất phòng hộ vừa bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế và làm đẹp cảnh quan thiên nhiên. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho thế hệ tương lai luôn được ngành nông nghiệp quan tâm, triển khai kịp thời.
Đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ rừng tại các trường học trong thời gian tới |
Theo Chi cục Kiểm lâm, trong những năm qua Chi cục đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các nhà trường trên địa bàn của 7 huyện, thị xã có rừng để tuyên truyền tới các hộ dân và học sinh về vai trò, ý nghĩa của việc trồng và bảo vệ rừng.
Hiện nay, rừng ở Hà Nội được phân bố trên 7 huyện và thị xã gồm: Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Sơn Tây, Chương Mỹ, Quốc Oai và Thạch Thất. Không chỉ có vai trò quan trọng trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường mà còn làm đẹp cảnh quan và gắn liền với các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Theo Quyết định số 1002/ QĐ-UBND ngày 01/3/2021 của UBND thành phố Hà Nội về việc công bố hiện trạng rừng thành phố Hà Nội năm 2020, Hà Nội có tổng diện tích rừng và chưa thành rừng là 27.162,04 ha. Trong đó, diện tích đất có rừng là 18.847,48 ha; năm 2020, diện tích rừng được trồng mới toàn thành phố đạt 190 ha. Diện tích rừng trồng được giao khoán bảo vệ là 5.615 ha.
Mặc dù diện tích rừng của Hà Nội không lớn nhưng có vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường cảnh quan thiên nhiên. Nhưng hiện nay rừng của Hà Nội đang phải gánh chịu rất nhiều thách thức như tốc độ đô thị hóa nhanh, ý thức bảo vệ phòng cháy chữa cháy rừng của một bộ phận người dân tại các xã có rừng còn hạn chế nên vẫn còn hiện tượng phá rừng, cháy rừng. Chính vì vậy việc trồng rừng và phát triển rừng, bảo vệ rừng phòng hộ, phát triển rừng sản xuất gắn với bảo vệ sinh thái, góp phần thúc đẩy đời sống của người dân là rất cần thiết.
Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm Lâm Hà Nội, rừng ở Hà nội chủ yếu là rừng trồng như thông, keo, bạch đàn. Thực bì dưới tán rừng phát triển mạnh, chủ yếu là các loài thực vật dễ cháy, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao.Trong năm 2020, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp do tác động của biến đổi khí hậu, nắng nóng, khô hanh xảy ra trên diện rộng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Đã xảy ra 18 vụ cháy rừng với tổng diện tích bị cháy là 15,701ha, chủ yếu cháy thảm thực bì… Các vụ cháy đã được phát hiện và dập tắt kịp thời, không để lan rộng. Những năm gần đây, công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện quyết liệt. Thành phố cơ bản khắc phục được những tồn tại trong công tác quản lý đất rừng, đất lâm nghiệp... nên không xảy ra tình trạng “mất” rừng. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng được tập trung triển khai thực hiện.
Thực hiện chỉ đạo của Thành phố và Sở NN&PTNT, năm 2021, Chi cục Kiểm lâm đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và nhà trường trên địa bàn 7 huyện, thị xã có rừng để tuyên truyền, triển khai tới từng em học sinh. Chương trình được thông qua các các buổi tuyên truyền ngoại khóa, pano cổ động được treo tại nhà trường… Từ đó giúp các em nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ rừng bằng cách tuyên truyền về tầm quan trọng của rừng, hậu quả của các hành vi khai thác trái phép, chặt phá, đốt rừng. Đồng thời trồng thêm cây xanh để làm sạch không khí, môi trường trong lành. Từ đó góp phần lan tỏa tới những người thân của các em về sự cần thiết để bảo vệ rừng.
Để nâng cao chất lượng rừng, thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, Sở NN&PTNT Hà Nội đã đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 sẽ nâng độ che phủ rừng từ 5,67% hiện nay lên 6,2%; nâng mức thu nhập trên đất lâm nghiệp từ 15 triệu đồng/ha/năm lên 40-60 triệu đồng/ha/năm vào năm 2025...
Bên cạnh đó, việc tuyên truyền bảo vệ rừng tại các trường học trong thời gian tới cũng sẽ tiếp tục được Chi cục Kiểm Lâm Hà Nội thực hiện thường xuyên hơn. Qua thực tế cho thấy, chương trình tuyên truyền lựa chọn đối tượng là học sinh nên đã tạo ra sức lan tỏa rộng rãi từ nhà trường tới gia đình, cộng đồng nơi các em đang sinh sống. Qua đó cũng giúp các em có cơ hội tìm hiểu về rừng, khám phá về rừng sâu sắc hơn, hiểu biết nguồn tài nguyên quí giá của địa phương, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường sống.
Thiện Tâm