Nâng chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn truy xuất nguồn gốc tăng 10%/năm

05/10/2021 3:26 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 5/10, Bộ NN&PTNT và UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý dự thảo Chương trình phối hợp với thành phố Hà Nội về “Bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giao thương giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố giai đoạn 2021-2025”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thiện Tâm

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Từ năm 2015 được sự quan tâm, đồng hành của Bộ NN&PTNT, thành phố Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố phía Bắc thực hiện Chương trình phối hợp giao thương, phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Hà Nội 2015-2020. Kết quả sau 5 năm thực hiện, Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố đã kết nối sản xuất, quản lý chất lượng chủ động, tích cực hơn; xây dựng và phát triển được 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (chiếm 48% của cả nước). Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã xây dựng, phát triển được 141 chuỗi. Các chuỗi đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tích cực hưởng ứng tham gia. Nhiều chuỗi được tổ chức khép kín từ khâu sản xuất đến khâu phân phối tiêu thụ sản phẩm, tạo ra các thương hiệu sản phẩm mạnh trên thị trường như: HTX Hoàng Long, thịt lợn Oganic Green, trứng gà Công ty CP Tiên Viên, nấm công ty Kinoko Thanh Cao…

Đặc biệt, trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với 45 tỉnh, thành phố (1.130 cơ sở) của cả nước để cung cấp cho Hà Nội trung bình trong 1 tháng được hơn 92 nghìn tấn rau, củ, trái cây; hơn 13 nghìn tấn thịt gia súc gia cầm; hơn 31 triệu quả trứng; hơn 11 tấn thủy sản và gần 233 tấn gạo, nông sản thực phẩm khác.

 

Đặc biệt, trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với 45 tỉnh, thành phố (1.130 cơ sở) của cả nước để cung cấp cho Hà Nội trung bình trong 1 tháng: Trên 92 nghìn tấn rau, củ, trái cây; trên 13 nghìn tấn thịt gia súc gia cầm; hơn 31 triệu quả trứng; hơn 11 tấn thủy sản và gần 233 tấn gạo, nông sản thực phẩm khác. “Qua đó đã góp phần đảm bảo nhu cầu thực phẩm nông lâm thủy sản của Hà Nội, góp phần cho thành quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh của Thành phố”, ông Quyền cho biết thêm.

Tham gia đóng góp ý kiến, đại diện các tỉnh, thành phố nhận định thành phố Hà Nội cần có kế hoạch phối hợp chặt chẽ, cụ thể hơn về nhu cầu cũng như đầu ra sản phẩm. Cùng với đó là cơ chế thông tin cần được làm rõ, cụ thể hơn và cần có sự phản hồi trở lại cho các tỉnh, thành phố về chất lượng, thị trường… Từ đó tạo phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn.

 

Theo bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Sở sẵn sàng kết nối giao thương với các địa phương, từ đó sẽ kết nối cụ thể từ vùng trồng đến các hệ thống phân phối và bảo đảm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ được bền vững.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Hà Nội là trái tim của cả nước nên nhu cầu về thực phẩm là rất lớn. Hằng năm lượng lương thực, thực phẩm Hà Nội sản xuất chỉ đủ đáp ứng 30%-65% (tùy từng sản phẩm) nhu cầu của người dân Thủ đô và phải liên kết với các địa phương. Chính vì vậy, để đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ, thúc đẩy giao thương thực phẩm nông lâm thủy sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước giai đoạn 2021-2025 sẽ nâng số chuỗi, quy mô chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn, truy xuất nguồn gốc tăng 10%/năm và 7 chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn được thí điểm nâng cấp lên chuỗi giá trị ngành hàng bền vững theo chuẩn mực quốc tế (được bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu; được truyền thông quảng bá, kết nối và xúc tiến thương mại trong và ngoài nước...). Bên cạnh đó, số chuỗi ngành hàng được nhân rộng 200%/năm.

Thiện Tâm

 

Top