Ngăn chặn tối đa thực phẩm ‘bẩn’ dịp Tết

03/01/2019 11:10 AM

(Chinhphu.vn) – Thời điểm cận Tết, số lượng lớn hàng hóa tiêu thụ trên thị trường nhiều, các đối tượng sẽ lợi dụng để trà trộn thực phẩm, sản phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, tuồn vào thị trường. Do đó, các cấp, các ngành Thành phố đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, ngăn chặn tối đa thực phẩm ‘bẩn’ tuồn vào trong dịp Tết.

Kiểm tra liên ngành về ATTP. Ảnh minh họa

Có thể thấy, việc lo ngại của người tiêu dùng về vấn nạn thực phẩm giả, thiếu an toàn tại các chợ cóc, chợ tạm, chợ dân sinh… không phải là không có cơ sở, đặc biệt vào dịp Tết. Vì thế, để bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi, thời gian qua, Ban Chỉ đạo liên ngành TP. Hà Nội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giám sát việc thực hiện điều kiện cơ sở, kiến thức sức khỏe của người dân trực tiếp chế biến thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến, vận chuyển, bảo quản, kinh doanh sử dụng thực phẩm và phụ gia thực phẩm, góp phần vào giảm thiểu ngộ độc thực phẩm.

Để bảo đảm cung ứng hàng hóa an toàn thực phẩm trong dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội và các sở, ngành xây dựng, triển khai công tác phục vụ Tết của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về hàng hóa, giá cả, chất lượng hàng hóa, niêm yết giá, các quy định về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm hành vi đầu cơ găm hàng tăng giá trái pháp luật, việc thực hiện các quy định về khuyến mại, tổ chức hội chợ trong dịp Tết…

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội, nhằm bảo đảm công tác an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2019, ngay từ đầu năm 2018, Chi cục ATVSTP Hà Nội đã lập 2 đoàn thanh tra, kiểm tra 135 cơ sở, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trên địa bàn toàn thành phố, qua đó xử phạt hơn 150 triệu đồng do nhiều lỗi vi phạm. Việc kiểm tra sẽ được Chi cục ATVSTP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh từ 1/1/2019 tới, khi chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2019.

Để bảo đảm sức khỏe cho người dân, Sở Y tế Hà Nội đã kiện toàn 4 đội cơ động phòng chống ngộ độc thực phẩm, triển khai 2 hoạt động an toàn thực phẩm thuộc chương trình mục tiêu Y tế - Dân số năm 2018 theo chỉ đạo của Trung ương… Đặc biệt, nhằm lưu ý người dân về các vấn đề liên quan đến ngộ độc rượu, rượu cồn công nghiệp methanol trong dịp tết Dương lịch và tết Nguyên đán 2019 vì nhu cầu sử dụng rượu dịp cuối năm tăng đột biến. Theo đó, Chi cục ATVSTP Hà Nội phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường lấy mẫu rượu để giám định, xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc.

Bên cạnh đó, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng yêu cầu các Đội Quản lý thị trường trên địa bàn Thành phố nắm chắc diễn biến thị trường, điều tra cơ bản và thường xuyên tổ chức kiểm tra đối với các cơ sở chuyên kinh doanh rượu, các cơ sở dịch vụ ăn uống có kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng…

Đồng thời tăng cường phối hợp kiểm tra, tái kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu đã bị xử lý vi phạm để ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh các mặt hàng rượu không rõ nguồn gốc trên địa bàn.

Có thể thấy, các cơ quan chức năng Thành phố đã tích cực vào cuộc nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng nhưng để cuộc chiến với thực phẩm ‘bẩn’ được làm triệt để hơn cần có sự chung tay của doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng. Do đó,người tiêu dùng cũng cần trang bị những kiến thức an toàn thực phẩm để tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình và gia đình. Cần tránh mua các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không có tem nhãn thông tin nhà phân phối, nhất là đối với bánh kẹo nhập khẩu...

Đối với người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, cần thực hiện các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh; các quy định về áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch; các quy định về chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, lưu hành sản phẩm, quảng cáo sản phẩm thực phẩm; quy định về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về sinh an toàn thực phẩm,...

Bích Phương

Top