Ngành Y tế đẩy mạnh kiểm tra phòng chống sốt xuất huyết

03/11/2022 5:00 PM

(Chinhphu.vn) - Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, Sở Y tế Hà Nội cùng các địa phương đã tích cực kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao tính tự giác cho người dân trên địa bàn thành phố.

Ngành Y tế đẩy mạnh kiểm tra phòng chống sốt xuất huyết - Ảnh 1.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương (áo kẻ) kiểm tra sốt xuất huyết trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Ngày 3/11 Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đã dẫn đầu đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch tại phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng.

Thời gian qua, công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết được quận Hai Bà Trưng cùng sự vào cuộc của các ban ngành đoàn thể, chính quyền các cấp ủy đảng và các phường thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện về nhân lực, tài chính.

Tính từ đầu năm đến nay toàn quận ghi nhận 222 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 18 phường, không ghi nhận trường hợp tử vong, số ca mắc cộng dồn giảm 20 ca so với cùng kỳ năm 2021 (242 ca). Toàn quận ghi nhận 32 ổ dịch giảm 35 ổ dịch so với cùng kỳ năm 2021 (67 ổ dịch). Tại phường Đồng Tâm ghi nhận 32 ca và 8 ổ dịch.

Để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả, UBND quận và 18 phường đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh và mạng lưới cộng tác viên, giám sát viên và đội xung kích phòng chống sốt xuất huyết với sự tham gia của 1.875 cộng tác viên chia thành 635 tổ giám sát. Trung tâm y tế quận cũng tích cực phát hiện sớm bệnh nhân tại công đồng, tỷ lệ giám sát, phát hiện sốt xuất huyết là 77/222 ca (đạt 65,32%), 100% các ổ dịch năm 2021 được giám sát trong 6 tháng đầu năm 2022.

Bên cạnh đó, quận đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, huy động được các ban, ngành đoàn thể của các phường tham gia. Phối hợp tuyên truyền, giáo dục và vận động người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường; chủ động giám sát, phát hiện dịch, khoanh vùng xử lý dịch kịp thời không để dịch bùng phát…

Đặc biệt, UBND quận đã chỉ đạo Ban quân dân y quận phối hợp các bệnh viện Trung ương, bệnh viện ngành, thành phố và các bệnh viện chuyên khoa trên địa bàn quận tăng cường khám sàng lọc, xử lý điều trị kịp thời để không có bệnh nhân tử vong về dịch sốt xuất huyết… Tại các phường tổ chức ra quân chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phòng chống sốt xuất huyết tại các tổ dân phố, phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành tại các cơ sở giáo dục, công trường xây dựng.

Tuy nhiên công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết của quận Hai Bà Trưng vẫn còn gặp một số khó khăn do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, công tác truyền thông, kiểm tra, giám sát tại các hộ gia đình cũng gặp nhiều khó khăn…

Phát biểu tại buổi kiểm tra Phó Giám đốc Sở  Y tế Hà  Nội Vũ Cao Cương ghi nhận công tác phòng, chống sốt xuất huyết của quận Hai Bà Trưng trong thời gian qua. Trước đây quận luôn ở vị trí thứ 3 của thành phố thì hiện tại quận xếp thứ 19/30 quận, huyện về số ca mắc sốt xuất huyết.

Mặc dù đã có những kết quả khả quan nhưng quận không nên chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch. Năm 2022, hiện đang gia tăng bệnh nhân sốt xuất huyết do bắt đầu vào cao điểm dịch cho thời tiết chuyển mùa, mưa nhiều, chu kỳ dịch sốt xuất huyết khoảng 4-5 năm một lần. Vì vậy quận Hai Bà Trưng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động người dân thực hiện các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết; tăng cường kiểm tra, giám sát  các ổ dịch cũ; xử lý, khoang vùng triệt để ổ dịch mới theo quy định Bộ Y tế.

Ngành Y tế đẩy mạnh kiểm tra phòng chống sốt xuất huyết - Ảnh 2.

Phụ diệt muỗi, bọ gậy để phòng chống dịch sốt xuất huyết. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Tương tự, tại huyện Đan Phượng, dịch bệnh sốt xuất huyết hiện nay cũng đang gia tăng, xuất hiện những ổ dịch trọng điểm. Vì vậy, huyện đã tích cực kiểm tra, giám sát và đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống dịch bệnh.

Theo Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng, tính đến ngày 28/10, huyện ghi nhận 1.039 ca mắc, 1 trường hợp tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 16/16 xã, thị trấn; tập trung chủ yếu ở thị trấn, các xã: Đan Phượng, Song Phượng, Tân Hội, Tân Lập… và đứng đầu toàn thành phố về số ca mắc.

Hiện huyện có 37 ổ dịch, 26 ổ dịch đã kết thúc, còn 11 ổ đang hoạt động. Đặc biệt, hiện nay trên địa bàn xã Tân Lập là 1 trong 4 xã trọng điểm của huyện về sốt xuất huyết với số ca mắc và ổ dịch, đứng đầu trên toàn huyện.

Cụ thể, tính đến nay xã Tân Lập ghi nhân 325 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, tăng so với cùng kỳ năm 2021 (21 ca).

Theo nhận định của Trung tâm Y tế, nguyên nhân xã có số ca mắc cao là do đặc điểm dân cư đông nhất trên địa bàn. Bên cạnh đó có nhiều khu vực thuê trọ đến từ các nơi, phong tục tập quán của người dân còn nhiều các bể chứa nước nổi, không có nắp đậy, các dụng cụ phế thải, phế liệu còn tồn đọng nhiều… đã tạo điều kiện cho muỗi gây bệnh sốt xuất huyết sinh sản, phát triển và gây dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Gia Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng, do nhận thức rõ được nguy cơ của dịch bệnh sốt xuất huyết, Trung tâm Y tế đã tham mưu UBND huyện có các văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung triển khai công tác phòng chống sốt xuất huyết. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn cho cộng tác viên, đội xung kịch diệt bọ gậy, tổ giám sát của xã; truyền thông trực cho người dân trên đia bàn xã hướng dẫn cách phòng, chống dịch để chủ động, hướng dẫn nhận biết khi có các triệu chứng mắc/nghi mắc đến cơ sở y tế kịp thời.

Đặc biệt là tổ chức điều tra xác minh các ca bệnh, ổ dịch; đánh giá các khu vực nguy cơ cao và có các biện pháp xử lý kịp thời. Đề xuất, phối hợp với chính quyền địa phương triển khai công tác vệ sinh môi trường. Nhất là Đội xung kích của Trung tâm Y tế đã hỗ trợ xuống địa bàn khu vực có ổ dịch tham gia vệ sinh môi trường diệt bọ gậy.

Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ và cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh để kịp thời đề xuất các biện pháp phòng chống dịch phù hợp. Tăng cường giám sát phát hiện bệnh nhân tại cộng đồng và các bệnh viện được phân cấp để kịp thời nắm bắt tình hình dịch, phát hiện sớm, điều tra xử lý ca bệnh.

Phát hiện, điều tra, xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch hạn chế thấp nhất ổ dịch lan rộng. Đẩy mạnh giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao và ổ dịch cũ. Triển khai ngay các chiến dịch vế inh môi trường- diệt bọ gậy tại các khu vực có ca bệnh, ổ dịch đảm bảo hiệu quả và triệt để trước khi phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành tại ổ dịch, trong đó cần huy động sự tham gia của các ban ngành đoàn thể.

Thiện Tâm

Top