Nghề da giày Phú Yên-Điểm mạnh từ phát triển kinh tế nông thôn

26/05/2021 3:00 PM

(Chinhphu.vn) - Nhiều sản phẩm của làng nghề da giày Phú Yên được tiêu thụ mạnh, thu hút được nhiều lao động tham gia, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo, làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Sản phẩm giày dép Phú Yên đạt chất lượng OCOP. Ảnh: Thiện Tâm.

Chia sẻ với phóng viên, Nguyễn Lương Đức, Chủ tịch Hội da giày Phú Yên, huyện Phú Xuyên cho biết: Xã Phú Yên nằm phía Nam của thủ đô Hà Nội, có Cầu Giẽ là đầu mối giao thông thuận lợi, nhờ đó mà nhân dân sớm được giao lưu tiếp xúc với nhiều nghề thủ công truyền thống, trong đó có nghề giầy da.

Nhiều sản phẩm của làng nghề tiêu thụ mạnh, thu hút được nhiều lao động tham gia, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Từ đó làm thay đổi bộ mặt nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đưa giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ trong các năm gần đây đạt 85% trong cơ cấu kinh tế của xã. Đời sống nhân dân có nghề được cải thiện, cơ sở hạ tầng được nâng cấp, nhờ có nghề nên nhân dân xã Phú Yên sẽ đẩy nhanh cuộc vận động toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Bên cạnh đó, căn cứ quy hoạch xây dựng nông thôn mới xã Phú Yên, đã có quy hoạch gần 10ha diện tích đất nông nghiệp của đội 1 giáp đường sắt để mở rộng làng nghề da giầy. Đây là chủ trương quan trọng giúp cho làng nghề phát triển bền vững, trước hết mỗi hội viên phải có trách nhiệm tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân tạo sự đồng thuận cao, về mục đích của việc thu hồi đất là giúp cho làng nghề phát triển, tạo được nhiều công ăn việc làm, đầu tư được máy móc dây truyền hiện đại, giảm chi phí lao động, giảm ô nhiễm môi trường, tăng thu nhập của nhân dân.

Ngoài những thay đổi tích cực từ chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Phú Yên còn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ và tạo điều kiện phát triển làng nghề, phát huy thế mạnh của xã từ Chi cục phát triển nông thôn Hà Nội, mà đứng đầu là Chi cục trưởng Nguyễn Văn Chí đã song hành cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian qua, Chi cục phát triển nông thôn đã rất quan tâm, hỗ trợ hoàn toàn miễn phí cho các cơ sở của xã đăng ký sản phẩm OCOP-Mỗi xã một sản phẩm. Chính vì vậy, đến nay xã Phú Yên đã có 7 sản phẩm đạt 4 OCOP sao. Cũng nhờ đó, thương hiệu giày của xã Phú Yên ngày càng được nhiều người biết đến, việc quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường cũng phát triển hơn so với trước kia.

Theo thống kê của chính quyền xã Phú Yên, toàn xã có 4 thôn trong đó có 3 thôn tham gia sản xuất giày dép, số người tham gia sản xuất trực tiếp nghề giày có khoảng 2.000 người. Lãnh đạo xã Phú Yên cho biết, lương bình quân của người trực tiếp làm nghề từ 7-10 triệu đồng/người/năm. Các hộ làm nghề đều tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp và quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Nghề da giày của Phú Yên đã được xây dựng và phát triển gần một thế kỷ với nhiều thay đổi, thăng trầm. Để phát huy tiềm năng thế mạnh của nghề truyền thống Từ những năm 2000 đến nay Đảng bộ xã Phú Yên đã trú trọng lãnh đạo phát triển kinh tế xã hội, trọng tâm là phát triển tiểu thủ công nghiệp. Đây là khâu đột phá đưa xã Phú Yên từ một xã thuần nông trở thành xã đa nghề, có mức thu nhập khá trong huyện, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng lên, bộ mặt nông thôn cũng có nhiều khởi sắc. Năm 2001 thôn Giẽ Thượng, Giẽ Hạ được UBND tỉnh Hà Tây công nhận làng nghề da giầy truyền thống, năm 2003 UBND xã Phú Yên đã đề nghị UBND huyện ra quyết định thành lập Hội da giầy Phú Yên. Đến năm 2016 huyện uỷ Phú Xuyên chỉ đạo thành lập chi bộ Da giầy xá Phú Yên, từ ngày thành lập đến nay chi bộ đã làm tốt công tác chỉ đạo dạy nghề, giới thiệu quảng bá sản phẩm làng nghề da giầy Phú Yên.

Về công nghệ sản xuất trong các làng nghề của xã hiện nay chủ yếu là thủ công, máy móc vẫn còn thô sơ nên chất lượng sản sản phẩm chưa thể xuất khẩu đi các nước châu Âu, Mỹ được.  Nhưng hiện nay giày dép Phú Yên đã có mặt ở khắp nơi trên cả nước, chủ yếu tiêu thụ trong nội địa, nhiều nhất là ở các tỉnh phía bắc chiếm 80% thị phần, còn các tỉnh phía nam khoảng 20%; đồng thời đã xuất khẩu sang một số nước lân cận như Lào, Campuchia… Sản lượng hằng năm ước đạt trên 5 triệu đôi giầy, dép các loại.

Để phát triển và truyền nghề cho các thế hệ sau này, thực hiện chính sách khuyến công của huyện và thành phố,  đến năm 2017 Chi bộ cùng Hội da giầy kết hợp Hội da giầy Hà Nội và sở công thương mỗi năm mở được một lớp dậy nghề. Số lượng học viên mỗi lớp tham gia từ 25 đến 40 học viên, nhưng chủ yếu học nâng cao tay nghề do các chuyên gia đến từ Séc và Đức đào tạo, và mở được hai lớp tập huấn công tác phòng chống cháy nổ trong sản xuất kinh doanh giầy dép.

Số lao động sau khi học xong đã có trình độ chuyên môn khá để tự lập làm riêng, trong số lao động tham gia học nghề 95% có công việc ổn định. Ngoài số học viên do chi bộ cùng Hội tổ chức, các cơ sở sản xuất trong xã mỗi năm đã đào tạo được hàng 100 lao động trong và ngoài xã.

Thiện Tâm

Top