Người dân chủ động các biện pháp phòng bệnh mùa mưa bão

24/07/2025 6:31 PM

(Chinhphu.vn) - Vào mùa mưa bão sẽ gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus và các loại ký sinh trùng sinh sôi, lây lan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em, người già và những người có bệnh nền... Do đó, mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.

Người dân chủ động các biện pháp phòng bệnh mùa mưa bão- Ảnh 1.

Ngành Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động phòng chống dịch bệnh mùa mưa bão. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau những đợt bão lũ lớn, bởi mưa bão, nhất là khi có ngập úng kéo dài, điều kiện vệ sinh môi trường, nước sạch, thực phẩm đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng... là môi trường lý tưởng tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus và côn trùng gây bệnh phát triển. Vì vậy có một số bệnh thường gia tăng đáng kể trong thời điểm này như: Sốt xuất huyết do muỗi vằn truyền bệnh, thường bùng phát mạnh sau mưa do nước đọng tạo thành ổ loăng quăng; tiêu chảy cấp, tả, lỵ do nước mưa, nước lũ cuốn theo chất thải, rác thải khiến nguồn nước sinh hoạt dễ bị ô nhiễm; cảm cúm, viêm hô hấp do thời tiết thay đổi, ẩm thấp khiến sức đề kháng giảm, virus cúm dễ lây lan; các bệnh ngoài da do tiếp xúc với nước bẩn, lội nước ngập lâu ngày dễ gây viêm da, nấm, ghẻ...; nhiễm trùng mắt, đỏ mắt do vi khuẩn, virus lây lan qua tay bẩn hoặc dùng chung khăn mặt, nước rửa.

Để phòng chống những bệnh thường gặp mùa mưa bão, theo BSCKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, người dân cần đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi; thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm; vệ sinh cá nhân hằng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn; tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng, mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày.

Bên cạnh đó cần thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế; thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Tránh lội nước bẩn, nếu buộc phải đi qua vùng ngập, nên mang ủng hoặc giày cao su, rửa sạch và lau khô chân ngay sau đó; giữ ấm cơ thể khi trời trở lạnh hoặc bị ướt mưa; không dùng chung vật dụng cá nhân như khăn mặt, bàn chải, chậu rửa mặt để tránh lây bệnh mắt hoặc da. Khi có dấu hiệu sốt cao, tiêu chảy, mẩn đỏ da, đau mắt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc uống, nhất là thuốc kháng sinh hoặc truyền dịch tại nhà.

Đặc biệt, ngành Y tế Hà Nội cũng đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa bão; tăng cường giám sát dịch tễ tại cộng đồng trong và sau mưa bão trên địa bàn toàn thành phố. Đặc biệt ở các vùng trũng thấp, thường xuyên ngập úng nhằm phát hiện dịch bệnh ngay từ ca bệnh đầu tiên để khoanh vùng và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Ngoài ra cần dự trù đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất khử khuẩn, trang thiết bị y tế đáp ứng công tác phòng chống dịch bệnh mùa mưa bão; tập huấn cho cán bộ y tế cơ sở kỹ năng nhận biết, xử trí sớm các bệnh dịch sau bão lũ. CDC Hà Nội đã thành lập 8 đội cơ động nhằm kịp thời hỗ trợ các xã, phường trong công tác phòng chống dịch bệnh, xử lý các tình huống y tế công cộng khẩn cấp; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa mưa bão.

Thiện Tâm

Top