Người dân Thủ đô phấn khởi khi được nới lỏng nhưng không lơ là phòng dịch

18/09/2021 1:32 PM

(Chinhphu.vn) - Sau gần 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng, chống dịch COVID-19, nhiều người dân Hà Nội bày tỏ vui mừng, phấn khởi với quy định nới lỏng mới của Thành phố. Tuy nhiên người dân cũng ý thức việc nới lỏng nhưng không được lơ là phòng, chống dịch bởi chỉ cần tâm lý chủ quan sẽ dẫn đến những hệ quả khó đoán trước, làm uổng phí công sức, nỗ lực chống dịch bệnh của cả xã hội.

Hà Nội tăng cường tầm soát để sàng lọc nguy cơ mắc COVID-19 trong cộng đồng để từng bước nới lỏng giãn cách. Ảnh: Đào Chăm

Việc nới lỏng giãn cách là rất cần thiết

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội nhận định, hiện nay, Hà Nội đã khống chế tốt các ổ dịch, đã kiềm chế không để dịch bùng phát diện rộng. Tuy nhiên, thời gian giãn cách gần 2 tháng đã quá dài có ảnh hưởng lớn tới đời sống dân sinh và phát triển kinh tế của Thành phố. Vì vậy, việc Hà Nội quyết định nới lỏng giãn cách tại một số địa bàn là rất cần thiết.

Tuy nhiên, theo PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng, việc nới lỏng giãn cách tại Hà Nội vẫn cần tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp theo thực tễ diễn biến dịch bệnh thời gian tới.

Qua theo dõi diễn biến dịch tại Hà Nội thời gian gần đây cũng như diễn biến tình hình chống dịch hiện nay, PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng nêu ý kiến, các ca mắc COVID-19 mới hầu hết đều xảy ra ở khu cách ly tập trung hoặc ở khu vực phong toả. Bên cạnh đó, việc xét nghiệm diện rộng mấy triệu mẫu cho thấy không có người nhiễm ngoài cộng đồng trừ khu vực phong toả và hầu hết người dân đã được tiêm phòng vaccine. Điển hình như qua 5 ngày xét nghiệm toàn dân (từ ngày 9/9 đến 13/9), Hà Nội đã lấy được hơn 2 triệu mẫu, đạt khoảng 50% kế hoạch đề ra, có 18 mẫu dương tính với virus SARS-CoV-2, tập trung chủ yếu khu vực nguy cơ cao, ổ dịch từ trước tại các quận, huyện Thanh Xuân, Thanh Trì, Hai Bà Trưng.

Vì vậy theo PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng, Hà Nội cần triển khai phân vùng nguy cơ đến tận phường, xã để bảo đảm thu hẹp tối đa vùng đỏ, vùng cam, từ đó mở rộng tối đa vùng xanh. Việc phân vùng nguy cơ cần căn cứ vào dữ liệu về dịch tễ học về giám sát dịch và tỷ lệ tiêm vaccine. Bên cạnh đó, việc nới lỏng giãn cách cần đi đôi với tăng cường giám sát dịch, giám sát người dân tuân thủ thông điệp 5K và tiêm vaccine để bảo đảm tính khoa học, chủ động và bền vững.

Ông Phan Bá Hùng, đảng viên Chi bộ 4, phường Quảng An. Ảnh: Việt Hà

Nới lỏng nhưng không lơi lỏng

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, ông Phan Bá Hùng, đảng viên Chi bộ 4, phường Quảng An, quận Tây Hồ cho biết: Trước chính sách nới lỏng giãn cách của chính quyền và địa phương, người dân thấy vui mừng nhưng vẫn thấp thỏm, lo âu mong đến hết ngày 21/9.

“Hiện trên địa bàn phường chưa thấy biểu hiện chủ quan, người dân vẫn e ngại khi ra đường, mọi người chỉ đi ra đường khi đi chợ, đi làm, nộp tiền điện, tiền nước…chưa dám đến nhà hàng xóm chơi”, ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Văn Khuê, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Ảnh: Minh Anh

Ông Nguyễn Văn Khuê, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Phú Thượng cho hay: “Bà con trên địa bàn phường nắm được tinh thần nới lỏng giãn cách của địa phương nhưng vẫn rất ý thức. Mọi người dân đều chấp hành tốt việc phòng, chống dịch, đặc biệt là việc quản lý tại các chốt. Các hàng quán được mở cửa nhưng không có tình trạng chen lấn, ồ ạt, người dân khi đi mua hàng luôn quan sát và thư thả, bình tĩnh khi mua hàng về.”

Chị Phạm Thị Thu Hiền cho rằng nới lỏng giãn cách nhưng không nên chủ quan phòng, chống dịch. Ảnh: Kim Liên

Chị Phạm Thị Thu Hiền (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: Nhìn lại mấy tháng vừa qua, Hà Nội đã kiểm soát tốt dịch vì không chủ quan, luôn chủ động, khoanh vùng, cách ly, dập dịch quyết liệt, “chống dịch như chống giặc”. Hiện TP. Hà Nội đang dần nới lỏng, cuộc sống dần trở về trạng thái bình thường mới.

“Có lẽ thời gian này, mọi người cảm thấy “dễ thở” hơn sau thời gian dài giãn cách, nhưng mình hy vọng rằng, bất kỳ ai cũng cần tỉnh táo, chỉ cần một vài người thả lỏng quá mức, việc thiếu cảnh giác rất có thể sẽ dẫn đến những hệ quả không lường trước, vì nguy cơ của dịch luôn hiện hữu và khó đoán trước”, chị Hiền nói.

Đồng thời chị cũng mong một ngày gần nhất người ở Hà Nội được đi lại các tỉnh thoải mái, giao thông thông suốt, để có thể hằng tháng cho các con trở về quê thăm ông bà, các con được vui đùa thỏa thích như khi chưa có COVID-19… “ Nhưng đó là kế hoạch nhé, còn bây giờ thì mình vẫn “ở yên một chỗ” để tất cả những niềm mong ước đó sớm trở thành hiện thực”, chị Hiền bộc bạch.

Chị Vũ Hồng Phú. Ảnh: Việt Hà

Là người dân sống tại quận Hoàng Mai - quận vẫn thuộc nguy cơ cao của Thành phố, chị Vũ Hồng Phú ( SN 1977) cho biết, hiện nay tại Hoàng Mai các khu vực vẫn có chốt ở các ngõ và đi lại thì vẫn cần có giấy đi đường, chỉ có các cửa hàng thiết yếu được mở. Gia đình chị Phú vẫn mua phiếu đi chợ. Nhìn chung, mọi người vẫn tuân thủ đúng theo Chỉ thị của Thành phố. Đến siêu thị phải khai báo y tế. Theo quan sát của chị Phú thì 100% người dân đều đeo khẩu trang, người lạ vẫn không được phép vào khu dân cư.

Chị Phú cho rằng, Thành phố đang làm rất đúng hướng, dù nhà chị ở khu vực còn bị hạn chế nhưng theo dõi tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát rất tốt, thì thấy yên tâm và chấp hành. Rất mong muốn mọi người cố gắng tuân thủ đúng quy định để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường như các khu vực khác của Thành phố.

Chị Huyền, nhân viên kinh doanh Công ty Cổ phần Giấy Sài Gòn. Ảnh: Đào Chăm

Chị Nguyễn Thị Huyền, nhân viên kinh doanh công ty cổ phần Giấy Sài Gòn cho biết, ngày hôm qua khi biết được thông tin Hà Nội cho nới lỏng giãn cách tại 19 quận, huyện, thị xã, tôi thấy rất phấn khởi vì sau thời gian dài giãn cách xã hội, Hà Nội đã có những khởi sắc và thành quả phòng, chống dịch ban đầu.

Trong thời gian giãn cách xã hội, việc vận chuyển lưu thông hàng hóa của công ty chị gặp nhiều khó khăn vì Thành phố có nhiều vùng đỏ, ngoài ra, vấn đề kiểm tra giấy đi đường cũng gây thêm khó khăn cho việc đi lại, giao hàng. Nhưng hiện nay, khi phần lớn các quận, huyện được nới lỏng giãn cách thì hoạt động kinh doanh của công ty và việc vận chuyển hàng hóa đã được thuận lợi hơn nhiều. Điều đó cũng có nghĩa nền kinh tế sẽ dần được phục hồi, phát triển trở lại và người dân sẽ có việc để làm, ổn định cuộc sống sau đại dịch.

Liên Hà Chăm

Top