Người lưu giữ một Hà Nội bình dị qua từng bức ảnh

11/10/2017 8:35 AM

(Chinhphu.vn) - Sống trọn một thế kỷ, cùng trải qua bao thăng trầm lịch sử của đất nước, từ những năm kháng chiến gian khổ rồi đến những năm Hà Nội của thời kỳ bao cấp khó khăn, thiếu thốn..., nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Lê Vượng luôn lưu giữ, nuôi dưỡng được niềm đam mê đối với nghệ thuật nhiếp ảnh.

NSNA Lê Vượng (bên phải). Ảnh: Thành Nam

Nhớ về một Hà Nội xưa

Chúng tôi có dịp được gặp NSNA Lê Vượng tại ngôi nhà Pháp cổ trên con phố Trần Quốc Toản với chiếc cửa sắt có lẽ đã trăm tuổi của ông. Trong cuộc sống có những khi gặp được ai hay một điểu gì đó đặc biệt làm ta cảm thấy lâng lâng, tự hào, đó cũng là cảm giác khi lần đầu chúng tôi được tiếp xúc với nghệ sĩ Lê Vượng.

Bước vào căn phòng nhỏ, hiện ra trước mắt chúng tôi là một bảo tàng mini với nhiều bức tranh của các danh họa Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Trên tường của phòng khách, ông treo tranh Lê Phổ, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm bên cạnh tác phẩm ông sáng tác. Phía bên này tường ông dành cho những tấm ảnh tâm đắc của mình "Mùa xuân", "Cội nguồn", "Nét quê hương", một vài bức về Hà Nội cổ.

Bên góc trang trọng cạnh bàn thờ còn có ảnh chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên đấy có dòng đề tặng và chữ ký của Người "Tặng chú Lê Phổ. Chào thân ái". Nếp nhà và cách bài trí giản dị cho thấy một con người có gốc gác Hà Nội từ cổ xưa thuộc vào bậc quyền quý, gia phong, nề nếp.

Đã 100 tuổi, NSNA Lê Vượng vẫn minh mẫn khi lần giở cuốn album với hàng trăm bức ảnh mà ông đã chụp về Hà Nội những năm đầu giải phóng. Với nụ cười hồn hậu và giọng nói có lúc trầm, lúc run lên vì xúc động, ông đã kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện thú vị trong sự nghiệp sáng tác và những chuyến đi với các nhà nghiên cứu, họa sĩ, nhiếp ảnh gia. Lần giở cuốn album “Những khoảnh khắc” với hàng trăm bức ảnh tâm đắc mà ông đã chụp, NSNA Lê Vượng cho biết, để chớp lấy khoảnh khắc, phải bấm liên tục 6 cái ảnh mới mong được một cái ưng ý. “Lúc ấy mà còn dừng lại lắp chân máy thì sao chộp được!”, ông vui vẻ nói.

Đó có lẽ là ứng xử chung của tất cả các nhà nhiếp ảnh có nghề. Nhưng cái bấm máy chỉ là một thao tác kỹ thuật. Nó có thành công, đem lại một bức ảnh hoàn hảo hay không lại do cái vốn tổng hợp về hiểu biết, tư duy tình cảm của người bấm quyết định. Bởi khi ta chụp ảnh không những thể hiện tài của mình mà còn thế hiện những giá trị mình hun đúc được trong suốt cả cuộc đời. Điều này quả đúng với NSNA Lê Vượng.

Một tình yêu mãnh liệt với Hà Nội

Từ lúc còn là chàng thanh niên 17 tuổi cầm chiếc máy ảnh phim cũ kỹ rong ruổi khắp phố phường, kiếm tìm cảm hứng ở những ngóc ngách thân quen, cho đến tận hôm nay khi đã bước sang tuổi 100, NSNA Lê Vượng - người vừa được nhận giải thưởng Công dân Thủ đô ưu tú 2017 vẫn giữ cho mình vẹn nguyên một tình yêu dành cho Thủ đô văn hiến. Các bức ảnh nghệ thuật về Hà Nội của ông luôn có tố chất riêng, khó trộn lẫn, không chỉ ghi lại những khoảnh khắc mà còn chất chứa rất nhiều yếu tố hội họa, ẩn sâu trong đó là những giá trị tư liệu quý về mặt kiến trúc của mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến. Những lần đi xa, ông chợt nhận ra rằng, những thành phố phủ hoa, những ngôi nhà cao chót vót, cuộc sống sang trọng không thuộc về ông.

Ông kể, đi đâu chừng dăm bữa nửa tháng, là ông thấy nhớ Hà Nội da diết, cồn cào. Những mái ngói lô xô, những nếp nhà nhỏ bé, thấp lè tè, chen chúc, những bức tường lở, những con ngõ nhỏ bé loằng ngoằng những lối về, là nơi ông không thể rời xa.

Mỗi người có một định nghĩa riêng về Hà Nội nhưng tựu chung đều dành một tình yêu đặc biệt cho mảnh đất này. Ông nói: "Tôi chụp rất nhiều, có khi đứng từ trên cao chụp xuống, cũng có khi đứng từ dưới chụp lên… tất thảy đều thấy Hà Nội thật đẹp. Hà Nội đẹp đến nỗi cô bán hàng rong cũng mặc áo dài, phụ nữ nhặt ve chai cũng mặc áo mớ ba mới bẩy. Để năng động, thuận tiện với gánh gồng, họ buộc túm hai vạt áo lên. Rồi đến tiếng rao đêm của anh bán tào phớ, của chị bán bánh mì cũng trở thành đặc sản, thành nét riêng”.

Hơn thế, NSNA Lê Vượng còn gắng khắc họa Hà Nội xa hơn chiều kích của những định kiến. Hà Nội không chỉ là những con phố cổ kính với mái ngói thâm nâu, dăm gánh hàng nước... Hà Nội còn là những làng ven đô, những di tích lịch sử ghi dấu những thăng trầm của lịch sử kinh kỳ.

Những gắn bó với hội họa của NSNA Lê Vượng không chỉ được sự dìu dắt của người chú Lê Phổ mà còn được hun đúc thêm trong thời gian ông làm ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. "Cháu danh họa Lê Phổ" là một "thương hiệu" để ông đại diện Bảo tàng đi làm việc với các nghệ sĩ đương thời.

Sống trọn một thế kỷ và hơn 80 năm cầm máy, NSNA Lê Vượng - một nghệ sĩ "đam mê" Hà Nội cảm nhận: “ Cả đời tôi đã cố gắng rất nhiều và làm cũng rất nhiều, có thể làm được thêm cái gì hay cái đấy. Bây giờ tôi còn muốn lắm nhưng vì sức khỏe nên không làm được gì thêm. Hôm nay, mọi người nhìn được những vấn đề, giá trị, cái đẹp trong các bức ảnh của tôi, đây là cái hạnh phúc nhất đời của tôi”.

Thành Nam

Top