Người tiêu dùng cần cảnh giác với hàng giả, hàng nhái

14/03/2022 5:54 PM

(Chinhphu.vn) - Nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại cho xã hội là không nhỏ như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính…

Người tiêu dùng cần cảnh giác với hàng giả, hàng nhái - Ảnh 1.

Hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dùng

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc lợi dụng tình hình dịch bệnh để kinh doanh các thiết bị y tế, thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chưa đầy 1 tuần, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế - chức vụ Công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội phối hợp với Đội quản lý Thị trường số 5 - Cục quản lý thị trường Hà Nội đã liên tiếp phát hiện và thu giữ 4 vụ mua bán, vận chuyển hàng hóa là que test nhanh COVID-19 và hàng trăm hộp thuốc Liên Hoa Thanh Ôn, được giới thiệu là thuốc điều trị COVID-19 không có hóa đơn, chứng từ… theo quy định.

Dù không được Bộ Y tế cấp phép sử dụng nhưng hơn 250 hộp thuốc có tên gọi là Liên Hoa Thanh Ôn vẫn được chủ hàng nhập lậu về và quảng cáo có tác dụng chữa trị COVID-19 để bán cho những người có nhu cầu.

Theo tài liệu của cơ quan quản lý thị trường, nếu tiêu thụ trót lọt thì mỗi một hộp thuốc có thể mang về cho người bán khoản lời gấp 2 lần so với số vốn bỏ ra. Thực tế kiểm tra, lô thuốc 3 không: không rõ nguồn gốc xuất xứ; không được cấp phép lưu hành và không rõ chất lượng có an toàn với người sử dụng hay không? nên theo cơ quan chức năng, số thuốc này không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường.

Ngoài thuốc điều trị COVID-19, thì thị trường que test nhanh cũng là miếng mồi béo bở cho gian thương trục lợi, kinh doanh hàng lậu. Điển hình như ngày 3/3, Công an huyện Thạch Thất phối hợp Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra một ôtô đang dừng đỗ bán hàng trên địa bàn thị trấn Liên Quan thì phát hiện, chủ xe đang bày bán nhiều mặt hàng thiết bị y tế, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ngoài 18 thùng nước muối sinh lý và 10 thùng khẩu trang do Việt Nam sản xuất, trên xe còn có 400 bộ kít test nhanh COVID-19 do Trung Quốc sản xuất, nhưng không có nhãn thông tin phụ bằng tiếng Việt, không có số lưu hành. Chủ lô hàng này cũng không xuất trình được bất kỳ hóa đơn, chứng từ nào chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số hàng hóa này.

Trước đó, ngày 2/3, Ðội Quản lý thị trường số 17 đã phát hiện một ôtô vận chuyển 3.000 bộ kít test nhanh COVID-19 do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ trên địa bàn phường Yên Sở, quận Hoàng Mai...

Cần nâng cao ý thức người tiêu dùng

Ông Vũ Văn Huyện, Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, hiện toàn bộ các sản phẩm chữa trị COVID-19 phải nằm trong danh sách được kiểm định và toàn bộ các sản phẩm về thuốc thì phải được cấp visa để sử dụng, vì vậy việc sử dụng các hàng hóa không rõ nguồn gốc gây nguy hiểm cho người dùng và không bảo đảm an toàn.

Có thể thấy, đấu tranh phòng chống hàng giả là điều được các cơ quan nhà nước và người tiêu dùng quan tâm, tuy nhiên lượng hàng giả được sản xuất mua bán trên thị trường hiện nay vẫn rất nhiều và ngày càng tăng lên. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng giả tràn lan là khuôn khổ pháp luật điều chỉnh vấn đề này còn một số hạn chế bất cập. Trong đó có thể kể đến là chế tài xử phạt còn chưa thực sự nghiêm khắc, chủ yếu xử phạt hành chính. Mức xử phạt nhìn vào tưởng cao nhưng thực tế lại rất thấp so với lợi nhuận từ việc sản xuất, buôn bán hàng giả. Các đối tượng sản xuất và bán hàng giả sẵn sàng nộp phạt rồi lại tái diễn vi phạm.

Căn cứ theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP, đối với hành vi liên quan đến hàng giả, mức phạt cao nhất lên đến 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức. Bên cạnh đó, chế tài hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 2015 về hành vi sản xuất buôn bán hàng giả cũng nghiêm khắc hơn, người phạm tội sản xuất buôn bán hàng giả có thể bị phạt tù đến 15 năm.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, Cục đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường quản lý theo lĩnh vực, địa bàn, tập trung kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, buôn bán trang, thiết bị y tế, thuốc phục vụ công tác phòng, chống, hỗ trợ điều trị COVID-19.

Cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, mỗi người dân cần chủ động và tuân theo hướng dẫn của cán bộ y tế khi mua, sử dụng các loại trang thiết bị y tế, thuốc điều trị, hỗ trợ điều trị COVID-19. Chỉ nên mua tại các cơ sở uy tín, được cấp phép, không nên mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chất lượng để bảo vệ sức khỏe bản thân, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch.

Ngoài ra, phải nâng cao ý thức người tiêu dùng, bởi người tiêu dùng gặp phải hàng giả thường xuyên và trong thời gian dài thành quen và không có ý thức muốn đấu tranh loại bỏ; chấp nhận dùng hàng giả thay cho hàng thật. Ý thức thói quen tiêu dùng của mọi người là điều đặc biệt quan trọng trong việc đấu tranh phòng chống hàng giả vì có cầu thì mới có cung.

Diệu Anh

Top