Nhân rộng các mô hình trồng cây ăn quả theo nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

06/12/2023 12:47 PM

(Chinhphu.vn) - Hiện nay, ngành nông nghiệp Hà Nội đang phát huy tốt tiềm năng, lợi thế qua việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cây ăn quả theo hướng an toàn góp phần nâng cao giá trị canh tác, xây dựng thương hiệu và hình thành chuỗi liên kết với các nhà phân phối, nhập khẩu.

Nhân rộng các mô hình trồng cây ăn quả theo nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao- Ảnh 1.

Mô hình trồng dâu tây trong nhà màng, nhà lưới mang lại hiệu quả năng suất và giá trị kinh tế cao. Ảnh: VGP/TT.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện có hơn 22.000 ha cây ăn quả các loại, trong đó có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều mô hình được đầu tư lớn, bài bản, ứng dụng khoa học kỹ thuật cho thu nhập 500 - 700 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 6-7 lần trồng lúa. Ngoài ra, tính đến nay Hà Nội đã có 2 vùng trồng bưởi đạt tiêu chuẩn chất lượng hữu cơ, đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu với nhiều tiềm năng. Hà Nội cũng đã xây dựng được 14 vùng sản xuất cây ăn quả giá trị cao, tập trung tại các huyện: Đan Phượng, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Quốc Oai… với các 4 loại cây chủ lực là bưởi, cam, chuối, nhãn.

Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội cho biết, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương mở những lớp tập huấn kỹ thuật, quản lý giúp cán bộ, nông dân từng bước nâng cao nhận thức, tay nghề về lựa chọn giống, phân bón, kỹ thuật bón phân cho từng cây, từng giai đoạn sinh trưởng. Qua lớp học người dân nhận biết, phòng trừ sâu bệnh hại đạt hiệu quả cao; kỹ thuật cắt tỉa, tạo tán, khoanh vỏ, kích thích ra hoa, chống rụng quả, tiêu thụ sản phẩm. Thông qua tập huấn, đào tạo, huấn luyện cán bộ, nông dân có tư duy, trình độ, năng lực mới trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, để chủ động sản xuất và xử lý các tình huống bất lợi diễn ra trong quá trình sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trồng, thâm canh cây ăn quả trên đơn vị héc ta canh tác.

Còn theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm, vừa qua sản phẩm nhãn chín muộn ở xã Đại Thành trên địa bàn đã xuất khẩu sang Mỹ, Ba Lan mang lại giá trị cao cho người dân. Hiện nay, mối lo nhất đối với sản xuất cây ăn quả đủ tiêu chuẩn xuất khẩu là bảo đảm an toàn thực phẩm. Việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ đã hình thành nhưng hiệu quả chưa cao. Để tháo gỡ khó khăn cho các vùng trồng cây ăn quả, hướng tới không chỉ có nhãn mà một số đặc sản khác của Hà Nội, thời gian tới Hà Nội sẽ đẩy nhanh ứng dụng công nghệ cao trong phát triển sản xuất. Đặc biệt, thu hút doanh nghiệp tham gia khâu tiêu thụ, đưa cây ăn quả phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa hiện đại. Theo kế hoạch, Hà Nội khuyến khích người dân trồng cây ăn quả có sử dụng giống cây sạch bệnh, năng suất, chất lượng cao.

Phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục nhân rộng các mô hình trồng cây ăn quả theo quy trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ mở rộng các mô hình trồng cây ăn quả theo quy trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, GlobalGAP, theo hướng hữu cơ và gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, mở rộng diện tích đạt 23.206 ha, tập trung phát triển cây trồng đặc sản địa phương có giá trị kinh tế cao như nhãn chín muộn, bưởi diễn, cam canh, táo, ổi... Đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất quy mô lớn. Hà Nội phấn đấu từ nay đến năm 2030 có 50%-70% diện tích cây ăn quả được chứng nhận chất lượng; khuyến khích các vùng cây ăn quả sản xuất theo hướng tập trung để đáp ứng tiêu chuẩn của nước nhập khẩu nhằm đưa mặt hàng trái cây của Hà Nội sang các nước như Mỹ, châu Âu...

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết thêm, để thực hiện việc xuất khẩu, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục cập nhật thông tin đầy đủ lên cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; tiến hành tập huấn cho người dân, bố trí đầy đủ nguồn lực phục vụ thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng các yêu cầu quy định...

Hiện Hà Nội có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình ở lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt lẫn chăn nuôi. Những mô hình nông nghiệp công nghệ cao tập trung nhiều ở các huyện như: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh… Điển hình có một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, với máy móc thiết bị hiện đại đã bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, khẳng định được vị thế trên thị trường tại Thủ đô cũng như các tỉnh, thành phố khác.

Với những kết quả đã đạt được, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, việc đổi mới khoa học công nghệ luôn được xem là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ cao đã mang lại những hiệu quả ưu việt hơn các mô hình khác như: Công nghệ nhà kính, công nghệ tự động hóa, công nghệ cảm biến… Qua đó vừa giúp tiết giảm chi phí vừa mang lại hiệu suất lao động, tăng sản lượng và bảo vệ môi trường cũng như hạn chế sâu bệnh, ảnh hưởng của thời tiết.

Việc ứng dụng công nghệ cao đã được hướng đến cụ thể hóa các mục tiêu của 2 Chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội khóa XVII. Cụ thể là Chương trình số 04-CTr/TU về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân", và Chương trình số 07-CTr/TU về "Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội" trong giai đoạn 2021 - 2025".

Thiện Tâm

Top