Nhân rộng mô hình ‘Chợ 4.0’: Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
(Chinhphu.vn) - Với các mô hình chợ 4.0, chợ thông minh,… cuộc sống không tiền mặt đang ngày càng phổ biến ở các quận, huyện trên địa bàn TP. Hà Nội.
Thay vì phải mang theo ví tiền như trước đây, nhiều người dân giờ chỉ cần mang theo điện thoại có kết nối mạng internet mỗi khi đi chợ, bởi mỗi quầy hàng đồ khô, quầy thịt, đồ ăn vặt… tại các khu chợ truyền thống hầu hết đã được trang bị mã thanh toán QR, hoặc số tài khoản ngân hàng, ví điện tử… để người dân có thể dễ dàng thanh toán không tiền mặt một cách nhanh chóng, an toàn và bảo mật.
UBND quận Cầu Giấy vừa ra mắt mô hình "Chợ thông minh 4.0 – không dùng tiền mặt" tại chợ Đồng Xa (phường Mai Dịch). Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Ngô Ngọc Phương cho biết, trong thời gian qua, quận Cầu Giấy đã triển khai nhiều mô hình hay, cách làm mới nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong mọi mặt của đời sống xã hội. Trong đó, các hoạt động chuyển đổi số trong hoạt động thương mại, dịch vụ được quan tâm đầu tư nhằm góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của Thủ đô nói chung và quận Cầu Giấy nói riêng.
Việc đẩy mạnh chuyển đổi số tại các chợ truyền thống vừa là đòi hỏi tất yếu, vừa là nhu cầu nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Từ thực tế trên, UBND quận Cầu Giấy đã triển khai thí điểm mô hình "Chợ thông minh 4.0 – Không dùng tiền mặt" tại chợ Đồng Xa.
Để chuẩn bị cho việc triển khai thí điểm, UBND quận chỉ đạo các phòng chuyên môn của quận, Ban Quản lý chợ Cầu Giấy, UBND phường Mai Dịch tích cực, tuyên truyền vận động, từng bước nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là các tiểu thương cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, từ đó đã tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, các tiểu thương trong việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ và triển khai ứng dụng dãn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Ban Quản lý chợ Cầu Giấy cũng đã và đang tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động quản chợ như: xây dựng trang fanpage tại chợ nhằm kịp thời đưa các thông tin hoạt động của chợ lên diễn đàn công khai, tích cực kiểm tra và cống bố công khai chất lượng thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh để người dân biết và tin tưởng mua sắm hàng hóa…
Tại huyện Ba Vì, mô hình "Chợ 4.0 - Chợ thanh toán không dùng tiền mặt" cũng được triển khai vào tháng 6/2024 tại chợ Quảng Oai, thị trấn Tây Đằng. Gian hàng của các tiểu thương được bố trí, lắp đặt các bảng quét mã QR để thanh toán tiền qua ứng dụng của ngân hàng tại các quầy bán hàng trong và ngoài chợ.
Tại chợ Mơ, xã Vạn Thắng (huyện Ba Vì), có 46 gian hàng, trong đó đã được trang bị quét mã QR Code 46/46, 100% người dân đến mua sắm tại các quầy hàng đã thực hiện thanh toán bằng quét mã QR. Toàn bộ tiểu thương và người dân chỉ cần có điện thoại thông minh là có thể mua bán hàng hóa tại chợ bằng cách quét mã QR, hay chuyển tiền bằng hình thức số qua Viettel Money, app của ngân hàng, vô cùng nhanh chóng, thuận tiện.
Là tiểu thương bán quần áo tại chợ Mơ, chị Nguyễn Thị Hoa cho biết, trước khi sử dụng thanh toán số, chị rất băn khoăn và ngại thay đổi vì nghĩ thanh toán số khó làm, tuổi chị cũng đã cao nên có thể gây nhầm lẫn hoặc làm chậm, khiến khách hàng không vừa lòng.
Tuy nhiên, sau khi được hướng dẫn cách làm một cách dễ dàng, dễ hiểu, dễ sử dụng, chị Hoa đã giao dịch rất nhanh chóng. Từ ngày áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, các khách hàng của chị đều ủng hộ. Ban đầu, cũng có người còn bỡ ngỡ nhưng đến lần mua sau đó thì họ cũng sử dụng hình thức thanh toán này.
Chị Đỗ Thị Thúy (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: "Tôi thấy bây giờ mua hàng hóa thật tiện lợi, dễ dàng hơn với việc quét mã QR. Tại nhiều khu chợ truyền thống, giờ chỉ cần mang theo điện thoại là có thể thanh toán mà không cần tiền mặt. Hình thức này khá đơn giản, bảo mật, thuận tiện trong quá trình mua, bán, tránh rủi ro, nhầm lẫn…".
Trước đó, trên địa bàn quận Long Biên, mô hình "Chợ 4.0 - chợ không dùng tiền mặt" được triển khai tại chợ Thượng Thanh cũng đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Mô hình cũng nhận được sự ủng hộ rất lớn của tiểu thương tại chợ.
Việc triển khai, nhân rộng mô hình chợ 4.0 sẽ thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh mua bán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng. Mô hình này được kỳ vọng là bước đi chiến lược trên con đường xây dựng, phát triển xã hội số và kinh tế số tại Thủ đô.
Diệu Anh