Nhân rộng tuyến đường nở hoa trên ‘quê hương người gái đảm’

12/04/2022 11:36 AM

(Chinhphu.vn) - Sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, Đan Phượng bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Những tuyến đường hoa do Hội LHPN huyện đảm nhiệm đã mang lại sức sống mới trên “quê hương người gái đảm”.

Nhân rộng tuyến đường nở hoa trên ‘quê hương người gái đảm’ - Ảnh 1.

Phụ nữ xã Song Phượng, huyện Đan Phượng trồng hoa trên những tuyến đê. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Với mục tiêu xây dựng đô thị văn minh, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, thời gian qua, các cấp Hội LHPN thành phố Hà Nội đã triển khai xây dựng các tuyến đường hoa, con đường bích họa tại các khu dân cư nhằm góp phần giữ gìn cảnh quan môi trường sinh thái. Những tuyến đường hoa, ngõ bích họa là công trình chào mừng thành công Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ 13 do Hội LHPN huyện Đan Phượng đảm nhiệm.

Theo chia sẻ của chị Bùi Thị Lan, xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, với đủ các loại hoa đua nhau khoe sắc, tạo thành tuyến đường hoa rực rỡ, trang hoàng là thành quả dày công chăm sóc của các hội viên phụ nữ xã Hạ Mỗ trong 2 năm gần đây. Từ khi bước vào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Hội phụ nữ xã Hạ Mỗ là lực lượng nòng cốt trồng và chăm sóc hoa trên cac tuyến đường làng, ngõ xóm.

Bà Đinh Thị Ngân, Phó Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ cho biết, ngoài chăm sóc hoa, tranh thủ thời gian rảnh dỗi, Hội phụ nữ xã Hạ Mỗ đã huy động chị em hội viên có tay nghề và năng khiếu để sáng tác những bức tranh bích họa, tạo cảnh quan môi trường sống xanh, sạch đẹp cho nhân dân cùng thụ hưởng. Đây cũng là công trình được Hội gắn biển công trình chào mừng đại hội phụ nữ toàn quốc vừa qua.

Theo chị Lê Thị Thương, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đan Phượng: Sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, Đan Phượng bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Những tuyến đường hoa do Hội LHPN huyện đảm nhiệm đã mang lại sức sống mới trên "quê hương người gái đảm". Trong đợt thi đua đặc biệt chào mừng đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ 13 vừa qua, các cấp hội phụ nữ huyện đã có 16 đoạn đường hoa và 5 tuyến đường hoa, bích họa được hoàn thành.

Với mục tiêu hoàn thành xây dựng 15/15 xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2023, những tuyến đường hoa ngày càng được nhân rộng đã góp phần mang lại giá trị tinh thần cho người dân Đan Phượng trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Nhân rộng tuyến đường nở hoa trên ‘quê hương người gái đảm’ - Ảnh 3.

Đường làng ngõ xóm sạch sẽ, được trang trí hoa cây cảnh... đưa Đan Phượng thực sự trở thành "miền quê đáng sống". Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Theo báo cáo của các địa phương, ngay sau khi đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, các xã đã tập trung lãnh đạo, vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng, cơ chế chính sách của Trung ương, Thành phố và huyện để tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương. Đồng thời huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, hưởng ứng Phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới".

Năm 2015, Đan Phượng trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của Hà Nội. Từ kết quả đạt được, Đan Phượng tiếp tục phấn đấu đạt huyện nông thôn mới nâng cao đầu tiên của thành phố.

Xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới sẽ không có điểm dừng nên từ năm 2016, mặc dù chưa có hướng dẫn của Trung ương cũng như thành phố về xây dựng nông thôn mới nâng cao, huyện vẫn chủ động tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Ngoài ra, huyện Đan Phượng còn ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực về nguồn vốn; tích cực lồng ghép, huy động nguồn xã hội hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. 

Điển hình như năm 2019, với mỗi xã về đích nông thôn mới, Đan Phượng thực hiện hỗ trợ 500 triệu đồng từ nguồn ngân sách huyện. Chính nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chung sức đồng lòng của người dân, nửa đầu năm 2021, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng huyện vẫn giữ được kinh tế phát triển ổn định. Tổng giá trị sản xuất của huyện ước khoảng 14.124 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch và tăng 10,53% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách nhà nước hơn 825 tỷ đồng, đạt 152,3% so với dự toán thành phố giao, là năm thu ngân sách cao nhất so với nhiều năm qua.

Thời gian qua, Đan Phượng đã có 5 xã (Đan Phượng, Song Phượng, Thọ Xuân, Tân Hội và Liên Hà) trở thành 5 xã đầu tiên của Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, các tuyến đường được trải nhựa Asphalt.  Cùng với đó là kinh tế tiếp tục phát triển, sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất hàng hoá, các mô hình kinh tế đều mang lại hiệu quả cao. Văn hoá xã hội có nhiều tiến độ, các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế đều khang trang, hiện đại và đạt chuẩn, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Công tác quốc phòng an ninh được đảm bảo.

Theo lộ trình phát triển mà Hà Nội đề ra, từ nay đến năm 2025, huyện Đan Phượng sẽ trở thành quận. Với lộ trình này, huyện tiến hành xây dựng nông thôn mới nâng cao theo các tiêu chí để lên quận; đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch của huyện phù hợp với tiêu chí đô thị và quy hoạch của thành phố để làm căn cứ triển khai thực hiện; ưu tiên phát triển hệ thống đường giao thông. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; ứng dụng thương mại điện tử, phát triển các loại hình thương mại dịch vụ văn minh, hiện đại. Phát triển du lịch, quảng bá sản phẩm địa phương; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng, nét đẹp nông thôn truyền thống.

Thiện Tâm

Top