Nhanh chóng thu hoạch lúa, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão

07/09/2024 10:57 AM

(Chinhphu.vn) - Để chủ động ứng phó với cơn bão số 3 và bảo đảm kế hoạch sản xuất vụ mùa năm 2024, Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương rà soát các diện tích lúa đến thời kỳ thu hoạch. Đồng thời tập trung máy móc, thiết bị và con người nhanh chóng thu hoạch, với phương châm "xanh nhà hơn già đồng".

Nhanh chóng thu hoạch lúa, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão- Ảnh 1.

Với phương châm "xanh nhà hơn già đồng", người dân nên thu hoạch lúa sớm để tránh thiệt hại do mưa bão. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, vụ Mùa 2024, toàn thành phố Hà Nội gieo cấy đạt khoảng 71.000ha lúa, tập trung vào các giống lúa thuần chất lượng như: BT7, HD11, TBR225, Đài thơm 8...). Đồng thời tiếp tục duy trì khoảng 35 - 37% tổng diện tích các giống lúa thuần năng suất như: Khang dân, Thiên ưu 8, TBR45, TBR 36, BC 15 (kháng đạo ôn); giống lúa lai (Nhị ưu 838, TH3-5, TH3-3)…

Tính đến ngày 4/9, tổng diện tích gieo trồng vụ mùa của Hà Nội là 93.138,5ha, đạt 100,8% kế hoạch và có khoảng 72.058,8ha cây lúa đang giai đoạn làm đòng - chín sáp. Trong đó, diện tích trà lúa sớm khoảng 6.963,6ha đang trong giai đoạn chín, dự kiến cho thu hoạch từ ngày 10 đến 20/9. Diện tích cây rau màu 21.079,7ha, đạt 97,2% kế hoạch và cây rau màu đang sinh trưởng, phát triển tốt; diện tích rau màu sắp cho thu hoạch khoảng 2.500ha.

Trước tình hình phức tạp của cơn bão số 3, để chủ động ứng phó với cơn bão và bảo đảm kế hoạch sản xuất vụ mùa năm 2024, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo công tác sản xuất ứng phó với cơn bão số 3.

Theo đó, các địa phương rà soát các diện tích lúa đến thời kỳ thu hoạch, tập trung máy móc, thiết bị và con người nhanh chóng thu hoạch với phương châm "xanh nhà hơn già đồng", để hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra. Bên cạnh đó thực hiện rà soát cụ thể hiện trạng sản xuất tại các diện tích có nguy cơ ngập úng cao để theo dõi chặt chẽ và kịp thời khoanh vùng tiêu úng nhanh cho diện tích lúa mùa, nhất là trên những diện tích đang chín sắp cho thu hoạch. Khẩn trương chỉ đạo tiêu nước đệm trên hệ thống sông trục và kênh mương nội đồng; khoanh vùng có nguy cơ mưa lớn, lũ quét để có các phương án xử lý nhanh.

Cùng với đó, huy động các lực lượng khơi thông dòng chảy trên các kênh tiêu, kiểm tra, tôn cao bờ vùng, bờ thửa, bờ kênh tiêu bảo đảm tiêu nước nhanh gọn cho các vùng có nguy cơ ngập úng. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người sản xuất thực hiện các biện pháp phòng, chống ngập úng, bảo vệ diện tích lúa, vườn ươm cây giống, rau, màu và vườn cây ăn quả. Tăng cường công tác dự tính, dự báo tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng dịch hại, đặc biệt sự bùng phát của sâu bệnh hại, như: Rầy nâu, sâu đục thân, bệnh bạc lá... sau bão để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả, nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của sâu bệnh hại gây ra.

Nhanh chóng thu hoạch lúa, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão- Ảnh 2.

Bà con nông dân nên che chắn, có các biện pháp kịp thời để tránh thiệt hại cho rau màu. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Đối với cây rau màu, các địa phương tuyên truyền người dân nhanh chóng thu hoạch những diện tích đã đến thời kỳ thu hoạch; khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, rãnh thoát nước trên ruộng. Đối với cây ăn quả, tập trung thu hoạch sớm những diện tích đã đến thời kỳ thu hoạch, đối với cây đang có quả, chưa đến thời kỳ thu hoạch cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh va đập gây hư hỏng và rụng quả. Cắt tỉa bớt để cây được thông thoáng (quả, cành vượt, cành đan chéo nhau), cắt bỏ phần ngọn để hạn chế chiều cao của thân chính, nhằm giảm thiểu việc tạo lực cản lớn khi gặp gió mạnh làm cây dễ bị gãy, đổ; chằng néo thân cây hoặc cành lớn theo 3 hướng để hạn chế đỗ, ngã. Xẻ rãnh giữa các hàng để tăng tiêu thoát nước, tránh gây ngập úng cục bộ trong vườn.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã ban hành Văn bản số 2803/SNN-TLPCTT gửi UBND huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất về việc khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 3.

Cụ thể, căn cứ tình hình thời tiết, thiên tai, các địa phương chủ động rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm "bốn tại chỗ", phù hợp với địa bàn. Đặc biệt, quan tâm và sẵn sàng triển khai phương án sơ tán, bảo đảm an toàn đối với người dân ở những khu vực nguy hiểm, như: Khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của lũ rừng ngang, khu vực có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập; khu vực sườn đồi, núi dốc, nới có nguy cơ sạt lở đất...

Thực hiện kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó bão số 3 với tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước.

Thiện Tâm

Top