Nhiều chính sách để hoạt động khuyến công phát triển

26/06/2023 2:09 PM

(Chinhphu.vn) - Ngay sau khi Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công có hiệu lực, TP. Hà Nội đã ban hành các chính sách, giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khuyến công phát triển.

Nhiều chính sách để hoạt động khuyến công phát triển - Ảnh 1.

Cơ sở sản xuất nông nghiệp nông thôn được nâng cao tay nghề. Ành: VGP/DA

Trong giai đoạn 2012-2019, Hà Nội đã tổ chức 625 lớp truyền nghề, nâng cao tay nghề cho gần 22.000 lao động nông thôn; hỗ trợ 110 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng máy móc tiên tiến, hiện đại vào sản xuất; tổ chức 18 hội chợ, 4 triển lãm ngành hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm công nghiệp nông thôn TP. Hà Nội.

Còn trong năm 2022, các chương trình khuyến công của Hà Nội hỗ trợ 10 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất; hỗ trợ hơn 450 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ triển lãm hàng lưu niệm, quà tặng, hàng thủ công mỹ nghệ; hỗ trợ 35 cơ sở công nghiệp nông thôn thiết kế mẫu mã, bao bì và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm.

Nhờ quan tâm phát triển các cơ sở công nghiệp nông thôn, năm 2022, Hà Nội đã đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ hồi phục và tăng 7%/năm, tạo ra 500-700 mẫu thiết kế mới phục vụ thị trường trong và ngoài nước.

Ngoài ra, hàng trăm lượt doanh nghiệp, cơ sở làng nghề, hợp tác xã còn được tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế, được hỗ trợ đầu tư thiết bị mới tiên tiến hiện đại vào sản xuất. Khoảng 2.000 học viên là lãnh đạo, quản lý của cơ sở công nghiệp nông thôn được đào tạo, tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý.

Nhờ sự vào cuộc của các sở, ngành TP. Hà Nội và thông qua các chương trình khuyến nông, đến nay công ty TNHH Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương (Phú Xuyên) đã có nguồn nguyên liệu dồi dào để ổn định sản xuất, từ đó tạo việc làm cho một bộ phận người lao động các vùng nông thôn thông qua việc gia công thành phẩm, bán thành phẩm cho các doanh, cơ sở sản xuất. Trước đó cơ sở này từng rơi vào cảnh thiếu nguyên liệu.

Có thể thấy, chương trình khuyến công của Hà Nội đã và đang là "bà đỡ" của các cơ sở công nghiệp nông thôn. Nhiều mô hình công nghiệp nông thôn ở các địa phương được hình thành và đang sản xuất kinh doanh hiệu quả với sự hỗ trợ từ đề án khuyến công.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thời gian qua, các chương trình, chính sách khuyến công đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn có hướng đầu tư đúng, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất - kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, giao lưu, quảng bá sản phẩm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, Thành phố còn tổ chức Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội hằng năm. Ngoài ra, Thành phố cũng tổ chức hội thảo, hội nghị giao thương, các tour du lịch làng nghề, tuần lễ trưng bày theo chủ đề, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, quảng bá sản phẩm… cho các đơn vị này.

Đồng hành với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở công nghiệp nông thôn trong giai đoạn 2021-2025, ngành Công thương Hà Nội đặt mục tiêu hỗ trợ trên 10.000 lượt doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn Thành phố từ Chương trình khuyến công, tạo việc làm cho 60.000-70.000 lao động nông thôn. Tạo ra trên 3.500 mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ có thiết kế mới phục vụ thị trường trong và ngoài nước.

Năm 2023, theo định hướng trong chương trình khuyến công của Thành phố, Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc các ngành có tiềm năng, có khả năng cạnh tranh ở cả trong và ngoài nước nhằm giúp các đơn vị này thuận tiện trong đầu tư, ứng dụng công nghệ, phát triển theo hướng bền vững.

Theo đó, các cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc các nhóm ngành nghề thủ công mỹ nghệ của Thành phố được hỗ trợ ứng dụng công nghệ chuyển đổi số để quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trên môi trường mạng…

Diệu Anh

Top