Nhiều chuyển biến rõ nét trong thực hiện các quy tắc ứng xử
(Chinhphu.vn) - Chiều 8/12, HĐND TP. Hà Nội, HĐND Thành phố tiến hành chất vấn về việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố, Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà. Ảnh: Thùy Linh |
Đại biểu Duy Hoàng Dương (tổ Hoài Đức) quan tâm tới tác động của hai bộ quy tắc ứng xử với công tác cải cách hành chính và mức độ hài lòng của người dân về thái độ phục vụ hành chính của các cơ quan Thành phố. Đại biểu đề nghị Sở Nội vụ làm rõ nguyên nhân, phương hướng cải thiện các chỉ số PAPI, SIPAS của Thành phố hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Việt Cường (tổ Mê Linh) phản ánh, một số bến xe trên địa bàn Thành phố vẫn chưa niêm yết quy tắc ứng xử nơi công cộng, điển hình là bến xe Mỹ Đình. Đồng thời đề nghị lãnh đạo quận Nam Từ Liêm và Giám đốc Bến xe Mỹ Đình thông tin về công tác phối hợp trong triển khai nội dung trên.
Đáng lưu ý, có đại biểu nêu thực trạng vẫn còn nhiều người dân chưa biết việc Thành phố ban hành 2 bộ quy tắc ứng xử và đề nghị làm rõ trách nhiệm của các địa phương trong triển khai nội dung này.
Trả lời chất vấn của đại biểu, bà Vũ Thu Hà, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, với trách nhiệm cơ quan tham mưu, Sở đã tham mưu Thành phố cụ thể hóa quy tắc ứng xử, dành nhiều thời gian kiểm tra các đơn vị cấp cơ sở. Qua đó ghi nhận, sau 1 năm, đã có sự chuyển biến rõ nét. Các cơ quan đơn vị nghiêm tắc thực hiện 2 bộ Quy tắc ứng xử, công tác tiếp dân được quan tâm, tỷ lệ giải quyết đúng hẹn được nâng lên (Năm 2017 đạt 95%, 2018 đạt 97%, 2019 đạt 98,8% và 10 tháng/2020 đạt 99,8%). Liên tiếp trong các năm từ 2017, 2018, 2019, chỉ số cải cách hành chính của TP. Hà Nội đều duy trì ở vị trí thứ 2/63 tỉnh thành.
"Như vậy rõ ràng khi ban hành bộ quy tắc ứng xử thì việc triển khai và thực hiện của cán bộ công chức và sở ngành đã có chuyển biến rõ rệt và được thể hiện rõ bằng chỉ số cải cách hành chính của Thành phố là đều duy trì thứ hạng thứ 2/63 tỉnh, thành", Giám đốc Sở Nội vụ cho biết.
Tuy nhiên, qua kiểm tra cũng cho thấy, còn bộc lộ những tồn tại, chỉ số PAPI, SIPAS còn thấp. Trong đó, cấp sở ngành thấp hơn cấp quận huyện và các lĩnh vực tài nguyên môi trường có chỉ số hài lòng thấp nhất. Nguyên nhân theo bà Hà, do sự tìm hiểu nghiên cứu hai bộ Quy tắc ứng xử còn hạn chế, công tác triển khai chưa sâu rộng, việc ban hành văn bản và quy trình hướng dẫn, đặc biệt lĩnh vực tài nguyên môi trường còn nhiều vướng mắc dẫn đến chậm muộn trong giải quyết thủ tục…
Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Huy Cường cho biết, là quận mới thành lập và trong quá trình từ nông thôn lên thành thị, nên việc thực hiện hai bộ Quy tắc ứng xử có vai trò rất quan trọng. Ban Thường vụ quận ủy ban hành các kế hoạch điều tra về ứng xử của cán bộ viên chức của quận; UBND quận tổ chức tuyên truyền 2 Bộ quy tắc, sân khấu hóa để tuyên truyền tốt 2 bộ quy tắc này; tổ chức in , cấp phát 15.000 tuyên truyền bộ quy tắc ứng xử tại nơi công cộng;…
Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, trên bến xe Mỹ Đình, các hành khách đều tuân thủ các nội quy nơi công cộng, có ý thức bảo vệ cảnh quan chung, không còn hiện tượng tranh giành khách. Sau cuộc giám sát của HĐND Thành phố thấy có tình trạng tờ tuyên truyền bị bong trên các bảng tin tại bến xe Mỹ Đình, bến xe đã niêm yết công khai lại các Quy tắc ứng xử.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động kiến nghị Thành phố tăng mức đầu tư cho lĩnh vực văn hóa tương xứng với vị thế, vai trò của văn hóa Thủ đô như xây dựng các nhà văn hóa ở xã, thôn; xây dựng thêm công viên; tôn tạo, tu bổ danh lam thắng cảnh... để Thủ đô có thêm nhiều điểm vui chơi, điểm đến văn hóa.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu. Ảnh: Thùy Linh |
Tiếp thu, giải trình nội dung đại biểu Vũ Mạnh Hải nêu, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý cho rằng, 2 bộ quy tắc ứng xử được Thành phố ban hành từ năm 2017 nhưng qua giám sát thì còn một số người dân vẫn chưa biết về 2 bộ quy tắc này. Nguyên nhân trước hết là do công tác thông tin, tuyên truyền chưa thường xuyên, liên tục, chưa phù hợp với các nhóm đối tượng cụ thể. Do vậy, cùng với các cơ quan truyền thông, chính quyền các địa phương cũng cần quan tâm, triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về 2 bộ quy tắc ứng xử bằng nhiều hình thức để nhân biết và tự giác thực hiện.
Giải trình chất vấn của đại biểu Nguyễn Quang Thắng về tình trạng chiếm dụng lòng đường, vỉa hè, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, trong 2 bộ quy tắc ứng xử đã quy định nội dung này, tuy nhiên thực tiễn vẫn có hiện tượng như đại biểu nêu. Nguyên nhân vẫn là do công tác tuyên truyền chưa sâu, chế tài xử lý chưa tích cực, triệt để.
Về giải pháp tổng thể trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho rằng, trước hết vẫn phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền thường xuyên, liên tục, đa dạng bằng nhiều hình thức; tăng cường công tác kiểm tra, có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đối với cán bộ, công chức, viên chức thì gắn việc thực hiện 2 bộ quy tắc với các tiêu chí đánh giá, khen thưởng, xử phạt; với người dân thì cần nghiên cứu các chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy tắc ứng xử nơi công cộng để tạo chuyển biến...
Thùy Linh-Thiện Tâm