Nhiều đổi mới trong giám sát triển khai mô hình chính quyền đô thị

21/02/2022 12:39 PM

(Chinhphu.vn) - Mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, HĐND TP. Hà Nội đã nhanh chóng thích ứng linh hoạt, hoạt động giám sát được thực hiện bài bản, đúng quy định của pháp luật, đồng thời có nhiều đổi mới để phù hợp với việc triển khai mô hình chính quyền đô thị.

Nhiều đổi mới trong giám sát triển khai mô hình chính quyền đô thị - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP. Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Gia Huy

Hoạt động giám sát được thực hiện bài bản, đúng quy định

Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 sáng nay (21/2), Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP. Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết, nhiệm kỳ 2021-2026, Hà Nội thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021) với nhiều quy định mới, đặc thù về tổ chức bộ máy và hoạt động của chính quyền các cấp.

Theo đó, Hà Nội thí điểm không tổ chức HĐND ở các phường; một số nhiệm vụ trước đây thuộc thẩm quyền của HĐND phường, nay là thẩm quyền và nhiệm vụ của HĐND quận, thị xã. Đồng thời, ngày 08/4/2021, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 160/2021/QH14 về thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội; số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách được bố trí tối đa 19 người, là số lượng đại biểu chuyên trách cao nhất từ trước đến nay.

"Với số lượng đại biểu chuyên trách như hiện nay, Hà Nội đang là địa phương được Trung ương và Thành ủy quan tâm bố trí số lượng đại biểu chuyên trách nhiều nhất", bà Hồng Hà ch obieets.

Việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động của HĐND nhưng cũng đòi hỏi HĐND Thành phố cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động, trong đó có hoạt động giám sát.

Để nâng cao chất lượng hoạt động nói chung, hoạt động giám sát nói riêng khi triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Đề án "Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại Hà Nội".

Nội dung đề án bao gồm các chỉ tiêu cụ thể và các giải pháp nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp TP. Hà Nội, trong đó rất chú trọng việc phát huy vai trò của đội ngũ đại biểu chuyên trách HĐND Thành phố và tăng cường hoạt động giám sát của HĐND tại các địa phương không tổ chức HĐND phường.

Với các giải pháp đã đặt ra, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, HĐND Thành phố đã nhanh chóng thích ứng linh hoạt, hoạt động giám sát được thực hiện bài bản, đúng quy định của pháp luật, đồng thời có nhiều đổi mới để phù hợp với việc triển khai mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố.

Nhiều đổi mới trong giám sát triển khai mô hình chính quyền đô thị - Ảnh 2.

Ban Đô thị HĐND TP. Hà Nội giám sát kết quả thực hiện Dự án Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng, huyện Hoài Đức tháng 1/2022. Ảnh: HĐND TP. Hà Nội

Phát huy được vai trò của đại biểu chuyên trách

Theo bà Hồng Hà, trong kết quả hoạt động giám sát của HĐND TP. Hà Nội có dấu ấn và vai trò của đội ngũ đại biểu chuyên trách.

Nhiệm kỳ 2021-2026, thực hiện Nghị quyết 160 của Quốc hội, đội ngũ 19 đại biểu chuyên trách HĐND Thành phố đảm bảo về số lượng và chất lượng là điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động nói chung và hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND Thành phố.

Để phát huy vai trò của các đại biểu chuyên trách, trong kế hoạch hoạt động của các Ban đều có sự phân công cụ thể các nội dung tới từng đại biểu chuyên trách, đảm bảo mỗi đầu việc đều có người chủ trì chịu trách nhiệm, người phối hợp, thời gian và tiến độ thực hiện. Là thành phần nòng cốt trong các cuộc giám sát, làm việc tại cơ sở, trước và trong các cuộc giám sát, các đại biểu chuyên trách đều nghiên cứu, tìm hiểu kỹ nội dung giám sát, thu thập các thông tin cần thiết.

Vì vậy các nhận định, đánh giá, các câu hỏi giám sát của đại biểu chuyên trách đều cụ thể, khách quan, chỉ rõ được những hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện nhiệm vụ của đối tượng giám sát, từ đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho đơn vị. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu chuyên trách đã thể hiện rõ năng lực, trách nhiệm, bản lĩnh của người đại biểu nhân dân; đặt câu hỏi ngắn gọn, cụ thể và tranh luận đến cùng vấn đề. 2/3 số câu hỏi chất vấn, tái chất vấn trên nghị trường đến từ các đại biểu chuyên trách.

Bên cạnh đó, để giúp đại biểu có thêm cái nhìn khách quan từ cơ sở, Thường trực HĐND Thành phố phân công các đại biểu chuyên trách theo dõi, tham dự các kỳ họp, các phiên giải trình của HĐND quận, huyện, thị xã; tham dự đầy đủ các cuộc tiếp xúc cử tri và tiếp công dân theo lịch.

Bà Hồng Hà cho biết, các đại biểu chuyên trách có vai trò rất lớn và đóng góp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của HĐND TP. Hà Nội.

Với số lượng đại biểu chuyên trách được bố trí như hiện nay, cùng với việc phân công, bố trí từng đại biểu chuyên trách theo dõi từng nhóm nội dung với từng lĩnh vực cụ thể đã giúp hoạt động giám sát bảo đảm sâu, rộng, cụ thể, chuyên nghiệp hơn, theo đến tận cùng vấn đề.

Kiến nghị ban hành các quy định về chế tài sau giám sát

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực HDDND TP. Hà Nội nêu 3 kiến nghị với Trung ương và Thành phố để hoạt động giám sát của HĐND thực sự phát huy hiệu quả hơn nữa, thể hiện được tính đặc thù của mô hình chính quyền đô thị.

Đó là, TP. Hà Nội đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể về cơ chế giám sát, cũng như quy định rõ các hình thức giám sát của HĐND Thành phố, HĐND quận, thị xã với UBND phường khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị; quy định cụ thể về thẩm quyền, nhiệm vụ đối với cơ quan giám sát để có thể phát huy vai trò giám sát, vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo ban hành các quy định về chế tài sau giám sát, quy định về trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị được giám sát trong việc thực hiện các kết luận giám sát của HĐND Thành phố, quận, huyện, thị xã đặc biệt là trong việc giám sát hoạt động của UBND, Chủ tịch UBND phường tại các quận, thị xã; để đảm bảo Chủ tịch UBND phường thực hiện theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao; tránh trường hợp chủ quan, lơ là trong hoạt động khi không có HĐND phường giám sát.

HĐND TP. Hà Nội tiếp tục đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy quan tâm, chỉ đạo để bố trí tối đa số lượng đại biểu chuyên trách HĐND quận, huyện, thị xã theo quy định của Luật. Thực tế chỉ ra, việc tăng thêm đại biểu chuyên trách giúp cho hoạt động của HĐND các cấp được sâu hơn, rộng hơn và chất lượng được nâng cao hơn.

Gia Huy

Top