Nhiều giải pháp bảo đảm nguồn cung thịt lợn cho thị trường

23/12/2019 9:21 AM

(Chinhphu.vn) – Theo đánh giá của Sở Công Thương Hà Nội, nhu cầu 02 tháng Tết cần khoảng 44.600 tấn hơi/tháng. Do ảnh hưởng của dịch lợn tả châu Phi từ đầu năm 2019 nên hiện nay, nguồn cung thịt lợn phục vụ Tết trên địa bàn nói chung và từ các tỉnh, thành phố có chăn nuôi lợn giảm mạnh. Mặt hàng thịt lợn cho thị trường sẽ được cung ứng từ các nguồn khác nhau phục vụ nhu cầu trong dịp Tết.

Tổng hợp tình hình nguồn cung và tiêu thụ mặt hàng thịt lợn trên địa bàn, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, mặt hàng thịt lợn cho thị trường được cung ứng từ hoạt động sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn. Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi khiến tổng đàn lợn giảm 42% và sản lượng lợn hơi xuất giảm 20% so với cùng kỳ năm trước khiến nguồn cung ứng cho thị trường giảm. Trung bình sản lượng lợn hơi xuất chuồng 01 tháng thời điểm hiện tại khoảng 22.250 tấn/tháng.

Bên cạnh đó, mặt hàng thịt lợn từ các tỉnh, thành phố cũng là một nguồn cung ứng nhu cầu này cho Thủ đô. Theo số liệu từ Sở NN&PTNT, trong năm 2019, số lượng lợn từ các tỉnh về Hà Nội (qua kiểm dịch) 880.743 con tương đương khoảng 114.000 tấn/năm (trung bình khoảng 9.500 tấn/tháng).

Mặc dù tháng 11/2019, lượng nhập khẩu thịt lợn đạt 64.44 kg, trị giá đạt 241.41 USD. Tuy nhiên nửa đầu tháng 12/2019 không có lượng nhập khẩu qua Hải quan Hà Nội.

Theo phân tích tổng hợp, nguồn cung mặt hàng thịt lợn cho thị trường cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Hà Nội ở thời điểm hiện tại.

Nhìn chung, thời điểm hiện tại sản lượng thịt lợn xuất chuồng cũng có tăng so với tháng trước, nguyên nhân có thể do thời điểm hiện tại, số lượng lợn đến lứa xuất chuồng tăng, đồng thời nhu cầu người dân tăng cao nên các đơn vị giết mổ tăng cường hoạt động thu mua từ các nguồn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng người dân.

Hiện nay, giá bán mặt hàng thịt lợn tăng từ 10%-25% so với cuối tháng 11/2019, cụ thể: giá lợn hơi tại các đơn vị chăn nuôi ở mức 82.000đ/kg- 86.000đ/kg, giá lợn hơi tại các hộ trong dân ở mức 88.000đ/kg – 92.000đ/kg, giá bán lợn móc hàm thời điểm hiện tại ở mức 120.000đ/kg – 130.000đ/kg; giá bán lẻ thịt lợn tại các chợ ở mức 135.000đ/kg -160.000đ/kg, giá bán lẻ tại các siêu thị ở mức 164.000đ/kg- 185.000đ/kg tùy từng loại thịt.

Lượng thịt lợn từ đầu tháng 12/2019 tiêu thụ chậm, các doanh nghiệp báo cáo lượng bán giảm từ 5%-20% so với tháng 11/2019; lượng tiêu thụ một số mặt hàng thực phẩm khác tăng, cụ thể: thịt bò tăng trung bình khoảng 3%-7%, thủy hải sản tăng khoảng 7%-10%, thịt gia cầm tăng 8%-15%.

Thời điểm hiện tại, các mặt hàng nông sản có thể thay thế cho mặt hàng thịt lợn trên của Hà Nội không xảy ra dịch bệnh, nguồn cung dồi dào và tăng so với cùng kỳ năm 2018: sản lượng gia cầm tăng khoảng 21%, sản lượng bò tăng khoảng 0,7%, sản lượng thủy sản tăng 6,4%, trứng gia cầm tăng khoảng 20,4%.

 

Được biết, trong thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố để bắt bắt thông tin về các cơ sở sản xuất, chăn nuôi có khả năng cung ứng mặt hàng thịt lợn ngay cho thị trường để kịp thời tổ chức kết nối, cung cấp thông tin cho các đơn vị giết mổ, phân phối khai thác đưa về Hà Nội phục vụ nhân dân.

Ngoài ra, cần có sự phối hợp của Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm về nguồn cung đối với mặt hàng thịt lợn trên địa bàn và đề xuất với UBND Thành phố giải pháp đảm bảo nguồn cung ứng thịt lợn phục vụ nhân dân khi xảy ra thiếu hàng. Định kỳ 10 ngày/lần cung cấp thông tin nguồn cung thịt lợn cho Sở Công Thương để phối hợp triển khai các giải pháp cân đối cung cầu hàng hóa phục vụ nhân dân; phối hợp với Sở NN&PTNT cùng các sở ngành có liên quan tính toán về khả năng cung ứng mặt hàng thịt lợn trên địa bàn, trường hợp xảy ra thiếu nguồn cung mặt hàng thịt lợn, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT tính toán nhập khẩu mặt hàng thịt lợn và các sản phẩm có khả năng thay thế cho thị lợn trên địa bàn từ các nước để đảm bảo phục vụ nhu cầu người dân.

Đồng thời các Sở, ngành liên quan cũng cần nắm bắt, thông tin thường xuyên về tình hình nhập khẩu mặt hàng thịt lợn và một số mặt hàng có khả năng thay thế mặt hàng thịt lợn; tổ chức kiểm tra việc chấp hành quy định về giá bán mặt hàng thịt lợn trên địa bàn để tránh trường hợp giá bán mặt hàng thịt lợn tăng giá bất hợp lý gây mất cân đối cung cầu hàng hóa phục nhân dân; tổ chức kiểm tra xử lý trường hợp lợi dụng găm hàng, đẩy giá bán mặt hàng thịt lợn lên cao bất hợp lý gây mất cân đối cung cầu trên địa bàn.

Theo ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, để đảm bảo cân đối cung cầu mặt hàng thịt lợn trên địa bàn Hà Nội, cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các trang trại, hộ chăn nuôi, các cơ sở giết mổ, kinh doanh thịt lợn không lợi dụng đẩy giá bán lên cao bất hợp lý đảm bảo phục vụ nhân dân trên địa bàn; tuyên truyền đến người tiêu dùng trên địa bàn sử dụng thịt lợn đông lạnh hoặc sử dụng các sản phẩm thực phẩm thay thế khác trong trường hợp thiếu thịt lợn hoặc giá bán tăng quá cao.

Yêu cầu các doanh nghiệp phân phối sản phẩm thịt lợn trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp chăn nuôi tập trung có phương án bảo đảm nguồn cung cấp thịt lợn cho thị trường, đồng thời xây dựng phương án dự phòng khai thác các sản phẩm thịt thay thế sản phẩm thịt lợn trường hợp thị trường xảy ra thiếu hàng để đảm bảo cung ứng kịp thời, đầy đủ cho nhân dân trên địa bàn trong dịp Tết.

Minh Anh

 

Top