Nhiều giải pháp phát triển dịch vụ logistics của Thủ đô
(Chinhphu.vn) - Xác định logistics là một trong những ngành dịch vụ mũi nhọn, TP. Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp phát triển dịch vụ logistics, kết nối các phương thức vận tải hàng hóa…
Logistics phát triển chưa xứng với tiềm năng
Hà Nội giữ vị trí trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, có hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, gồm cả đường bộ, đường biển, đường sông, hàng không và đường sắt nhưng hệ thống cung ứng dịch vụ logistics phát triển chưa xứng với tiềm năng.
Hiện, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 25.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động logistics, nhưng thực chất, chỉ có hơn 5.400 doanh nghiệp đang hoạt động chính thức. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân chiếm 80%, phần lớn đều có quy mô nhỏ, hạn chế về vốn, công nghệ và nhân lực, thường chỉ có từ 10 đến 20 nhân viên. Vì vậy, các doanh nghiệp logistics trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu thị trường; 18% tổng lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu, còn lại do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện.
Trong khi đó, một số tập đoàn logistics lớn trên thế giới đã có mặt ở Việt Nam như: Kunhe Nagel, Schenker, Bikar, APL logistics... giành được khoảng 70% thị trường nhờ tính chuyên nghiệp, mạng lưới rộng và ứng dụng công nghệ hiện đại.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, hiện hệ thống kho hàng, bến bãi logistics tại Hà Nội còn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, thiếu nhiều loại hình kho lưu trữ hàng hóa đặc thù (kho mát, kho lạnh, kho tài liệu…). Lượng cảng cạn ICD ít và mới chỉ sử dụng đường bộ, chưa kết nối với loại hình vận tải khác như đường sắt, đường thủy.
Theo các chuyên gia kinh tế, Hà Nội có các cảng đường sông, nhưng chưa phát huy được thế mạnh do thiếu những thiết bị nâng hạ hàng hóa, hạn chế trong việc vận chuyển hàng hóa bằng xe tải đi và đến từ các cảng sông. Còn hệ thống đường sắt cũ và chưa thật sự thuận tiện…
Kế hoạch số 332/KH-UBND của UBND TP. Hà Nội về phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn Hà Nội năm 2023 đặt ra mục tiêu: "Phát triển kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ với kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, kết cấu hạ tầng thương mại văn minh, hiện đại, đưa Hà Nội trở thành một đầu mối logistics quan trọng của vùng, của cả nước và khu vực".
Tuy nhiên, quá trình triển khai kế hoạch này đã gặp phải một số khó khăn, thách thức: Kết cấu hạ tầng chưa hoàn chỉnh, chưa nâng cấp kịp thời, còn nhiều điểm nghẽn ùn tắc giao thông; ô nhiễm không khí và số lượng phương tiện vận chuyển ngày càng tăng... đã gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ giao hàng và trải nghiệm của khách hàng…
Phó Giám đốc Công ty cổ phần Hateco logistics Nguyễn Văn Đức cho biết: "Các cảng ICD tại miền bắc nói chung và Hà Nội nói riêng đều có diện tích và quy mô khai thác nhỏ, chưa có các trang, thiết bị xếp dỡ chuyên dụng. Về quy hoạch kho bãi, Hà Nội có năm dự án đã được thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư, có tám dự án đang hoàn thiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư. Là đầu tàu kinh tế lớn nhưng số lượng này là quá thấp, khó đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường".
Ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ số vào logistics
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, kế hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn Hà Nội đến năm 2025 xác định mục tiêu phát triển, hỗ trợ các hoạt động logistics nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất và thương mại, hình thành một hệ thống logistics hiện đại, đóng góp ngày càng nhiều vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thành phố.
Đặc biệt, là phát triển kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ với kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, kết cấu hạ tầng thương mại - dịch vụ văn minh, hiện đại; đáp ứng nhu cầu luân chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, trung chuyển và nội địa. Từ đó, đưa Hà Nội trở thành một đầu mối logistics quan trọng của vùng, của cả nước và khu vực.
Đồng thời, thúc đẩy doanh nghiệp dịch vụ logistics đổi mới, sáng tạo, cung ứng chuỗi dịch vụ logistics ở mức độ 3 (3PL), mức độ 4 (4PL); hướng đến mức độ 5 (5PL), logistics điện tử trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp.
TP. Hà Nội cũng sẽ phát triển hệ thống giao thông thông minh, chuyển đổi các hạ tầng logistics (như cảng biển, cảng thủy nội địa, hàng không, đường sắt, kho vận...); phát triển các nền tảng kết nối giữa các chủ hàng, các nhà giao vận và khách hàng. Rà soát, bổ sung quy hoạch xây dựng địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu tập trung của thành phố.
Ngoài ra, Thành phố còn tạo điều kiện tổ chức các chương trình, hội nghị kết nối các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics nhỏ và vừa với các công ty, chuyên gia phần mềm công nghệ thông tin để được hướng dẫn, đào tạo, tư vấn, hỗ trợ tiếp cận và đầu tư trang bị, nâng cấp các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý thông tin và chuyển giao dữ liệu, sản xuất và đặt hàng, giao hàng, khai báo hải quan, phần mềm dịch vụ logistics (RFID, Barcode, e-logistics) theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, để phát triển và hỗ trợ các hoạt động logistics, thúc đẩy doanh nghiệp dịch vụ logistics đổi mới sáng tạo, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó đặc biệt là ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ số.
Theo đó, cần cụ thể hóa quy hoạch các trung tâm logistics và cơ sở hạ tầng phục vụ dịch vụ logistics trên địa bàn. Phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, hoàn thành các thủ tục đầu tư, khởi công xây dựng, đưa vào khai thác vận hành một số công trình hạ tầng dịch vụ logistics quan trọng như: 2 cảng cạn ICD (tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm và xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức), cảng container quốc tế (tại xã Cổ Bi, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm), Trung tâm bưu chính, chuyển phát (tại xã Kim Hoa, huyện Mê Linh) và một số dự án trung tâm tiếp vận trên địa bàn Thành phố.
Đồng thời, phải đẩy mạnh xúc tiến đầu tư các dự án hạ tầng dịch vụ logistics; nghiên cứu xây dựng trung tâm logistics có quy mô phù hợp trên những tuyến đường vành đai, kết nối đầu mối gom hàng, kho tập kết, phân phối hàng tại khu vực tập trung sản xuất, nông nghiệp, công nghiệp, khu công nghiệp; chú trọng phát triển hệ thống kho bãi, kho bãi chuyên dụng; phát triển hệ thống giao thông thông minh, chuyển đổi hạ tầng logistics (như cảng biển, cảng thủy nội địa, hàng không, đường sắt, kho vận...); phát triển nền tảng số kết nối giữa các chủ hàng, nhà giao vận và khách hàng...
Bên cạnh đó, đẩy mạnh logistics và liên kết Vùng Thủ đô nhằm tạo thuận lợi cho giao lưu vận chuyển, phân phối hàng hóa của Hà Nội với các tỉnh, thành phố khác; tạo điều kiện phát huy vai trò các hiệp hội ngành nghề liên quan đến dịch vụ logistics; khuyến khích, thu hút nhà cung cấp dịch vụ logistics lớn trên thế giới và doanh nghiệp logistics trong nước đặt trụ sở, chi nhánh và văn phòng giao dịch tại Thủ đô nhằm xây dựng Hà Nội thành trung tâm điều hành logistics của khu vực miền Bắc...
Có thể nhận thấy, Hà Nội có đủ điều kiện phát triển thành trung tâm dịch vụ logistics của cả nước. Để làm được việc này, Thành phố cần có chính sách cụ thể hóa luật pháp và quyết định của Chính phủ về phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn.
Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng logistics, kêu gọi được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Một sự đánh giá và quan tâm đúng mức của thành phố, cộng đồng doanh nghiệp sẽ thúc đẩy dịch vụ này phát triển, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế.
Diệu Anh