Nhiều giải pháp tạo việc làm cho người lao động ở Hà Nội

24/06/2023 10:11 PM

(Chinhphu.vn) - Trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng buộc phải cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm. Trước thực trạng trên, các Sở, ngành, địa phương trên địa bàn TP. Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ doanh nghiệp từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo việc làm mới cho người lao động.

Nhiều giải pháp tạo việc làm cho người lao động ở Hà Nội - Ảnh 1.

Người lao động tham gia tuyển dụng tại Phiên giao dịch việc làm huyện Gia Lâm năm 2023. Ảnh: VGP/Minh Anh

Trên 113.000 lao động đã được giải quyết việc làm

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, số lao động được tạo việc làm mới trong 6 tháng đầu năm 2023 có xu hướng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2022 (giảm 4,5%). Do sự tác động từ cuộc chiến tranh giữa Nga với Ukraine, tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn, giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao, lãi suất vay vốn trong nước cao… dẫn đến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố gặp khó khăn do sụt giảm đơn hàng ở các thị trường lớn.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội nhận định, thực trạng thiếu đơn hàng xảy ra trên diện rộng và có thể kéo dài sang năm 2024, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu thuộc các ngành Dệt may, Da giày, Điện tử, Chế biến gỗ... vì vậy, các doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng. Việc cắt giảm nhân công cũng là giải pháp duy trì của một số doanh nghiệp hiện nay.

Hơn nữa, theo báo cáo của Cục Thống kê, 6 tháng đầu năm trên địa bàn Thành phố có số doanh nghiệp đăng ký giảm 17% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 22% về số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Chính những nguyên nhân này dẫn đến giảm số việc làm mới trong các tháng đầu năm 2023.

Trước thực tế trên, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, để đảm bảo được các mục tiêu đề ra (giải quyết việc làm cho 162.000 lao động, tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%), Sở đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành của Thành phố, địa phương, đồng thời chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm và các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai các giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động; tăng cường kết nối cung cầu, hỗ trợ chuyển đổi nghề bền vững cho người lao động; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Sàn giao dịch việc làm thành phố.

Cùng với đó, tích cực hỗ trợ, duy trì việc làm ổn định cho người lao động và thực hiện tốt phúc lợi xã hội. Xây dựng hoàn thiện hệ thống dữ liệu về thị trường lao động để tăng cường hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp.

"Các giải pháp đề ra đã đem lại kết quả tích cực trong điều kiện tình hình lao động, việc làm còn gặp nhiều khó khăn. 6 tháng đầu năm, Thành phố giải quyết việc làm cho 113.418/162.000 lao động, đạt 70% kế hoạch giao trong năm 2023", ông Nguyễn Hồng Dân nói.

Nhiều giải pháp tạo việc làm cho người lao động ở Hà Nội - Ảnh 2.

Ông Lê Thịnh, Giám đốc Hành chính nhân sự của Lixem Việt Nam chia sẻ về nhu cầu tuyển dụng việc làm của doanh nghiệp. Ảnh: VGP/Minh Anh

Cơ hội để cơ cấu lại nguồn lực lao động

Là một trong những đơn vị doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cơ khí ô tô, cung cấp thiết bị máy cho nhiều dự án trọng điểm của TP. Hà Nội như đường Vành đai 3, cầu Nhật Tân, nhà ga T2 Nội Bài…, nên hằng năm Công ty TNHH Lixem Việt Nam có nhu cầu tuyển dụng bổ sung cũng như thay thế nhiều vị trí nhân sự như: thợ cơ khí, nhân viên kinh doanh, hành chính - kế toán.

Ông Lê Thịnh, Giám đốc Hành chính nhân sự của Lixem Việt Nam cho biết, thời điểm này nền kinh tế còn nhiều khó khăn, đơn hàng không có, dự án không có, hợp đồng ít… nên nhu cầu về bổ sung lao động rất hạn chế. Tuy vây, đây lại là cơ hội để các doanh nghiệp tuyển dụng thay thế các vị trí việc làm, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Để tuyển dụng được lao động thay thế các vị trí việc làm còn yếu, thiếu thì ngoài đăng thông tin tuyển dụng qua các kênh tìm kiếm việc làm trực tuyến thì những phiên giao dịch việc làm, kết nối cung cầu của Thành phố là hết sức cần thiết đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khi đã tuyển được lao động, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, doanh nghiệp cần phải bỏ thời gian, tập trung vào đào tạo cho người lao động.

"Ngoài các giải pháp trên, thời gian tới, doanh nghiệp cũng sẽ kết nối sát hơn nữa với các cơ sở đào tạo nghề, trường nghề của Thành phố để tìm kiếm được lực lượng lao động phù hợp, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh", ông Lê Thịnh nói.

Với những doanh nghiệp như Công ty CP Phát triển nhân lực và hợp tác quốc tế DHL Global thì các phiên dịch việc làm của Thành phố hiện nay là cơ hội để đơn vị cung cấp thông tin về thị trường lao động, đặc biệt là thị trường lao động nước ngoài; kết nối sinh viên, thanh niên với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đơn vị cung ứng, tuyển dụng lao động. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tập trung tìm kiếm, đăng tuyển thông qua mạng xã hội, các trang việc làm online.

"Tham gia các phiên giao dịch việc làm, tư vấn, hướng nghiệp sẽ giúp các em có nhiều sự hiểu biết để chọn lựa định hướng nghề nghiệp đúng hơn, hiểu biết như thế nào là du học, qua đó tạo điều kiện cho em biết được khả năng tự đánh giá năng lực, sức khỏe, điều kiện thích nghi, cũng như hiểu biết hơn về các nước muốn du học. Qua đó xác định rõ mục tiêu tham gia học tập, tuân thủ nội quy như thế nào, để bản thân đưa ra lựa chọn đúng đắn trong định hướng nghề nghiệp phù hợp với điều kiện bản thân và của gia đình", bà Bùi Thị Thuỳ Linh, Giám đốc DHL Global chia sẻ.

Theo Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, từ nay tới cuối năm, căn cứ vào yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, đơn vị này sẽ tiếp tục gắn kết với lực lượng lao động, tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề cụ thể. Mục tiêu cao nhất là hỗ trợ nhiều nhất cho doanh nghiệp trong tuyển dụng và người lao động tìm được công việc phù hợp, có thu nhập bảo đảm cuộc sống.

6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức 124 phiên giao dịch việc làm (trong đó, có 1 phiên lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật; 4 phiên online kết nối với các tỉnh) với 3.635 đơn vị, doanh nghiệp tham gia; tổng số nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh là 60.034 người; tổng số lao động được phỏng vấn là 25.092 lao động; số lao động được tuyển dụng tại phiên là 8.805 lao động.

Minh Anh

Top