Nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu của Thủ đô

31/10/2022 9:09 AM

(Chinhphu.vn) - Thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ tập trung nhiều nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu như tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu…

Nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu của Thủ đô - Ảnh 1.

Hà Nội sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu - Ảnh: VGP

Mới đây, TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch về đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2023. Theo đó, TP. Hà Nội sẽ chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện dịch COVID-19 còn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát; góp phần tăng trưởng kinh tế-xã hội của Thành phố; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh;

Đồng thời, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); khuyến khích khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tái cơ cấu các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; phấn đấu đưa hoạt động xuất nhập khẩu trở lại trạng thái bình thường trong thời gian ngắn nhất...

Đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, ứng dụng công nghệ cao, vận dụng kết quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động. Các sở, ban, ngành coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa; phân công rõ trách nhiệm cho các sở, ban, ngành để chủ động triển khai và kiểm tra đánh giá việc tổ chức thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn Thành phố.

TP. Hà Nội phấn đấu mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2023 trên địa bàn Thành phố tăng 6-8% so với thực hiện năm 2022. Để hoàn thành chỉ tiêu này, UBND Thành phố triển khai thực hiện 7 nhóm giải pháp chủ yếu gồm: Nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhà sản xuất có khả năng thích ứng tốt nhất trong hoàn cảnh mới; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính.

Xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu. Thực hiện tốt chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan Trung ương trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện kết nối cung-cầu lao động để tạo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ hoạt động kinh doanh xuất khẩu.

Ngoài ra, Thành phố sẽ nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phù hợp với hoàn cảnh mới, trong đó tăng cường phối hợp với các Bộ, ban, ngành Trung ương, các đại sứ quán, thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài và nước ngoài tại Việt Nam, các tỉnh, thành phố cả nước, hạn chế các hoạt động đơn lẻ nhằm tránh sự chồng chéo, trùng lặp và lãng phí nguồn lực.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trong thời gian qua, UBND TP. Hà Nội và Sở Công Thương Hà Nội tăng cường các hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại phù hợp với hoàn cảnh mới, trong đó đẩy mạnh việc phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương, các đại sứ quán, thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài và nước ngoài tại Việt Nam.

Ngoài ra, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, nguồn vốn, công nghệ chất lượng cao, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Thời gian tới, Sở Công Thương cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ công tác xúc tiến xuất khẩu để doanh nghiệp có thể nắm bắt, chuyển hóa lợi ích từ các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết như CPTPP và EVFTA. 

Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai tổ chức nhiều các hoạt động, sự kiện kích cầu, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư…

Diệu Anh

Top