Nhiều mô hình thủy sản mang lại giá trị kinh tế cao
(Chinhphu.vn) - Để thúc đẩy ngành thủy sản phát triển, TP. Hà Nội đã và đang từng bước phát huy thế mạnh, khai thác tiềm năng mặt nước phát triển chăn nuôi thủy sản; nhiều chính sách hỗ trợ phù hợp đã giúp người nông dân có việc làm, tăng thu nhập. Chính sự quan tâm đầu tư đúng mức, cùng với những bước đi phù hợp đã góp phần chuyển dịch cơ cấu đúng hướng trong lĩnh vực nông nghiệp ở nhiều địa phương trên địa bàn thành phố.
Hà Nội có tiềm năng mặt nước nuôi trồng thủy sản với hơn 30.800 ha và có nhiều sông lớn chạy qua để người dân có thể nuôi trồng, khai thác thủy sản. Hiện nay nhiều huyện của Hà Nội cũng tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó chú trọng đối tượng nuôi và hình thức nuôi thủy sản. Huyện Ba Vì có khoảng 1.900 ha ao, hồ mặt nước cho phát triển nuôi trồng thủy sản, tập trung tại các xã: Cổ Đô, Vạn Thắng, Đồng Thái, Phú Châu, thị trấn Tây Đằng và các xã ven sông Tích… Nhờ đổi mới, đa dạng hình thức và đối tượng nuôi trồng nên các địa phương đã gia tăng sản lượng, tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích. Những năm gần đây, nông dân trên địa bàn huyện cũng đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản theo mô hình khép kín, đầu tư công nghệ cao, không sử dụng kháng sinh… nên đầu ra ổn định, hiệu quả kinh tế đạt cao hơn so với nuôi theo phương pháp truyền thống.
Anh Lê Văn Lâm, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên chia sẻ, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng được xem là khâu đột phá để nâng cao năng suất, đồng thời giảm việc sử dụng tài nguyên và phát thải, tạo ra các sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nắm bắt xu thế này, thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Phú Xuyên đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng khoa học và công nghệ vào nuôi trồng, chế biến thuỷ sản, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với lợi thế đồng trũng, thuận tiện cho nuôi trồng thủy sản, nhiều năm qua, gia đình anh Lâm đã tập trung thâm canh thủy sản bằng phương pháp truyền thống. Tuy nhiên nuôi trồng thủy sản bằng kinh nghiệm thông thường hiệu quả kinh tế cũng như môi trường sinh thái không đảm bảo, trong khi nhu cầu của người tiêu dùng thiên về những sản phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.
Được sự hỗ trợ về kỹ thuật nuôi trồng của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, năm 2019, gia đình anh Lâm đã chuyển đổi 4 ha diện tích nuôi trồng thủy sản sang nuôi trồng theo hướng VietGAP (Việt Gáp). Đây là hình thức nuôi trồng gần với tự nhiên, không sử dụng các chất hóa học, không sử dụng các sản phẩm biến đổi gen. Quy trình nuôi này áp dụng các biện pháp tốt nhất bảo vệ hệ sinh thái, gìn giữ đa dạng sinh học, hạn chế tối đa tác động gây ô nhiễm và mất an toàn từ các hoạt động nuôi tới con người và môi trường. Nhờ dó mà giá trị thu nhập cũng được tăng lên.
Ông Lê Tiến Xuân, Trưởng Phòng kinh tế huyện Phú Xuyên cho biết, với lợi thế về địa lý, nguồn nước từ sông Hồng, những năm gần đây, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện ngày càng tăng, đã có nhiều hộ gia đình phát triển nuôi cá theo hướng hàng hóa, cho thu nhập ổn định. Hiện toàn huyện có trên 2.500 ha diện tich nuôi trồng thủy sản, năng suất đạt trên 6,2 tấn/ha. Huyện Phú Xuyên cũng đã quy hoạch khu nuôi trồng thủy sản, khuyến khích người dân áp dụng thâm canh và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; đồng thời chú trọng chăn nuôi theo hướng VietGAP nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững với môi trường sinh thái.
Việc áp dụng công nghệ vào nuôi trồng thủy sản đã mở ra hướng phát triển mới, giúp người nuôi giảm công lao động, tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, người dân trên địa bàn Thành phố đã tích cực đưa các giống cá chất lượng, năng suất cao vào nuôi, như: Cá lăng, trắm đen, chép giòn, tôm càng xanh siêu đực, cá chép lai… mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cấy lúa 2-3 lần. Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thủy sản của thành phố Hà Nội khá lớn, khoảng 243.000 tấn/năm.
Trong định hướng của Thành phố sẽ tập trung thúc đẩy nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa, vì vậy, việc tập trung phát triển sản xuất con giống thủy sản sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận cho người sản xuất. Nuôi trồng thủy sản theo mô hình khép kín, đầu tư công nghệ cao, không sử dụng kháng sinh… ngoài mục tiêu đảm bảo đầu ra ổn định còn hỗ trợ công tác truy xuất nguồn gốc, nâng cao uy tín sản phẩm, tăng sức cạnh tranh để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đây là một xu thế tất yếu giúp ngành nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững.
Thiện Tâm