Nhiều nguy cơ gia tăng dịch COVID-19 nếu bỏ qua mũi tiêm vaccine

03/08/2022 3:40 PM

(Chinhphu.vn) - Theo các chuyên gia y tế, đến thời điểm hiện tại (tính từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4 vừa qua), miễn dịch trong cộng đồng với dịch COVID-19 đã suy giảm; bên cạnh đó ở nước ta đã xuất hiện biến thể mới. Vì vậy, người dân cần tiêm đầy đủ vaccine mũi 3, 4 để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.

Nhiều nguy cơ gia tăng dịch COVID-19 nếu bỏ qua mũi tiêm vaccine - Ảnh 1.

Người dân cần tiêm đủ mũi vaccine và tiêm mũi nhắc lại để tăng cường sức đề kháng phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong nửa đầu tháng 7/2022, Thành phố đã tiêm được 888.691 liều vaccine phòng COVID-19; tỷ lệ tiêm mũi 1, 2 và 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đều đạt trên 97%; tỷ lệ tiêm mũi 1, 2 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi đạt trên 99%. Tuy nhiên, tính đến ngày 24/7, tỷ lệ tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản (mũi 1 và 2) cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi còn thấp. Tỷ lệ tiêm chủng mũi 4 cho người từ 18 tuổi theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã, toàn thành phố mới đạt 43,6%. Trong đó, tỷ lệ tiêm mũi 4 ở một số quận, huyện còn thấp, như: Ba Đình (21,8%), Hoàng Mai (28,8%), Cầu Giấy (29,6%), Chương Mỹ (30,2%), Hoàn Kiếm (32,1%), Gia Lâm (35,2%).

Tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản (2 mũi) của trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tại Hà Nội đạt tỷ lệ thấp (14,5%) và Hà Nội cũng là một trong các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm cho nhóm trẻ này thấp nhất cả nước.

Theo các chuyên gia y tế, virus SARS-CoV-2 có sự tiến hóa khôn lường. Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp với nhiều biến thể mới xuất hiện như BA.4, BA.5; và khi còn chủng virus lưu hành thì vẫn có nguy cơ mắc bệnh nặng.

Theo nghiên cứu, trong số hơn 43.000 trường hợp tử vong do COVID-19 có tới 52,8% chưa tiêm vaccine phòng COVID-19, 29.8% đã tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi chỉ có 7,3% đã tiêm 3 mũi. Chính vì vậy, nếu không tiêm vaccine và tiêm không đủ liều sẽ có nguy cơ mắc bệnh COVID-19, thậm chí mắc bệnh nặng có nguy cơ tử vong. Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận số ca mắc COVID-19 đã tăng tại nhiều quốc gia kể từ tháng 4/2022 và gia tăng chủ yếu do lây lan của biến chủng phụ của Omicron BA.4 và BA.5. Theo đó, nếu khả năng miễn dịch suy giảm trong cộng đồng cùng với việc chủ quan lơ là trong tiêm vaccine cũng như trong phòng, chống dịch COVID-19 thì nguy cơ bùng phát dịch trở lại là không tránh khỏi.

Đối với vaccine phòng bệnh COVID-19, tiêm vaccine sẽ có tác động tăng cường miễn dịch cho cơ thể để chống lại các tác động của virus đối với cơ thể trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, kháng thể của cơ thể sẽ giảm dần sau khi tiêm vaccine một thời gian nhất định, đây cũng chính là cơ hội để các biến thể mới dễ dàng tấn công. Cả TPHCM và Hà Nội hiện đều đã phát hiện biến thể BA.5, biến thể mới có tốc độ lây nhiễm cao hơn từ 10%-15% so với biến thể cũ đã xuất hiện tại 2 thành phố lớn, nó hoàn toàn có thể lây lan mạnh mẽ sang các tỉnh, thành khác. Đáng nói nếu ngọn lửa COVID- 19 nhen nhóm bùng phát quay trở lại, khi mà miễn dịch cộng đồng đã xuống thấp thì sức khỏe của người dân sẽ đứng trước nhiều nguy hiểm như đợt dịch thứ 4 vừa qua.

Theo bác sĩ Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: Tính từ thời điểm dịch bùng phát cho đến nay đã khoảng 4 tháng, nên đến thời điểm hiện tại miễn dịch cộng đồng đã suy yếu nên có thể có các đợt dịch khác bùng phát. Bên cạnh đó cộng với xuất hiện biến chủng mới thì số ca nặng nó sẽ tăng lên. Từ đó gây quá tải cho hệ thống y tế, kéo theo các bệnh khác cũng sẽ khó được tiếp cận y tế.

Mặc dù hiện nay số ca mắc và số ca nặng, tử vong đều giảm mạnh. Nhưng việc tiêm vaccine vẫn là biện pháp hiệu quả nhất, có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là với các đối tượng nguy cơ cao, trong bối cảnh nhiều biến thể mới và hiệu lực vaccine theo thời gian sẽ giảm dần. Việc nhiều địa phương không đạt tiến độ tiêm mũi 3, mũi 4 như yêu cầu và xuất hiện tình trạng do dự, né tránh việc tiêm vaccine sẽ dẫn tới nguy cơ gia tăng, bùng phát dịch cao hơn.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, hiện nay Việt Nam đã xuất hiện biến thể phụ B.A5 của biến chủng omicron. Do đó, nếu người dân không chủ động đi tiêm phòng mũi 3, 4, các địa phương lơ là chủ quan không tuyên truyền cho người dân đi tiêm thì dịch có thể sẽ phát triển lại, nhất là khi đại dịch COVID-19 chưa kết thúc.  Hiện nay biến thể phổ biến trên thế giới vẫn là Omicron nhưng có thể vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng. Vì vây, việc tiêm đủ các liều vaccine theo khuyến cáo để tăng cường sức chống chịu của cơ thể đối với dịch bệnh là hết sức cần thiết.

Trước diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế tại Công văn số 3896/BYT-DP ngày 22/7/2022 về việc tăng cường triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19, Sở Y tế Hà Nội đã đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông về tác dụng, hiệu quả của vaccine phòng COVID-19; tổ chức các đội tuyên truyền, vận động tiêm vaccine đến từng địa bàn dân cư; tập trung tiêm chủng cho các đối tượng, đặc biệt là trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, lưu ý các trẻ có nguy cơ cao, trẻ sống ở khu vực có tỷ lệ bao phủ vaccine thấp.

UBND các địa phương chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tăng cường truyền thông, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, quân nhân, chiến sĩ thực hiện tiêm nhắc lại lần 1, lần 2 (mũi 3, mũi 4) vaccine phòng COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tiếp tục thực hiện tổ chức tiêm tại các điểm tiêm cố định, các điểm lưu động tại các trường học, khu công nghiệp.

Sở Y tế đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố tăng cường truyền thông về tác dụng, lợi ích của việc tiêm chủng, những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng và trách nhiệm đảm bảo quyền được tiêm chủng của trẻ em để tạo sự đồng thuận; vận động cha mẹ, người giám hộ đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, kịp thời các liều cơ bản (mũi 1, 2) cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và liều nhắc lại (mũi 3) cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi.

Phối hợp với ngành Y tế bố trí địa điểm, cơ sở vật chất và nhân lực hỗ trợ để tổ chức tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến 17 tuổi tại trường học bảo đảm an toàn; nâng cao trách nhiệm, sự hưởng ứng của cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động trong ngành, bảo đảm hoàn thành tiêm đủ liều nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vaccine phòng COVID-19.

Thiện Tâm

Top