Nhiều trẻ nhập viện vì Cúm A và bệnh tay-chân-miệng
(Chinhphu.vn)- Trong một tuần, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) đã tiếp nhận 400 trẻ mắc cúm, trong đó, gần 200 ca dương tính với cúm A.
Nhiều trẻ nhập viện do mắc Cúm A-Ảnh minh họa |
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhân, Trưởng khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội, chỉ trong một tuần, đơn vị này tiếp nhận 400 trẻ mắc cúm, trong đó, gần 200 ca dương tính cúm A. Trung bình mỗi ngày, 4-5 ca phải nhập viện vì bệnh diễn biến nặng. Đặc biệt, 100% bệnh nhi đến viện điều trị đều chưa được tiêm phòng.
Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm A gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lan nhanh trong cộng đồng, đặc biệt ở trẻ dưới 2 tuổi. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
“Virus cúm A có nhiều type, trong đó một số type nguy hiểm như H1N1, H5N1, H7N9. Theo chúng tôi phân tích chủ yếu là cúm mùa. Do đó, để phòng bệnh, cha mẹ cần đưa trẻ dưới 18 tháng tuổi tiêm phòng đầy đủ”, bác sĩ Nhân cho hay.
Biến chứng hay gặp nhất của cúm A là viêm phổi suy hô hấp, nặng hơn là viêm cơ tim, ngoài ra hiếm gặp là viêm màng não do virus. Các bác sĩ chỉ có thể xác định bệnh bằng xét nghiệm dịch mũi họng. Do đó, khi trẻ có các dấu hiệu như sốt cao đột ngột trên 38 độ, không giảm, ho, đau họng, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, nôn trớ nhiều, cha mẹ cần nhanh chóng đưa con tới các cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nhiều trẻ em mắc bệnh tay-chân-miệng
PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) - cho biết, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 200 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Trong đó, nhiều ca biến chứng khác hơn so với mọi năm có liên quan đến các vấn đề về nhiễm trùng thần kinh trung ương.
Cũng từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận hơn 10 trường hợp nhiễm chủng EV71 trong tổng số hàng trăm trường hợp nhập viện do tay chân miệng.
Theo PGS Điển, nhóm mắc virus EV không nhiều, đặc biệt là EV71. Đây là chủng virus có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao, dẫn đến nhiều biến chứng nặng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh. EV71 cũng được biết đến như một loại virus có vai trò gây viêm não và các hội chứng não cấp, làm cho bệnh nặng hơn.
Hai tác nhân chính gây ra bệnh tay chân miệng là CVA16 và EV71. So với CVA16, tỷ lệ mắc tay chân miệng gây ra bởi EV71 thấp hơn.
Tay chân miệng là căn bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Biểu hiện của bệnh là sốt, phát ban, mụn nước ở lòng bàn tay, chân và mông, tổn thương loét ở miệng.
Trẻ nhỏ đều có nguy cơ mắc phải bệnh tay chân miệng. Vì vậy, các phụ huynh cần cho trẻ ở nhà trong không gian thoáng, sạch, các bề mặt trẻ tiếp xúc sạch sẽ (sàn nhà, nhà vệ sinh, giường ngủ). Khi mắc bệnh, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 9 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 53.529 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó 6 trường hợp tử vong tại khu vực phía Nam.
Các tỉnh thành ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây như TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng…
Huy Thành (Tổng hợp)