Nhiều ý tưởng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công nghiệp văn hóa Bắc Từ Liêm

25/11/2024 5:05 PM

(Chinhphu.vn) - Di sản không chỉ là những dấu ấn từ quá khứ mà còn là nguồn cảm hứng bất tận, là nền móng cho sự sáng tạo hiện đại. Đối với quận Bắc Từ Liêm, việc khai thác giá trị di sản không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn xây dựng nên bản sắc văn hóa độc đáo, mang tầm vóc lâu dài.

Nhiều ý tưởng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công nghiệp văn hóa Bắc Từ Liêm- Ảnh 1.

Quang cảnh hội thảo "Bắc Từ Liêm phát triển công nghiệp văn hóa vươn tầm cùng Thủ đô". Ảnh: VGP/Diệu Anh

Quận ủy Bắc Từ Liêm vừa tổ chức hội thảo "Bắc Từ Liêm phát triển công nghiệp văn hóa vươn tầm cùng Thủ đô". Hội thảo đã đưa ra những nhận định và giải pháp thiết thực trong giai đoạn mới.

Bí thư Quận ủy Bắc Từ Liêm Lưu Ngọc Hà cho biết, đất nước ta đang bước vào "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc". Điều đó đòi hỏi mỗi địa phương đều phải lựa chọn thế mạnh làm chiến lược để "bứt phá và cất cánh".

Việc tận dụng những lợi thế, tiềm năng vốn có, phát huy tiềm năng văn hóa và biến nó trở thành nguồn lực lớn lao, "sức mạnh mềm" để quận Bắc Từ Liêm phát triển bền vững, vươn tầm cùng Thủ đô, đất nước đòi hỏi phải có sự thống nhất về nhận thức và hành động của cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân.

Từ đó, đề ra các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể, khả thi, đột phá cho quận Bắc Từ Liêm nhiệm kỳ 2025-2030, định hướng 2045 trong phát triển công nghiệp văn hóa.

Là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng, Bắc Từ Liêm sở hữu 135 di tích, trong đó 35 di sản văn hóa phi vật thể, 29 lễ hội truyền thống, 26 di tích cách mạng kháng chiến như Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà lưu niệm Đại tướng Văn Tiến Dũng, Làng khoa bảng, làng cổ Đông Ngạc... cùng hàng nghìn di vật, cổ vật quý hiếm.

Nhiều ý tưởng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công nghiệp văn hóa Bắc Từ Liêm- Ảnh 2.

Các đại biểu dự hội thảo đã chia sẻ, làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển công nghiệp văn hóa. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Quận uỷ Bắc Từ Liêm Dương Ngọc Thanh, các hoạt động tuyên truyền về di sản văn hoá cần được đẩy mạnh hơn nữa, phối hợp cùng các đơn vị để đưa đến những chương trình đặc sắc cho người dân Hà Nội nói chung và người dân Bắc Từ Liêm nói riêng.

Chủ Tịch UBND Quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Hữu Tuyên đề xuất các hoạt động tuyên truyền về di sản văn hoá cần được đẩy mạnh hơn nữa, phối hợp cùng các đơn vị để đưa đến những chương trình đặc sắc cho người dân Hà Nội nói chung và người dân Bắc Từ Liêm nói riêng.

Chia sẻ tại hội thảo, nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam đã đưa ra nhiều góc nhìn mới mẻ và giải pháp thực tiễn cho sự phát triển công nghiệp văn hóa với sản phẩm di sản áo dài tại quê hương-quận Bắc Từ Liêm. Áo dài không chỉ là biểu tượng văn hóa mà còn là một sản phẩm đầy tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp sáng tạo.

Theo nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam, áo dài không chỉ để mặc, nó là một câu chuyện văn hóa có sức lan tỏa. Khi áo dài xuất hiện tại các sự kiện quốc tế, chúng ta không chỉ quảng bá một bộ trang phục mà còn giới thiệu cả một nền văn hóa Việt Nam sâu sắc và đầy bản sắc…

Từ sau hành trình 20 năm mang áo dài Việt Nam đến các sự kiện quốc tế danh giá như Paris Fashion Week hay Liên hoan phim Cannes, nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam chia sẻ những ý tưởng sáng tạo trong việc sử dụng áo dài như một công cụ quảng bá truyền thông, thu hút du khách đến với quận Bắc Từ Liêm và TP. Hà Nội.

Nhiều ý tưởng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công nghiệp văn hóa Bắc Từ Liêm- Ảnh 3.

Chương trình “Tinh hoa Áo dài” trong khuôn khổ Hội chợ Xúc tiến thương mại gắn kết quảng bá du lịch, văn hoá địa phương quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Những ý tưởng độc đáo tạo nên nhịp cầu văn hóa đặc sắc giữa Việt Nam và thế giới, hoàn toàn có thể được ứng dụng tương tự tại các địa phương giàu văn hoá di sản, đặc biệt là quận Bắc Từ Liêm.

Dù nhìn thấy nhiều cơ hội lớn, ông Đỗ Trịnh Hoài Nam cũng thẳng thắn chỉ ra các thách thức mà Bắc Từ Liêm đang phải đối mặt, trong đó nổi bật là sự thiếu hụt về hạ tầng văn hóa và nguồn nhân lực sáng tạo. Qua đó đề xuất, việc phát triển các không gian văn hóa như trung tâm triển lãm áo dài hay phố đi bộ kết hợp trình diễn nghệ thuật cuối tuần là rất cần thiết.

Ông Hoài Nam cũng đề xuất tổ chức các sự kiện thường niên như "Phát động tuần lễ Áo dài Việt Nam được tổ chức tại Bắc Từ Liêm"-một ý tưởng nhằm xây dựng thương hiệu văn hóa đặc trưng, không chỉ tạo điểm nhấn cho địa phương mà còn góp phần nâng cao vị thế văn hóa của thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Có thể thấy, những giải pháp không chỉ vạch ra hướng đi thực tiễn mà còn thể hiện tầm nhìn dài hạn, khẳng định áo dài không chỉ là di sản mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp văn hóa, đưa Bắc Từ Liêm vươn tầm, trở thành điểm sáng trong chiến lược văn hóa của Thủ đô.

Diệu Anh

Top