Nhịp cầu nhà nông: Giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất nông nghiệp
(Chinhphu.vn) - Ngày 21/8, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với UBND huyện Gia Lâm tổ chức Diễn đàn Khuyến nông "Nhịp cầu nhà nông" với mục đích đáp ứng nhu cầu của nông dân được trao đổi trực tiếp với các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, qua đó giải đáp những khó khăn vướng mắc trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
Tham dự là các chuyên gia, các nhà khoa học, lãnh đạo Sở NN&PTNT và đặc biệt có sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho các hộ nông dân trực tiếp sản xuất, các doanh nghiệp, các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, các chủ trang trại trên địa bàn huyện.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học cho biết, cùng với quá trình đô thị hoá mạnh như hiện nay, diện tích nông nghiệp trên địa bàn huyện Gia Lâm bị thu ẹp, nông nghiệp cũng phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức về thị trường giá cả, đầu ra không ổn định được mùa thì mất giá, biến đổi khí hậu khó lường, thời tiết cực đoan ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên ngành nông nghiệp vẫn phát triển, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch tích cực, nhiều tiến bộ khoa học mới được ứng dụng vào sản xuất, năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi đều tăng. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 606,868 tỷ đồng, đạt 54,6% kế hoạch năm và tăng 1,92% so với 6 tháng đầu năm 2023. Diện tích sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 lúa đạt 1.070 ha, diện tích rau màu các loại trên 1.058,2 ha, diện tích cây ăn quả tập trung 1.832,1 ha; diện tích VA, VAC, VC 660 ha; diện tích hoa cây cảnh hơn 300 ha…
Tổng đàn gia cầm, thuỷ cầm đạt 298.000 con, số trâu bò hiện là 6.818 con, trong đó đàn bò sữa là 1.952 con cho sản lượng sữa ước đạt 17 tấn/ngày, diện tích nuôi trồng thủy sản 265 ha. Huyện cũng duy trì số trang trại hiện có trên địa bàn huyện với 35 trang trại, gia trại; thực hiện các phương án chuyển chăn nuôi ra ngoài khu dân cư tại các xã: Văn Đức, Trung Mầu, Phù Đổng, Lệ Chi, Đặng Xá, với tổng diện tích đã quy hoạch là 20,3 ha.
Đối với thủy sản, huyện duy trì một số mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng tại xã Đông Dư, xã Văn Đức. Huyện vẫn duy trì ổn định diện tích mặt nước hiện có để nuôi trồng thuỷ sản với diện tích 265 ha, sản lượng ngành thủy sản năm 2024 ước đạt 2.000 tấn.
"Tuy diện mạo nông thôn có những thay đổi rõ nét, sản xuất nông nghiệp ở mức tăng trưởng khá, song trình độ lao động nông nghiệp chưa cao, các biện pháp thâm canh mang tính truyền thống là chính, chưa ứng dụng được nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất... Bên cạnh đó, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định, chưa gắn được sản xuất đi đôi với sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro về thời tiết, dịch bệnh, và đặc biệt chịu tác động yếu tố thị trường,…nên đòi hỏi ngành nông nghiệp phải tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học ứng dụng vào sản xuất", ông Trương Văn Học nói.
Tại diễn đàn khuyến nông Nhịp cầu nhà nông, các chuyên gia, các nhà khoa học, lãnh đạo Sở NN&PTNT, lãnh đạo UBND huyện và các đại biểu trao đổi thông tin, giao lưu, học hỏi các kiến thức khoa học hết sức bổ ích về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… Đồng thời phổ biến các chủ trương, chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp và giải đáp khó khăn, vướng mắc mà nông dân đang gặp phải, trang bị nông dân thêm kiến thức, các tiến bộ khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất góp phần giảm chi phí, tăng lợi nhuận so với sản xuất truyền thống, chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tổ chức lại sản xuất khoa học hơn, quy mô lớn hơn góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế hộ, phát triển nông nghiệp bền vững.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, Diễn đàn Nhịp cầu nhà nông đã cung cấp các kiến thức, kỹ thuật sản xuất chăn và các thông tin về cơ chế chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Nhờ tập trung và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc kịp thời nên thời gian qua ngành nông nghiệp Thủ đô đã duy trì tăng trưởng trên hầu hết các lĩnh vực. Trong đó tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững gắn với kết hợp du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Bên cạnh đó ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ phối hợp với các địa phương thống kê và có giải pháp khôi phục diện tích lúa, rau màu, thủy sản bị ảnh hưởng đồng thời chủ động, linh hoạt ứng phó với mọi diễn biến về khí hậu, thị trường và thường xuyên nghiên cứu, phân tích thị trường, từ đó định hướng sản xuất bám sát nhu cầu của thị trường.
Thiện Tâm