Những cống hiến thầm lặng của công nhân thoát nước Thủ đô
(Chinhphu.vn) - Mỗi khi xuất hiện mưa bão, giông lốc, khi người người đi tìm chỗ trú thì cũng là lúc những công nhân trong ngành thoát nước lại phải bất chấp nguy hiểm, lao ra đường ứng trực, tua vớt rác trên sông, hồ; nhặt những túi nilon, rác thải bị gió cuốn vào các nắp hố ga, thậm chí chui xuống cống ngầm-nơi tích tụ nhiều chất thải độc hại để nạo vét bùn thải… giúp người dân được an toàn, giảm bớt úng ngập cho Thủ đô.
Một nghề nhọc nhằn
Có dịp được trò chuyện với ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, chúng tôi mới hiểu được phần nào nỗi vất vả, những cống hiến thầm lặng của các công nhân thoát nước của Thủ đô. Họ đã âm thầm cống hiến tuổi thanh xuân của mình ở những nơi nguy hiểm, ô nhiễm nhất để Thủ đô thêm sạch, đẹp, văn minh.
Chia sẻ với phóng viên, ông Trịnh Ngọc Sơn cho biết, nói đến nghề thoát nước thì có thể thấy đến thời điểm này ai phải thực sự yêu nghề mới làm được bởi nghề này rất vất vả, khó khăn và độc hại. Trong hơn 2.000 nhân viên của công ty, tất nhiên cũng có những người vì cuộc sống mưu sinh nhưng cũng có nhiều người làm vì họ yêu nghề. Họ luôn quan niệm hệ thống thoát nước như nhà mình, lo như lo cho nhà mình.
"Có những công nhân tranh thủ ngày 30 Tết vừa đi làm vừa mua cái bánh chưng, cành đào, mứt Tết… treo vào xe, làm xong công việc mới về nhà, nhiều người về đến nhà chỉ vội vàng sắp xong mâm ngũ quả là đã đến giao thừa", ông Sơn chia sẻ.
Nghề thoát nước là một nghề lao động nặng nhọc, độc hại, tiếp xúc trực tiếp với các chất thải, nước thải. Trong điều kiện thời tiết bình thường những người công nhân thoát nước đã phải rất nỗ lực và vất vả. Đặc biệt khi mưa lớn phải làm việc ngoài trời thì những khó khăn, vất vả và những nguy cơ tiềm ẩn còn nhiều hơn gấp bội. Nhiều công nhân phải đứng ở trời mưa to 3-4 tiếng đồng hồ, áo mưa có thể che mưa nhưng không thể che được lạnh.
Khi mưa lớn, đường phố ngập lụt việc di chuyển để mở nắp hố ga, khơi thông dòng chảy là một việc không hề đơn giản, nguy cơ về trơn trượt, cành cây gãy đổ, dây điện đứt là rất cao. Công nhân thoát nước luôn phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao bảo đảm tiêu thoát nước cho các tuyến đường hỗ trợ thêm cho những người và phương tiện đi lại trên đường cho an toàn.
Ông Sơn cho rằng, các công nhân thoát nước như những "cọc tiêu" dù ứng dụng công nghệ thông tin đến đâu thì con người vẫn là số 1, bởi nếu không ứng trực ở đó sẽ không xử lý được tình huống. Kể cả có máy móc hiện đại thì vẫn cần có người công nhân đồng hành.
Công việc của công nhân thoát nước bắt đầu ở nơi mặt đường và trước miệng các hố ga quen thuộc. Họ dầm mình hàng giờ đồng hồ giữa lòng cống ngầm, lòng mương với nhiều loại rác thải, trong đó có nhiều chất thải độc hại, rác thải công nghiệp, y tế, xác động vật... Thời gian làm việc bất kể nắng mưa, bão lũ, công nhân luôn có mặt tại mọi tuyến đường Thủ đô để thực hiện công việc.
Những ngày mưa bão, anh em phải ứng trực 100% quân số. Mỗi khi mưa lớn, nơi gần những miệng hố ga thu gom nước lại lấp loáng màu áo phản quang của công nhân thoát nước. "Chúng tôi vất vả, nhưng người dân an toàn. Điều đó làm chúng tôi quên đi những mệt nhọc của nghề...", anh Nguyễn Đình Vinh, phụ trách khối lượng công việc nạo vét, tiêu thoát trên một trong những tuyến thoát nước chính của Thành phố (Xí nghiệp Thoát nước số 3) chia sẻ và chỉ mong ý thức của người dân tốt lên để công việc của các anh em công nhân nhẹ nhàng hơn. Mỗi người đóng góp một chút, xả rác đúng nơi quy định, không xả rác xuống cống nữa. Rác thải ít thì nạo vét dễ hơn, TP. Hà Nội sẽ bớt được ngập úng khi mưa lớn.
Luôn chăm lo đời sống công nhân
Là một cán bộ công đoàn, bà Trương Hải Yến, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho hay: "Chúng tôi luôn chia sẻ và thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của công nhân Công ty bởi người công nhân thoát nước hầu hết làm việc ngoài trời, nhất là những đợt nắng nóng kéo dài, những đợt mưa rét, đặc biệt khi mưa thì càng thực sự thấy thương người công nhân hơn".
Những lúc mưa bão, người công nhân lại phải đi ra đường, đi đến các vị trí được phân công để tua rác giúp nước thoát nhanh, giảm thiểu thời gian úng ngập; vớt rác tại các đăng chắn rác trên hồ, các điểm rác trên sông; kịp thời vận hành mở của phai hồ trước khi mưa để khi nước vào hồ nhằm tăng khả năng điều hòa hồ, giảm úng ngập.
"Do đó, chúng tôi thường xuyên phải tuyên truyền các kỹ năng bảo hộ…cho công nhân, người lao động khi đi ra ngoài đường trong thời tiết giông lốc, sấm sét", bà Yến chia sẻ.
Bà Yến cũng cho hay, ở Công ty cũng có nhiều thế hệ gia đình làm công nhân cống ngầm- nghề nặng nhọc và độc hại nhất trong ngành thoát nước. Họ làm từ thời ông đến đời cha và đến đời con. Với những trường hợp như vậy, tại các buổi họp đánh giá thi đua, công tác tuyên truyền ngành nghề, Công ty đều tuyên dương, xét khen thưởng và đề xuất tri ân cho những công nhân cống ngầm có nhiều năm trong nghề.
Thấu hiểu những nỗi vất vả, nhọc nhằn và nguy hiểm của công nhân, Công ty cũng luôn trang bị đầy đủ vật dụng, quần áo bảo hộ cho công nhân, bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật, đường, sữa, vitamin,... Đồng thời luôn điều chỉnh giờ làm việc hợp lý với tình hình thời tiết.
Công việc của công nhân ngành thoát nước vất vả là thế và trong 2 năm dịch bệnh COVID-19 phức tạp vừa qua thì công việc ấy lại khó khăn thêm gấp bội. Bởi vậy, công tác chăm lo đời sống cho người lao động luôn được Ban lãnh đạo Công ty đặt lên hàng đầu. Theo đó, ngoài việc tiêm vaccine phòng COVID-19, công đoàn Công ty còn phát đường, sữa, các nhu yếu phẩm và thuốc chữa bệnh thông thường… cho người lao động.
"Đối với công nhân bình thường thì một năm khám sức khỏe 1 lần, còn đối với công nhân làm công việc nặng nhọc, độc hại hơn như công nhân cống ngầm thì một năm công nhân được khám sức khỏe 2 lần, 6 tháng khám một lần. Những người có sức khỏe thuộc hạng 4 (sức khỏe yếu) sẽ được chế độ chăm sóc đặc biệt. Ngoài ra, công ty đã xây dựng được khu nghỉ dưỡng công đoàn tại biển Hải Tiến (Thanh Hóa) để công nhân và gia đình có thời gian nghỉ dưỡng", bà Yến cho biết thêm.
Có thể nói, những người làm nghề thoát nước đô thị chính là những "chiến binh" thầm lặng, mang trong mình tinh thần "thép" mới có thể làm được công việc đặc thù như vậy. Các anh luôn ý thức về trách nhiệm của mình, đó là đem lại sự an toàn cho người dân và giữ gìn vệ sinh môi trường của Thủ đô. Công việc đó thật đáng tự hào và trân trọng biết bao!
Diệu Anh