Những công trình xưa và nay làm rạng rỡ Thủ đô Hà Nội

10/10/2024 6:02 PM

(Chinhphu.vn) - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) nhiều công trình mới được hoàn thành, đưa vào sử dụng mang ý nghĩa tiếp nối những thành tựu của thành phố. Bên cạnh đó, Thủ đô Hà Nội hiện vẫn lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc là những địa danh lịch sử gắn liền với sự kiện Giải phóng Thủ đô (10/10/1954).

Những chứng tích lịch sử gắn liền với Ngày Giải phóng Thủ đô

Hơn 70 năm trôi qua, những địa danh lịch sử gắn liền với sự kiện Giải phóng Thủ đô (10/10/1954) nay đã có nhiều đổi khác, song vẫn còn vẹn nguyên giá trị lịch sử, văn hóa, là biểu tượng của độc lập, của tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất kiên cường...

Đúng 16h30 ngày 9/10/1954, những lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên, đánh dấu chấm hết cho sự hiện diện của quân Pháp ở Thủ đô Hà Nội. Sáng 10/10/1954, Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 tiến vào tiếp quản Hà Nội trong tiếng reo hò của hàng chục vạn người dân. Ngày 10/10/1954 đã trở thành cột mốc lịch sử, ghi nhận bao nỗ lực, cả những mất mát, hy sinh của quân và dân ta...

70 năm đã qua, những địa danh ghi dấu ngày Giải phóng Thủ đô vẫn mãi trường tồn theo thời gian, như để gợi nhớ về những ký ức lịch sử hào hùng của Hà Nội thuở nào.

Những công trình xưa và nay làm rạng rỡ Thủ đô Hà Nội- Ảnh 1.

Cầu Long Biên đã tồn tại hơn 100 trăm qua và là “chứng nhân lịch sử” cho những cột mốc quan trọng của Thủ đô Hà Nội. 16h ngày 9/10/1954, những người lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên, quân dân ta hoàn toàn kiểm soát Thủ đô - Ảnh internet

Những công trình xưa và nay làm rạng rỡ Thủ đô Hà Nội- Ảnh 2.

Bộ đội ta hùng dũng tiến qua cầu Long Biên vào tiếp quản Hà Nội, cùng lúc quân Pháp rút khỏi Hà Nội qua cây cầu này phía chiều bên kia, chiều 9/10/1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đến nay, sau 70 năm Giải phóng Thủ đô, cây cầu hơn 2 km do người Pháp xây dựng vẫn được giữ gìn và trở thành một trong những biểu tượng của Hà Nội và thu hút nhiều khách du lịch tham quan.

Bắc Bộ phủ là một trong những nơi đầu tiên quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp quản tại Thủ đô vào ngày trọng đại 70 năm về trước. Tòa nhà Bắc Bộ phủ mang phong cách kiến trúc Pháp cổ điển này được xây dựng vào năm 1918 trên phần đất của chùa Báo Ân xưa.

Những công trình xưa và nay làm rạng rỡ Thủ đô Hà Nội- Ảnh 3.

Bắc Bộ phủ là một trong những nơi đầu tiên quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản tại Thủ đô vào ngày trọng đại 70 năm về trước. Ảnh internet

Tòa nhà đã trải hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Hiện nay tòa nhà là Nhà khách Chính phủ tọa lạc ở số 12 phố Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Ga Hà Nội cũng là một trong những cơ sở đầu tiên quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp quản từ Pháp. Công trình này được xây dựng và hoàn thành vào những năm đầu của thế kỷ 20, có quy mô lớn nhất Đông Dương thời kỳ đó.

Những công trình xưa và nay làm rạng rỡ Thủ đô Hà Nội- Ảnh 4.

Ga Hà Nội là một trong những cơ sở đầu tiên quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp quản từ Pháp. Nhà ga này vẫn nhộn nhịp những chuyến tàu khởi hành ngày đêm suốt 70 năm qua. Khách du lịch từ ga Hà Nội có thể đi nhiều tỉnh thành phía Bắc hay xa hơn theo tuyến đường sắt Bắc - Nam. Ảnh internet

Ga Hà Nội tên cũ là Ga Hàng Cỏ, là một nhà ga xe lửa lớn của Việt Nam nằm trên các quận Hoàn Kiếm và Đống Đa, Hà Nội. Từ đây, hành khách có thể làm thủ tục mua vé tàu hỏa đi các tuyến trong nước.

Những công trình xưa và nay làm rạng rỡ Thủ đô Hà Nội- Ảnh 5.

Nhà hát Lớn Hà Nội - một công trình gắn bó với lịch sử cách mạng Việt Nam. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Nhà hát Lớn Hà Nội không chỉ là công trình kiến trúc đồ sộ được xây dựng từ thời Pháp, nhà hát Lớn Hà Nội còn là nơi diễn ra và chứng kiến hàng loạt sự kiện trọng đại của đất nước.

Nằm ở vị trí trung tâm thành phố, Nhà hát Lớn Hà Nội không chỉ là công trình mang kiến trúc Pháp tuyệt đẹp, mà còn là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước.

Chiều 17/8/1945, tại đây, cờ đỏ sao vàng tung bay và bài Tiến quân ca vang lên trong cuộc mít tinh khởi sự cho ngày cướp chính quyền 19/8; Cũng chính nơi đây, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập nhóm họp và thông qua Hiến pháp năm 1946...

Nhà Hát lớn cũng là nơi vang lên hồi còi báo hiệu lễ thượng cờ lịch sử vào 15h ngày 10/10/1954. Đây là một trong những trung tâm văn hóa quan trọng của Thủ đô, thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật. Nhà hát Lớn Hà Nội được khởi công từ năm 1901, hoàn thành vào năm 1911.

Những công trình xưa và nay làm rạng rỡ Thủ đô Hà Nội- Ảnh 6.

Ủy ban Quân - Chính ra mắt nhân dân Hà Nội tại Nhà hát Lớn vào năm 1954. Ảnh: Tư liệu

Nhà hát Lớn có diện tích 2.600 mét vuông, chiều dài công trình là 87mét, chiều rộng 30 mét và cao 34 mét. Mặt trước Nhà hát có bậc thềm rộng nhìn ra quảng trường Cách mạng tháng Tám.

Điểm nhấn ở tầng 2 là Phòng gương hay còn gọi là phòng Khánh tiết. Đây là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng, lễ ký kết các văn kiện của Chính phủ hay đón tiếp các nguyên thủ quốc gia và các nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới như: Tổng thống Nga V.Putin, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Nhà Vua và Hoàng hậu Thụy Điển, Chủ tịch Microsoft Bill Gates...

Những công trình xưa và nay làm rạng rỡ Thủ đô Hà Nội- Ảnh 7.

Chợ Đồng Xuân, nơi đoàn quân tiếp quản Thủ đô đã đi qua để tiến về hội quân tại Thành cổ Hà Nội. Ngày nay, chợ Đồng Xuân là nơi giao thương tấp nập của các thương lái không chỉ của Hà Nội mà cả nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Những công trình xưa và nay làm rạng rỡ Thủ đô Hà Nội- Ảnh 8.

Sáng 10/10/1954, các cánh quân của Quân đội nhân dân Việt Nam từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô được giải phóng trong rừng cờ hoa đón chào của người dân Hà Nội. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Những công trình xưa và nay làm rạng rỡ Thủ đô Hà Nội- Ảnh 9.

Hàng vạn người dân Hà Nội tràn ra đường chào đón đoàn quân chiến thắng về giải phóng Thủ đô. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Những công trình xưa và nay làm rạng rỡ Thủ đô Hà Nội- Ảnh 10.

Khu vực Hồ Hoàn Kiếm, trục đường Hàng Bài - Đinh Tiên Hoàng, nơi cánh quân phía Nam của Đại đoàn 308 đi qua trong buổi sáng 10/10/1954 vào tiếp quản Thủ đô. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Những công trình xưa và nay làm rạng rỡ Thủ đô Hà Nội- Ảnh 11.

Cột cờ Hà Nội là "chứng nhân lịch sử" của Thủ đô qua từng năm tháng. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Những công trình xưa và nay làm rạng rỡ Thủ đô Hà Nội- Ảnh 12.

Một đơn vị của Trung đoàn Thủ đô với lá cờ "Quyết chiến, quyết thắng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng tham dự Lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày giải phóng Thủ đô, diễn ra tại sân Cột Cờ ngày 10/10/1954. Ảnh: Tư liệu

Những công trình xưa và nay làm rạng rỡ Thủ đô Hà Nội- Ảnh 13.

Người dân hân hoan hướng về lá quốc kỳ tung bay trên Cột cờ Hà Nội trong ngày Thủ đô được giải phóng, ngày 10/10/1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Những công trình xưa và nay làm rạng rỡ Thủ đô Hà Nội- Ảnh 14.

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ (bên phải), Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố và bác sỹ Trần Duy Hưng (bên trái), Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính cùng các đơn vị thuộc Đại đoàn 308 tiếp quản Hà Nội tiến hành nghi lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày giải phóng Thủ đô, diễn ra tại sân Cột Cờ (nay là Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long) vào lúc 15 giờ ngày 10/10/1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Những công trình xưa và nay làm rạng rỡ Thủ đô Hà Nội- Ảnh 15.

Đoan Môn là một trong những cổng chính dẫn vào Cấm thành. Di tích nằm ở hướng Nam của điện Kính Thiên thẳng trục với Cột Cờ Hà Nội. Trải qua thăng trầm lịch sử, Hoàng Thành Thăng Long vẫn là địa điểm du lịch thu hút khách trong và ngoài nước. Ảnh internet

Những công trình nay làm rực rỡ Thủ đô

Thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), dịp này, nhiều công trình được hoàn thành, đưa vào sử dụng mang ý nghĩa tiếp nối thành tựu của thành phố, tạo diện mạo mới khang trang, hiện đại cho đô thị nghìn năm tuổi và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong thời gian tới.

Điển hình là Cung Thiếu nhi Hà Nội - một trong những công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2020-2025, đã khánh thành, là một trung tâm hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao của thiếu niên, nhi đồng Thủ đô.

Những công trình xưa và nay làm rạng rỡ Thủ đô Hà Nội- Ảnh 16.

Cung thiếu nhi Hà Nội được xây dựng với kiến trúc gần gũi với thiên nhiên, bằng các đường cong là điểm nhấn. Công trình cũng được trang bị nhiều thiết bị tự động thông minh, thoải mái và thuận tiện cho các hoạt động học tập và giải trí của trẻ em. Ảnh: HNM

Quận Ba Đình vừa tổ chức gắn biển công trình cải tạo hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị khu vực hồ Ngọc Khánh và phụ cận chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Khi đi vào hoạt động, phố đi bộ hồ Ngọc Khánh và phụ cận sẽ là tuyến phố đi bộ thứ 7 trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Những công trình xưa và nay làm rạng rỡ Thủ đô Hà Nội- Ảnh 17.

Công trình cải tạo hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị khu vực hồ Ngọc Khánh và phụ cận được UBND quận Ba Đình phê duyệt có diện tích khoảng 3,6ha, chiều dài khoảng 1.000m, nằm trên địa bàn phường Ngọc Khánh. Ảnh internet

Với cơ sở vật chất tốt, Nhà thi đấu đa năng huyện Đông Anh đủ tiêu chuẩn tổ chức các sự kiện thể thao lớn của huyện và thành phố Hà Nội.

Những công trình xưa và nay làm rạng rỡ Thủ đô Hà Nội- Ảnh 18.

Phối cảnh Nhà thi đấu đa năng thuộc Dự án Xây dựng khu cây xanh thể dục thể thao Đông Anh

Những công trình xưa và nay làm rạng rỡ Thủ đô Hà Nội- Ảnh 19.

Công trình trụ sở Quận ủy, HĐND và UBND quận Cầu Giấy với 185 phòng chức năng, 2 hội trường, 9 phòng họp trực tuyến, đáp ứng nhu cầu làm việc của cán bộ, công chức, người lao động và phục vụ nhân dân đến giao dịch

Những công trình xưa và nay làm rạng rỡ Thủ đô Hà Nội- Ảnh 20.

Bệnh viện Nhi Hà Nội với hệ thống thiết bị được đầu tư đồng bộ, hiện đại sẽ giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Ảnh: Báo Lao động

Ngày 9/10, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ khánh thành và gắn biển công trình Bệnh viện Nhi Hà Nội.

Dự án xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội được thành phố xác định là một trong những công trình trọng điểm của Thành phố Hà Nội được đầu tư trong giai đoạn 2020 - 2025 với mục tiêu xây dựng một bệnh viện chuyên khoa nhi chất lượng cao, công nghệ kỹ thuật tiên tiến và chuyên sâu. Sau gần 2 năm chuẩn bị và thi công dự án, công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024).

Bệnh viện Nhi Hà Nội với quy mô 200 giường bệnh, có 24 khoa phòng, trong đó có 8 phòng chức năng và 16 khoa chuyên môn: 11 khoa lâm sàng và 5 khoa cận lâm sàng. Dự kiến đáp ứng tất cả các chuyên khoa sâu trong lĩnh vực nhi khoa, từ nội khoa đến ngoại khoa.

Những công trình xưa và nay làm rạng rỡ Thủ đô Hà Nội- Ảnh 21.

Tuyến đường mới nối từ đường Nguyễn Văn Cừ đến khu tái định cư Ngọc Thụy (quận Long Biên) góp phần đồng bộ hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Những công trình xưa và nay làm rạng rỡ Thủ đô Hà Nội- Ảnh 22.

Tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội đã hoàn thành đoạn trên cao, chính thức khai thác thương mại từ ngày 8/8 cũng là một trong những công trình tiêu biểu kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh: Báo Xây dựng

Ngoài ra còn rất nhiều công trình về y tế, giáo dục, văn hóa... cấp thành phố, cấp quận, huyện cũng được triển khai để chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Thùy Chi

Top