Những đóng góp thầm lặng của lực lượng Công an Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ

27/04/2025 8:05 AM

(Chinhphu.vn) - Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ nhưng anh dũng, cùng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, lực lượng Công an nhân dânThủ đô đã nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu và chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Những đóng góp thầm lặng của lực lượng Công an Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ- Ảnh 1.

Cảnh sát PCCC kiên cường dập tắt đám cháy tại Tổng kho xăng Đức Giang

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong khúc khải hoàn ấy, bên cạnh những đơn vị chủ lực xung kích trên chiến trường, có một lực lượng kiên cường chiến đấu ngay giữa lòng Thủ đô - nơi cũng từng là chiến địa của những trận bom hủy diệt - đó là Công an Hà Nội, lực lượng giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, là chốt chặn thầm lặng nhưng bền bỉ cho hậu phương lớn miền Bắc.

Một trong những điểm son trong lịch sử Công an Hà Nội chính là vai trò chi viện cho miền Nam ruột thịt. Ngay từ năm 1957-1958, đã có những cán bộ đầu tiên lên đường. Đặc biệt, năm 1967, chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, Công an Hà Nội đã cử 101 cán bộ, đảng viên vào chiến trường, chiến đấu tại các thành phố trọng điểm như Huế, Sài Gòn, Cần Thơ.

Đến tháng 3 và 4 năm 1975, giữa lúc cao trào Tổng tiến công mùa Xuân, Hà Nội tiếp tục chi viện 633 cán bộ Công an, trong đó có nhiều đồng chí là trưởng, phó phòng, lãnh đạo Công an khu, huyện. Tính trong toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, đã có 815 cán bộ Công an Hà Nội trực tiếp chiến đấu tại chiến trường miền Nam, trong đó gần 100 đồng chí đã anh dũng hy sinh, góp phần làm nên thắng lợi trọn vẹn của dân tộc.

Những đóng góp ấy không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là lời khẳng định mạnh mẽ về tình đoàn kết Bắc - Nam, nghĩa tình Thủ đô - tiền tuyến, là minh chứng sinh động cho khẩu hiệu hành động: "Tất cả vì miền Nam ruột thịt".

Lực lượng PCCC Hà Nội không ngừng lập nên những chiến công thầm lặng nhưng kiên cường

Sau ngày giải phóng Thủ đô (11/10/1954), Sở Công an Hà Nội chính thức tiếp quản Đội Cứu hỏa thuộc Sở Giao thông công chính. Đến tháng 12/1954, "Đại đội cứu hỏa Hà Nội" ra đời - là tiền thân của lực lượng Cảnh sát PCCC Thủ đô. Khi ấy, lực lượng chỉ có 60 cán bộ, chiến sĩ với vài xe chữa cháy cũ kỹ, phương tiện thiếu thốn, nhưng tinh thần thì luôn rực cháy nhiệt huyết.

Khi đế quốc Mỹ phát động chiến tranh phá hoại miền Bắc, Hà Nội trở thành một trong những trọng điểm đánh phá. Bom đạn trút xuống không chỉ nhằm vào cơ sở quân sự mà cả những khu dân cư, kho tàng, bến bãi - những nơi nhạy cảm, dễ bắt lửa. Trước tình hình đó, lực lượng PCCC Công an Hà Nội không chỉ làm nhiệm vụ chữa cháy mà còn đảm trách nhiệm vụ phòng không nhân dân, bảo vệ an toàn cho cả Thành phố.

Bằng sự chủ động và sáng tạo, Sở Công an Hà Nội đã tổ chức thực tập chữa cháy theo các tình huống khẩn cấp; tăng cường phối hợp với cơ quan, xí nghiệp, đơn vị quân đội và các tổ chức quần chúng để nâng cao năng lực phòng cháy tại chỗ. Với phương châm "tích cực phòng cháy, sẵn sàng chữa cháy", hàng ngàn đội viên nghĩa vụ đã được thành lập, huấn luyện bài bản và tham gia hàng trăm vụ chữa cháy quy mô lớn nhỏ.

Trong suốt thời kỳ ác liệt nhất của cuộc chiến tranh phá hoại, đã có hơn 700 vụ cháy được xử lý, trong đó lực lượng nghĩa vụ tham gia chữa cháy chiếm tới 73,5%. Tiêu biểu là trận chiến chữa cháy kho xăng Đức Giang (29/6/1966) – một trong những trận chiến chống "giặc lửa" oanh liệt và cam go nhất. 12 xe chữa cháy, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và dân phòng đã chiến đấu liên tục suốt 17 giờ, dập tắt đám cháy khổng lồ, cứu được 23 triệu lít xăng - tài sản chiến lược quan trọng của đất nước. Cũng trong trận này, hai chiến sĩ Trần Ẩn và Nguyễn Văn Ngữ đã anh dũng hy sinh, trở thành những tấm gương bất tử trong lòng nhân dân.

Suốt những năm tháng bom đạn, lực lượng PCCC Hà Nội không ngừng lập nên những chiến công thầm lặng nhưng kiên cường: dập lửa ở ga Yên Viên, Việt Hùng, Uy Nỗ; bảo vệ kho đạn Cổ Loa, kho xăng Nội Bài, kho thiết bị Đông Anh; đồng thời chi viện chữa cháy ở Lạng Sơn, Quảng Ninh. Trong 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không" (tháng 12/1972), lực lượng PCCC đã dũng cảm lao vào tâm điểm bom đạn, cứu được hàng trăm tấn đạn, thuốc hóa học, hàng hóa có giá trị lớn.

Những đóng góp thầm lặng của lực lượng Công an Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ- Ảnh 2.

Hình ảnh cán bộ chiến sĩ Đội PCCC Lộc Hà kịp thời dập tắt đám cháy do bom Mỹ gây ra

Hình ảnh người lính cứu hỏa trong màu áo chiến binh, tay cầm vòi rồng, ánh mắt kiên định giữa màn khói lửa chiến tranh, đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ của lòng dũng cảm và đức hy sinh. Những tấm gương sáng ấy đã được ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến công các hạng, Huân chương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Thư khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hàng loạt phần thưởng của Nhà nước, Chính phủ, Bộ Công an và thành phố Hà Nội.

Không chỉ là người lính trên mặt trận lửa, lực lượng PCCC Công an Hà Nội còn là những người truyền lửa. Họ tích cực tuyên truyền pháp luật về PCCC, hướng dẫn kỹ năng phòng cháy cho từng cơ sở, khu dân cư, xí nghiệp… Từ trong khói lửa chiến tranh, họ đã hun đúc nên truyền thống tốt đẹp: "phòng cháy giỏi, chữa cháy nhanh, cứu người kịp thời, giữ vững bình yên cho Nhân dân".

Ngày hôm nay, trong thời bình, những bài học quý báu từ quá khứ vẫn còn nguyên giá trị. Phát huy truyền thống anh hùng, lực lượng Cảnh sát PCCC Thủ đô tiếp tục là nòng cốt trong công cuộc giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho người dân trong thời đại mới. Những cống hiến lặng thầm ấy sẽ mãi được khắc ghi trong lòng dân tộc – như ngọn lửa không bao giờ tắt giữa lòng Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Những đóng góp thầm lặng của lực lượng Công an Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ- Ảnh 3.

Phân luồng giao thông

Giữ vững mạch máu giao thông trong mưa bom, bão đạn

Cùng lực lượng PCCC Công an Hà Nội, trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ nhưng anh dũng, cùng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, lực lượng Công an nhân dân đã nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu và chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Hòa trong dòng chảy cách mạng ấy, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an Thủ đô - với tinh thần "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ" - đã lập nên nhiều chiến công thầm lặng mà oanh liệt, góp phần giữ vững mạch máu giao thông, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn miền Bắc XHCN, chi viện kịp thời cho tiền tuyến lớn miền Nam anh hùng.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước - không chỉ là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa mà còn là hậu phương chiến lược, trực tiếp góp phần chi viện sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt. Bảo đảm trật tự an toàn giao thông, duy trì thông suốt huyết mạch giao thông đường bộ trong lòng Thủ đô và các tuyến vận tải chiến lược là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cũng đầy cam go đối với lực lượng Cảnh sát giao thông Thủ đô.

Ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến, CSGT Hà Nội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng, tăng cường tuần tra, kiểm soát, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, bảo đảm an toàn cho các đoàn xe quân sự, xe vận tải, xe chở thương binh - bệnh binh - lương thực - đạn dược chi viện cho chiến trường. CSGT Thủ đô vừa thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về trật tự giao thông, vừa tích cực tham gia bảo vệ các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, các công trình trọng điểm, các tuyến đường huyết mạch và bến bãi trung chuyển quan trọng.

Những đóng góp thầm lặng của lực lượng Công an Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ- Ảnh 4.

Lực lượng Cảnh sát sử dụng chó nghiệp vụ kiểm tra an toàn trước giờ tàu chuyển bánh.

Đặc biệt, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, Thủ đô Hà Nội trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của không quân Mỹ. Trong những ngày đêm Hà Nội rung chuyển bởi bom đạn, lực lượng CSGT vẫn kiên cường bám trụ trên các tuyến phố, các trục giao thông chính, bất chấp nguy hiểm, trực tiếp làm nhiệm vụ chỉ huy điều khiển giao thông, hướng dẫn người dân sơ tán, cứu nạn, khắc phục hậu quả sau các trận đánh phá, góp phần giữ vững trật tự, an toàn và ổn định tình hình.

Một trong những hình ảnh tiêu biểu, in đậm trong ký ức của người dân Thủ đô là hình ảnh các chiến sĩ CSGT kiên cường đứng gác, điều tiết giao thông tại ngã tư Tràng Tiền - Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng trong khói bụi bom đạn; hay hình ảnh các tổ CSGT dẫn đoàn xe quân sự vượt qua màn khói pháo sáng, vượt sông Hồng qua cầu Long Biên để chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam.

Không chỉ làm nhiệm vụ trên mặt đất, trong những năm kháng chiến, lực lượng CSGT đường thủy Công an Hà Nội cũng phát huy vai trò đặc biệt quan trọng trong bảo vệ các tuyến giao thông đường sông, tổ chức dẫn tàu, phà, đảm bảo an toàn cho hoạt động vận tải quân sự - dân sự qua sông Hồng, sông Đuống. Những chiến công thầm lặng của họ đã góp phần bảo đảm hậu phương Hà Nội luôn là điểm tựa vững chắc cho tiền tuyến.

Những đóng góp thầm lặng của lực lượng Công an Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ- Ảnh 5.

Cảnh sát tổ Cầu phà bến Chèm hướng dẫn nhân dân tuân thủ trật tự giao thông, năm 1972

Những đóng góp thầm lặng mà to lớn của lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an Hà Nội trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đã trở thành một phần không thể tách rời của lịch sử Thủ đô anh hùng. Với tinh thần "vì nhân dân phục vụ", họ không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữa lửa bom, khói đạn. Những hình ảnh đẹp đẽ, kiên cường của người chiến sĩ Cảnh sát Giao thông năm xưa đã khắc sâu vào tâm trí nhân dân, trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời bình và thời chiến.

Chiến thắng 30/4 là chiến thắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó có phần máu xương, công lao thầm lặng của lực lượng Công an Thủ đô. Từ những ngày đầu tiếp quản Hà Nội, giữ gìn trật tự, phát hiện gián điệp đến chiến đấu dưới mưa bom và cuối cùng là chi viện miền Nam - Công an Hà Nội đã khẳng định vai trò "lá chắn sống" bảo vệ Thủ đô, góp phần viết nên trang sử chói lọi của dân tộc.

Ngày hôm nay, những bài học từ quá khứ ấy tiếp tục được kế thừa, phát huy, là nền tảng để lực lượng Công an thành phố Hà Nội không ngừng đổi mới, vững vàng bảo vệ bình yên cho Thủ đô trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Hà Trang - Trung Kiên

Top