Những nông dân làm kinh tế giỏi

18/03/2024 7:47 PM

(Chinhphu.vn) - Dù vất vả nhưng những người nông dân vẫn đang hàng ngày cần cù lao động, chịu thương chịu khó để tạo ra của cải vật chất, phát triển kinh tế gia đình. Và trong quá trình ấy, những lão nông dân vẫn đang là viên gạch nối để cho các thế hệ phát triển, ứng dụng công nghệ, tạo hiệu quả kinh tế cao trên đồng đất quê hương, giúp quê hương đổi thay từng ngày trong thời đại 4.0.

Những nông dân làm kinh tế giỏi- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Thanh, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì bên vườn ươm giống. Ảnh: VGP/TT

Đến với xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, không ai không biết đến ông Nguyễn Văn Thanh với biệt danh "Tập đoàn cây con giống Thanh Cổ Đô". Tại đây, du khách và người làm nông nghiệp có thể tìm thấy rất nhiều giống cây siêu độc, lạ được ông tìm tòi, đưa về từ khắp mọi miền quê Việt Nam và tới từ một số quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan… Tại trang trại của ông, hiện đang có khoảng trên 300 giống cây ăn trái các loại để cho bà con khắp các tỉnh thành trong cả nước lựa chọn phát triển, cho ra những hoa thơm trái ngọt, nâng cao giá trị kinh tế cho gia đình.

Đối với ông Nguyễn Gia Sự, thôn 3, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, trên diện tích hơn 1 ha, ông Sự đã đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi hơn 5.000 con gà thương phẩm. Diện tích còn lại, ông và gia đình phát triển chăn nuôi hươu, nai, đà điểu, làm mô hình vườn ao chuồng… Vượt qua những biến động của thị trường, từ sự nhanh nhạy và cần cù của bản thân, mỗi năm trang trại của gia đình ông cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm, tạo nên một cuộc sống sung túc, đủ đầy từ phát triển nông nghiệp.

Toàn huyện Ba Vì hiện có trên 51.000 hội viên người cao tuổi, trong đó có trên 14.000 hội viên người cao tuổi đang tham gia phát triển kinh tế. Ông Chu Đức Tính, Phó Chủ tịch Hội Người Cao tuổi huyện Ba Vì cho biết, toàn huyện có 13 mô hình kinh tế tiêu biểu do hội viên người cao tuổi làm chủ. Đó là những lão nông tiêu biểu cho phong trào tuổi cao, trí sáng của Hội Người cao tuổi huyện Ba Vì.

Những nông dân làm kinh tế giỏi- Ảnh 2.

Vườn giống cây ăn trái của ông Nguyễn Văn Thanh có nhiều loại cây đặc sản, độc đáo mang giá trị kinh tế cao. Ảnh: VGP/TT

Có thể thấy, dù đã qua cái tuổi xưa nay hiếm đáng được nghỉ ngơi, yên vui cùng con cháu thì vẫn có những lão nông nặng tình với đồng ruộng, với nghề truyền thống của địa phương và gắn bó với hoạt động xã hội. Với suy nghĩ còn khỏe còn cống hiến, những người nông dân này vẫn ngày ngày miệt mài tạo ra của cải đóng góp cho xã hội, đây cũng là động lực để họ sống lạc quan với niềm vui lao động.

Ông Lưu Trường Sơn, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa vốn đã quen với việc đồng áng. Đã ở cái tuổi " xưa nay hiếm", ông Sơn vẫn thuê hơn 10 mẫu diện tích mặt nước của xã để xây chuồng trại chăn nuôi vịt kết hợp nuôi cá thương phẩm. Quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, luôn chân luôn tay không ngơi nghỉ, ông đang chăm hơn 2.000 con vịt đẻ trứng và hàng ngày cho cá ăn. Qua bàn tay lao động cần cù, mỗi năm từ trang trại đem cho ông Sơn thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

Với ông Nguyễn Văn Thìn, chủ của Công ty Xuất khẩu Thành Long, xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa, từ một giáo viên quân đội và vì cái nghiệp với quê hương, ông Thìn đã trở về địa phương tham gia phát triển làng nghề. Sau khi khảo sát thị trường, xem các mặt hàng mà các nước Châu Á, Tây Âu và Châu Mỹ La tinh ưa chuộng, ông Nguyễn Văn Thìn cũng đã đa dạng mẫu mã sản phẩm, sản xuất các mặt hàng gia dụng hàng ngày đến các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đòi hỏi kỹ thuật cao giá trị lớn, đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Và dù năm nay kinh tế gặp nhiều khó khăn, đơn hàng ít hơn nhưng nguồn thu nhập từ xuất khẩu vẫn giúp Công ty của ông duy trì được công ăn việc làm cho 60 lao động, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.

Bằng tình yêu và nhiệt huyết với xã hội nên dù tuổi đã cao nhưng những lão nông ấy vẫn hàng ngày gắn bó với công việc lao động, gắn bó với công tác xã hội của địa phương. Bình dị, hiền hòa, hàng ngày họ vẫn âm thầm tạo ra của cải, việc làm đóng góp cho quê hương ngày càng phát triển.

Thiện Tâm

Top