Những xung lực tác động đến tăng trưởng bất động sản Hà Nội trong những tháng cuối năm
(Chinhphu.vn) – Mặc dù phải chịu sự ảnh hưởng nặng nề từ đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, thị trường bất động sản Hà Nội vẫn ổn định và xuất hiện những xung lực mới, tạo động lực tác động tới đà tăng trưởng cho lĩnh vực này vào những tháng cuối năm.
Ảnh: Thùy Chi |
Thị trường bất động sản tăng trưởng trong một số lĩnh vực
Trong 6 tháng đầu năm, thị trường bất động sản tại Hà Nội đã có những dấu hiệu khả quan, tăng trưởng trong một số lĩnh vực nhất định. Bất động sản vùng ven cho thấy nguồn cung mạnh mẽ, chất lượng dự án căn hộ được cải thiện, giao dịch biệt thự và nhà liền kề tăng… tạo ra những xung lực để bất động sản Hà Nội tăng trưởng trong những tháng cuối năm.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội cho biết, thị trường Thủ đô đang có các điểm nóng đầu tư ở vùng ven với cơ sở hạ tầng phát triển, một số dự án lớn và các chủ đầu tư uy tín. Thậm chí có những chủ đầu tư đang tìm kiếm các cơ hội phát triển để bắt nhịp tăng trưởng trong 5 năm, thậm chí là 10 năm tới của thị trường bất động sản.
Việc dịch COVID-19 bùng phát và vẫn đang diễn biến phức tạp khiến các nhà đầu tư chú ý đến bất động sản vùng ven. Đây là phản ứng trực tiếp đối với sự bùng phát dịch COVID-19, tạo ra xu hướng rời xa các thành phố với mật độ dân cư cao cũng như tính thuận tiện của xu thế làm việc ở nhà mang lại. Một điểm đáng lưu ý là thị trường Hà Nội đang ghi nhận xu hướng mở rộng sang vùng ven, song việc dịch chuyển ra vùng ven tại thị trường Hà Nội không bị tác động nhiều bởi dịch bệnh mà là do các yếu tố về giá cả và hạ tầng. Yếu tố về cơ sở hạ tầng phát triển cùng với sự xuất hiện của các trung tâm thương mại lớn đã thúc đẩy giá trị của bất động sản vùng ven, với giá thành hợp lý cùng với điều kiện sống mang lại không gian sống trong lành, đáng sống.
Trong xu hướng bất động sản mở rộng ra vùng ven, khu vực nội đô cũng ghi nhận một xu hướng phát triển mới - bất động sản nhà ở có thương hiệu. Đề án quy hoạch nội đô lịch sử và giảm dân số sinh sống trong khu vực nội đô đã phần nào tác động đến việc phát triển nhà ở khu vực ngoài trung tâm.
Đồng thời, đề án này cũng tạo tiền đề cho việc cải tạo, nâng cấp không gian và chất lượng nhà ở tại khu vực nội đô trong thời gian tới, thông qua việc phát triển dòng sản phẩm mới như nhà ở có thương hiệu với chất lượng cao cho khu vực này. Dữ liệu Báo cáo Tổng quan Thị trường 6 tháng đầu năm 2021 của Savills Việt Nam cho thấy, tính đến nay, Hà Nội có hai dự án căn hộ được vận hành bởi các thương hiệu quản lý với nguồn cung 500 căn, giá chào bán sơ cấp trong khoảng từ 2.000 USD/m2 tới 7.000 USD/m2.
Trong quý 2/2021 được nhận định là quý thứ 10 liên tiếp giá bán sơ cấp căn hộ tại Hà Nội tăng. Lý do cụ thể của việc tăng giá này cũng phải kể đến việc cơ sở hạ tầng được phát triển, và quan trọng hơn là chất lượng dự án được cải thiện. Ngoài ra, nguồn cung biệt thự và nhà liền kề cũng cho thấy sự gia tăng đáng kể, thậm chí là ghi nhận mức tăng lớn, nhờ những vấn đề pháp lý đã được giải quyết trong thời gian qua. “Trong thời gian tới, dự kiến khoảng 2.100 căn nhà ở thấp tầng sẽ được mở bán. Đối với riêng thị trường biệt thự và nhà liền kề, chúng tôi nhận thấy thị trường Hà Nội vẫn có sức hấp dẫn trong 6 tháng cuối năm", bà Hằng nhận định.
Thị trường cuối năm đang chờ cơ hội để bật dậy
Theo các chuyên gia bất động sản, dự kiến từ nay đến cuối năm, triển vọng thị trường bất động sản phụ thuộc vào tình hình khống chế dịch bệnh và tiến độ tiêm vaccine. Không riêng gì thị trường bất động sản, các lĩnh vực khác cũng đều đang trong trạng thái hồi hộp chờ diễn biến tiếp theo của đợt dịch lần này. Từ nay đến cuối năm, thị trường bất động sản ở Hà Nội vẫn khó đoán, sẽ không còn cảnh sốt đất ảo xảy ra và nếu dịch COVID-19 được kiểm soát, thị trường từ nay đến cuối năm sẽ bật dậy.
Báo cáo mới đây của Savills Việt Nam cho thấy nhận định, trong 6 tháng cuối năm, những tác động của COVID-19 vẫn sẽ ảnh hưởng tới thị trường bất động sản, dẫn đến sự phát triển không đồng đều giữa các phân khúc bất động sản và dự án. Trong đó, bất động sản công nghiệp sẽ giữ vị thế một trong những phân khúc có triển vọng phát triển tốt nhất. Đà tăng trưởng của địa ốc công nghiệp vẫn hưởng lợi từ các thương vụ mua bán và sáp nhập. Bên cạnh đó, thị trường được kỳ vọng tiếp tục đón nhiều nhu cầu mới, đặc biệt tại các khu vực kinh tế triển vọng.
Với bất động sản nhà ở, nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường có đánh giá lạc quan hơn, song cũng cho thấy những mảnh ghép trái chiều giữa các loại hình sản phẩm. Trong đó, Savills cho rằng, tâm điểm trong nửa cuối năm sẽ là bất động sản hàng hiệu, đặc biệt khi Việt Nam thuộc nhóm các thị trường tăng trưởng tốt trên thế giới ở dòng này. Dự kiến, thị trường Hà Nội và TPHCM sẽ còn đón thêm các dự án này.
Riêng phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, về mặt thanh khoản, các đơn vị nghiên cứu chưa đưa ra những nhận định sáng hơn, song cũng chỉ ra những bước đi chắc chắn hơn trong thời gian tới. Savills Việt Nam cho rằng, thị trường sẽ ghi nhận những tín hiệu khả quan nhất định trong nửa cuối năm nay khi các chủ đầu tư đã lựa chọn cẩn thận hơn các nhà điều hành uy tín cho các dự án nghỉ dưỡng cao cấp hơn là chỉ đầu cơ cho các dự án căn hộ khách sạn (condotel) như giai đoạn trước. Dữ liệu của Batdongsan.com.vn cũng ghi nhận điểm sáng đến từ phân khúc đất nhà vườn, trang trại, nghỉ dưỡng ven đô, xuất phát từ làn sóng "bỏ phố về quê" khi dịch bệnh xuất hiện.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, nếu quý III năm nay khống chế được dịch bệnh thì đến quý IV thị trường bất động sản sẽ phục hồi dần dần, không nhiều khoảng 20%-30%.
Dịch bệnh khiến các giao dịch giảm nhưng giá nhà, đất không giảm khi thị trường đang hình thành một mặt bằng giá mới với các dự án bất động sản đủ các cơ sở pháp lý. Giá tại một số dự án tăng lên 15%-20% trong thời gian ngắn là cao, tuy nhiên khả năng tiêu thụ sản phẩm của các dự này không tốt.
Ông Nguyễn Văn Đính nhận định, giá sẽ không giảm khi áp lực đầu vào của bất động sản đang tăng. Lạm phát ở nhiều mặt hàng, giá đất đền bù giải phóng mặt bằng cao khi giá đất ở các địa phương đang được điều chỉnh tăng 10%-15%, vật liệu xây dựng tăng giá từ 40 - 50% nên giá nhà, đất chắc chắn không giảm. Tuy nhiên, giá bất động sản tăng cao thì thị trường sẽ không hấp thụ khi nền kinh tế suy yếu khi bị ảnh hưởng nhiều của dịch bệnh. Do đó, thị trường sẽ phải căn chỉnh phù hợp với lực cầu mặc dù cung trên thị trường bất động sản đang thiếu hụt.
Thùy Chi