Nỗ lực phát triển Vùng Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ mới
(Chinhphu.vn) - Với nhiều tiềm năng, thế mạnh nổi trội, TP. Hà Nội đang nỗ lực phát triển Vùng Thủ đô trong thời kỳ mới. Đích đến là giúp Hà Nội hội tụ đầy đủ các điều kiện để trở thành đầu tàu, dẫn dắt, thúc đẩy Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Hà Nội - động lực thúc đẩy phát triển Vùng Thủ đô và cả nước
Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, văn hóa và xã hội mà còn là động lực kinh tế quan trọng bậc nhất cho khu vực phía Bắc, vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và của cả nước. Với vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng hiện đại và phát triển, cùng với sự hội tụ của các nguồn lực kinh tế, Hà Nội đang đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.

Hà Nội khẳng định vai trò đầu tàu trong liên kết Vùng Thủ đô. Ảnh minh họa
Nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng giúp Hà Nội trở thành động lực phát triển kinh tế vùng là việc đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng và quá trình đô thị hóa nhanh chóng.
Bên cạnh đó, các công trình hạ tầng giao thông quy mô lớn, bao gồm các mạng lưới đường bộ, đường sắt, cảng hàng không đã và đang được đầu tư mạnh tại Hà Nội không chỉ cải thiện giao thông trong nội đô, mà còn kết nối Hà Nội với các tỉnh lân cận, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và người dân.
Ngoài ra, các dự án hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, các trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển… cũng được đầu tư mạnh mẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và duy trì vị thế trung tâm, động lực phát triển cho Hà Nội.
Cùng với đó, quá trình đô thị hóa tại Hà Nội diễn ra nhanh chóng, với sự hình thành của các khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh và các trung tâm thương mại, dịch vụ. Quá trình này không chỉ tạo ra nhiều việc làm và cơ hội kinh doanh mới mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các khu vực xung quanh, đặc biệt là các tỉnh lân cận.
Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu đối với Hà Nội phải: "Phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển" và xác định: "Phát triển Thủ đô Hà Nội Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần "Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước".
Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định: "Xây dựng các chính sách để tăng cường liên kết, phối hợp giữa Thủ đô, các tỉnh trong vùng Thủ đô trên các lĩnh vực trọng điểm, có tính chất liên kết vùng để huy động, sử dụng, phân bổ hợp lý, hiệu quả mọi nguồn lực, hướng tới xây dựng, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của cả nước, tháo gỡ các vướng mắc về chính sách tạo động lực để huy động vốn đầu tư cho vùng Hà Nội và vùng TPHCM".
Để Hà Nội chủ động liên kết, dẫn dắt Vùng Thủ đô, tạo hiệu ứng lan tỏa, tương xứng với tiềm năng và vị thế vốn có, Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định việc liên kết, phát triển vùng của thành phố Hà Nội không chỉ giới hạn trong phạm vi 10 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Vùng Thủ đô như hiện nay, mà còn bao hàm cả việc liên kết, phát triển với các địa phương khác trong Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng trung du miền núi phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác.
Luật Thủ đô 2024 quy định, TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng động lực phía Bắc có trách nhiệm liên kết, phát triển theo các chương trình, dự án phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hệ thống quy hoạch quốc gia. Trong đó, Thủ đô Hà Nội được xác định là trung tâm, động lực thúc đẩy liên kết, phát triển, là cực tăng trưởng của vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng động lực phía Bắc và của cả nước (khoản 1 Điều 44).
Luật quy định 04 nguyên tắc, phát triển vùng, trong đó có nguyên tắc thực hiện phối hợp, liên kết phát triển thông qua kế hoạch, chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và nguyên tắc việc chủ trì tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án cụ thể được giao cho địa phương có nhiệm vụ, quyền hạn liên quan hoặc chịu tác động nhiều nhất đến lĩnh vực, nhiệm vụ cần phối hợp, liên kết (khoản 2 Điều 44).
Cần có cơ chế cho phép thí điểm mô hình quản trị Vùng Thủ đô Hà Nội
Theo các chuyên gia, muốn Hà Nội trở thành đầu tầu, phát triển bền vững, Hà Nội cần xác định rõ những tiềm năng, thế mạnh nổi trội. Phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm, dựa trên liên kết vùng để tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế và tương xứng với vị trí, cực tăng trưởng phát triển của vùng và cả nước.
Bên cạnh đó, Hà Nội nỗ lực thúc đẩy liên kết, phát triển, đồng thời phải thể hiện là cực tăng trưởng của vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng động lực phía Bắc và của cả nước.
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, khi các vùng đều phát triển, liên kết vùng sẽ tạo thuận lợi để Hà Nội phát triển xứng tầm là Thủ đô, là thành phố "Văn minh - Văn hiến - Hiện đại".
Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, cần thực hiện đồng bộ giải pháp, từ nâng cao nhận thức về vai trò Thủ đô, phát huy tiềm năng, thế mạnh nội tại của Thủ đô và nhất là đổi mới cơ chế chính sách, xác định được đặc thù cho Thủ đô, về huy động nguồn lực phát triển, về quản lý phát triển đô thị, tái thiết đô thị, về phân cấp, phân quyền... và bước đi cần triển khai sau Luật Thủ đô (sửa đổi), Quy hoạch chung được phê duyệt là đề xuất điều chỉnh Quy hoạch vùng Thủ đô.
TS. Lê Minh Sơn, giảng viên Khoa Kiến trúc, đô thị và khoa học bền vững, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Vùng Thủ đô Hà Nội tuy chỉ chiếm 7,4% diện tích của cả nước, song là nơi tập trung 21,1% dân số, 17% số lao động, đóng góp vào 25% kinh tế và có tốc độ tăng trưởng chung, cũng như từng khu vực kinh tế, cao hơn mức bình quân của cả nước.
Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng là mũi nhọn kinh tế toàn Vùng Thủ đô với quy mô lớn nhất, tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong 5 năm trở lại đây (so với hai khu vực còn lại) và đóng góp vào 28% khu vực công nghiệp và xây dựng của cả nước.
Theo chuyên gia, trong thực tế còn một số thách thức phát triển cho các vùng đô thị ở nước ta nói chung và Vùng Thủ đô nói riêng. Quan trọng nhất là cơ sở pháp lý cho quản lý, phát triển vùng đô thị ở nước ta còn thiếu tính thống nhất, đồng bộ. Vì vậy, TS Lê Minh Sơn khuyến nghị, cần hoàn thiện và thống nhất khuôn khổ pháp lý về Vùng Thủ đô. Điều này có ý nghĩa quan trọng nhằm thể chế hóa việc quản lý, phát triển Vùng Thủ đô, qua đó tăng sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước. Trên cơ sở đó, tạo cơ hội mở đường cho nhiều chính sách phát triển ở cấp độ Vùng Thủ đô.
Đồng thời, cần đổi mới công tác xây dựng, thu thập số liệu phục vụ nghiên cứu, quản lý phát triển Vùng Thủ đô (xây dựng, công khai hóa bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về đô thị quốc gia; đẩy mạnh việc chia sẻ dữ liệu, số liệu giữa các cơ quan; mở rộng thu thập số liệu ở các điều tra chuyên sâu).
TS. Lê Minh Sơn nhìn nhận, hiện chưa có cơ chế quản trị Vùng Thủ đô thực sự hiệu quả. Đây không phải là vấn đề mới song vẫn tồn tại nhiều lúng túng từ các cơ quan quản lý Nhà nước. Hơn nữa, đây cũng không phải vấn đề của chỉ riêng Vùng Thủ đô Hà Nội. Nhìn chung, Vùng Thủ đô Hà Nội còn là sự cộng dồn ranh giới các tỉnh lân cận để tạo ra một vùng đô thị lớn hơn, chứ chưa có một bộ máy quản trị tích hợp, hiệu quả bao quát quản lý phạm vi vùng đô thị được đặt ra.
Do vậy, TS. Lê Minh Sơn cho rằng, cần có cơ chế cho phép thí điểm mô hình quản trị Vùng Thủ đô Hà Nội trước khi ban hành; cần xây dựng hướng dẫn thống nhất về nguyên tắc quản trị vùng nói chung, và hướng tới xây dựng nguyên tắc quản trị vùng thành phố nói riêng.
"Bên cạnh đó, công tác quản trị Vùng Thủ đô cần phải tính đến tương lai dài hạn khi bản sắc phát triển không chỉ giới hạn trong phạm vi địa phương, mà trong phạm vi cấp vùng đô thị, nhất là khi các vùng đô thị đã đạt đến quy mô nhất định hoặc có vai trò trụ cột cho nền kinh tế quốc gia", TS. Lê Minh Sơn cho hay.
Thùy Chi