Nỗ lực xây dựng một Thành phố đáng sống

21/12/2022 10:01 PM

(Chinhphu.vn) - Một trong những sự kiện ấn tượng trong năm nay được nhiều trong lĩnh vực thiết kế quan tâm là Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội. Có thể khẳng định đây là một hoạt động văn hóa đầy ấn ý nghĩa góp phần khẳng định nỗ lực của Hà nội trong việc xây dựng một Thành phố sáng tạo, thành viên của mạng lưới các Thành phố sáng tạo.

Sáng tạo, nỗ lực xây dựng một Thành phố đáng sống - Ảnh 1.

Trưởng đại diện unessco và lđ sở vhtt tham quan không gian trưng bày tại Tuần lễ thiết kế sáng tạo. Ảnh: VGP/Minh Anh


Với chủ đề "Sáng tạo và công nghệ", Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022 Lễ hội do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Hà Nội (HPA), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức thành công trong năm nay là tích hợp nhiều sự kiện nghệ thuật như: Triển lãm, toạ đàm, hội thảo chuyên đề, các hoạt động văn hóa, mang nhiều yếu tố sáng tạo, tương tác, trải nghiệm, có tính giáo dục.

Trong một tuần lễ, chuỗi gồm gần 50 hoạt động trải dài tại các địa điểm quận Hoàn Kiếm như: Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật (22 Hàng Buồm), Trung tâm Thông tin Văn hoá Hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ), Nhà triển lãm (45 Tràng Tiền), Trung tâm Thông tin triển lãm (93 Đinh Tiên Hoàng), toàn bộ không gian phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm.

Không gian Kiến trúc của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội với thông điệp kết nối truyền thống với hiện đại, vừa là nơi người dân và du khách có thể tương tác và hình thành góc nhìn mới mẻ về thủ đô Hà Nội sáng tạo vừa là một sân chơi thú vị mà ai cũng mong muốn được trải nghiệm.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2022 là hoạt động thường niên thực hiện sáng kiến, cam kết với UNESCO khi Hà Nội gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo. Lễ hội có chủ đề Thiết kế & Công nghệ hướng tới việc tạo điều kiện cho người dân Hà Nội và khách du lịch trong nước, quốc tế cùng tham quan, trải nghiệm và tận hưởng không khí Lễ hội.

Đồng hành cùng Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội vừa qua, đại diện UN-Habitat (Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc) tại Việt Nam mong muốn hỗ trợ, phát huy các nguồn lực văn hoá của Hà Nội, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của cộng đồng và tài năng sáng tạo, tạo điểm nhấn cho Hà Nội ở tầm quốc gia và khu vực. Từ đây, UN-Habitat, UNESCO, Thành phố Hà Nội lan tỏa thông điệp đến nhân dân Thủ đô cùng chung tay xây dựng Hà Nội-từ thành phố vì hoà bình trở thành Thành phố Sáng tạo của UNESCO, với nhiệm vụ trọng tâm là đặt sáng tạo vào trung tâm của sự phát triển bền vững, đưa Hà Nội trở thành Thủ đô sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.

Ông Michael Croft, nguyên Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cũng nhận định, khi tham gia Mạng lưới "Các Thành phố Sáng tạo của UNESCO", Hà Nội có thể mở rộng hợp tác và trao đổi với các Thành phố Thiết kế khác như Seoul, Singapore, Kobe, Thượng Hải, Bandung trong khu vực; và các thành phố như Helsinki, Montreal, Berlin và Turino trên toàn cầu.

Tuy nhiên, với tất cả những tiềm năng có được từ việc gia nhập mạng lưới này, sự hợp lực ở cấp địa phương mới là điều quan trọng nhất với Hà Nội. Đó là lý do Kế hoạch hành động do Thành phố đệ trình - phần chủ chốt của hồ sơ, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa cộng đồng, chính phủ, các trường đại học, khu vực tư nhân và bạn bè và đối tác quốc tế để hỗ trợ việc hiện thực hóa chiến lược phát triển của Hà Nội, nhằm thúc đẩy các sáng kiến và kết nối chúng để có được cách tiếp cận tập trung và chặt chẽ.

"Hà Nội đã giương cao ngọn đuốc của nền văn hóa hòa bình trong nhiều thập kỷ và giờ đây, với danh hiệu Thành phố sáng tạo, mọi người tái khẳng định cam kết của mình đối với sự phát triển lấy con người làm trung tâm. Đó là con đường đảm bảo rằng sự phát triển của thành phố không chỉ được tính bằng các số liệu thống kê và lợi nhuận, mà còn bởi những đặc điểm tốt đẹp nhất của con người, lòng trắc ẩn và sự sáng tạo của chúng ta - những điều chúng ta được trải nghiệm mỗi ngày khi đi trên những con phố và tương tác với những người con của thành phố tươi đẹp này", ông Michael Croft khẳng định.

Tại Hội thảo Văn hoá năm 2022 với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phât triển văn hóa" được tổ chức vừa qua, đưa ra giải pháp phát triển văn hoá của Thành phố, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nêu, định vị tầm nhìn rộng để hoạch định chiến lược phát triển văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; đồng thời, đảm bảo bố trí nguồn lực đầu tư phù hợp, tạo cơ chế thuận lợi thu hút nguồn lực xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển, để Thủ đô Hà Nội xứng đáng là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, nhất là thúc đẩy mạnh mẽ việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng "Thành phố sáng tạo"- Một động lực mới, thương hiệu mới được cộng đồng quốc tế ghi nhận năm 2019, gắn với mục tiêu phát triển Thủ đô với tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tập trung rà soát, bổ sung điều chỉnh Quy hoạch và chiến lược phát triển văn hóa Hà Nội phù hợp với giai đoạn phát triển mới; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết "Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" - 1 trong 2 Nghị quyết Chuyên đề quan trọng được Thành ủy (khóa XVII) xác định, gắn với phát triển thị trường văn hóa trên địa bàn Thủ đô.

Để trở thành một trong 3 trung tâm hàng đầu của cả nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, định vị thương hiệu "Thành phố Sáng tạo", Phó Bí thư thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết: Thành ủy Hà Nội đã tập trung chỉ đạo thực hiện với những quan điểm chính là phát triển công nghiệp văn hóa được đặt trong tổng thể và dựa trên nền tảng phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng; phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến; phát triển công nghiệp văn hóa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội trên tinh thần "đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững"; quá trình phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với hoàn thiện thị trường văn hóa, phát huy cao nhất lợi thế của Thủ đô; đảm bảo kết cấu hạ tầng, tạo lập môi trường và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển; hoàn thiện quy hoạch, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa để huy động, đầu tư, khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô vừa bao trùm, đặc sắc, vừa bền vững, hiện đại.

Minh Anh

Top