Nông dân thay đổi tư duy, phát triển nông nghiệp công nghệ 4.0

20/02/2024 8:32 AM

(Chinhphu.vn) - Bắt nhịp với các tiến bộ khoa học công nghệ và chủ động ứng dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, những nông dân thời công nghệ 4.0 đã chủ động thay đổi tư duy, cách làm để tiếp cận gần hơn với nền nông nghiệp thông minh.

Nông dân thay đổi tư duy, phát triển nông nghiệp công nghệ 4.0- Ảnh 1.

Vùng trồng rau an toàn xã Văn Đức, huyện Gia Lâm. Ảnh: VGP/TT

Từ những kiến thức có được, người nông dân đã từng bước tối ưu hóa quy trình sản xuất, chủ động nâng cao chất lượng, giá trị và "vùng phủ sóng" của nông sản, góp phần cải thiện đời sống, làm giàu từ chính đồng đất quê hương.

Ông Hoàng Văn Khảm, Giám đốc kỹ thuật HTX rau quả sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết, là một trong những đơn vị tham gia thực hiện quy trình egap.vn ngay từ đầu, HTX đã quản lý việc chăm bón, tưới tiêu bằng hệ thống điện thoại thông minh. Việc dán tem truy xuất nguồn gốc giúp sản phẩm rau của hợp tác xã minh bạch thông tin trên thị trường. Việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã được thực hiện đồng bộ với các kênh bán hàng hiện đại như hệ thống siêu thị lớn và sàn giao dịch thương mại điện tử… Nhờ đó, nguồn rau của hợp tác xã tiêu thụ ổn định trong mọi tình huống, sản lượng khoảng 3 tấn/ngày, cung cấp, phân phối cho nhiều hệ thống siêu thị lớn, các bệnh viện lớn, các trường học.

Ông Trần Văn Tuất, Chủ tịch Hội Nông dân xã Văn Đức, huyện Gia Lâm cho biết, với mục đích sản xuất theo phương thức "sạch từ trang trại đến bàn ăn", với 2,7 ha rau. Trong đó có 60% diện tích ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là tưới bằng các hệ thống hiện đại như tưới phun, nhỏ giọt, sản xuất trong nhà kính, nhà lưới và được áp dụng cơ giới hóa từ các khâu làm đất, thu hoạch, sơ chế đóng gói nông sản … HTX rau sạch Chử Tâm xã Văn Đức mỗi ngày cho ra thị trường từ 2 - 3 tạ rau sạch, doanh thu đạt 50 - 70 triệu đồng/ tháng.

Theo PGS, TS Mai Quang Vinh, Chủ tịch Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam, hiện nay, việc quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản an toàn cũng như thúc đẩy các hoạt động thương mại điện tử cũng được Hà Nội đẩy mạnh. Việc kiểm soát chất lượng qua việc dán tem truy xuất nguồn gốc cũng như giám sát chất lượng hàng nông sản được tiêu thụ qua các kênh chính thống cũng đang mang lại hiệu quả thiết thực.

Bà Phạm Hải Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hà Nội cho biết, nhiều hoạt động đã được Hội nông dân thành phố triển khai hướng dẫn hội nông dân các cấp đã làm thay đổi tư duy và phương thức của người nông dân trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đặc biệt Hội Nông dân thành phố đã phối hợp với Bưu điện Hà Nội rà soát, thu thập thông tin của gần 170.000 hộ sản xuất nông nghiệp cập nhật giới thiệu, bán sản phẩm nông sản trên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn và Agri-postmart.vn.

Tham gia xã hội số, xây dựng nền nông nghiệp thông minh và thị trường số là yêu cầu đặt ra đối với mọi nông dân hiện nay. Để quá trình đó thực sự có hiệu quả, đòi hỏi cần có sự chung tay, hỗ trợ nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành, các địa phương để nông dân Việt Nam thực sự là những "nông dân 4.0", "nông dân thông minh", phù hợp với xu thế chung của thế giới hiện nay.

Thiện Tâm

Top