Nông nghiệp cần gắn với đào tạo và phát triển du lịch làng nghề

06/06/2023 12:59 PM

(Chinhphu.vn) - Các chuyên gia, nhà khoa học nhận định, Hà Nội là mảnh đất trăm nghề, do đó, cần có chính sách về đào tạo, phát triển, bảo tồn những làng nghề thủ công truyền thống, để phát triển mạnh du lịch nông nghiệp trải nghiệm; đồng thời cần nâng dần quy mô, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp cần gắn với đào tạo và phát triển du lịch làng nghề - Ảnh 1.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Sáng 6/6, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND TP. Hà Nội quy định về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn TP. Hà Nội.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, dự thảo đã bám sát các căn cứ pháp lý, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Trung ương, Thành phố và nhất là đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển Thủ đô, bảo đảm an sinh xã hội; đồng thời lưu ý Sở NN&PTNT, các cơ quan chuyên môn trong quá trình xây dựng dự thảo cần rà soát, tính toán kỹ, để nghị quyết khi ban hành thực sự đi vào đời sống, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Thành phố.

Chia sẻ tại hội nghị, Tiến sĩ Bùi Thị Xô, nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, cần định hình sản phẩm nông nghiệp đặc sắc của Hà Nội là gì, từ đó nên tập trung vào vùng sản xuất hàng hóa, chính sách nhập công nghệ mới, chính sách đào tạo, tập huấn… Theo Tiến sĩ Bùi Thị Xô, nên định hình phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng nông nghiệp sinh thái, gắn với du lịch, để phát triển nhanh và bền vững.

Cùng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Cường, Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết, Hà Nội là mảnh đất trăm nghề, cần làm rõ du lịch trải nghiệm làng nghề, nông nghiệp có hiệu quả đến đâu và thực hiện như thế nào. Hiện nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có kế hoạch phát triển du lịch làng nghề, tuy nhiên, cần có một chương về đào tạo, phát triển, bảo tồn những làng nghề thủ công truyền thống, để phát triển mạnh du lịch nông nghiệp trải nghiệm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sông của người dân.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam nêu ý kiến, dự thảo tờ trình của UBND Thành phố về việc đề nghị ban hành Nghị quyết quy định về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn TP. Hà Nội đã bảo đảm cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, chính sách mới cần tháo gỡ những khó khăn, tập trung vào các mục tiêu để thực hiện hiệu quả hơn. Hà Nội cần xây dựng cây trồng chủ lực, thương hiệu chủ lực và nhóm chính sách để đầu tư cho các vấn đề này.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế, Ủy ban MTTQ  Việt Nam TP. Hà Nội cho rằng, hiện nay quỹ đất của Hà Nội về nông nghiệp đang ngày càng thu dần, nhất là khi 5 huyện của Hà Nội trong tương lai sẽ lên quận. Vì vậy, Thành phố nên xác định hợp tác xã, doành nghiệp là hạt nhân, nâng dần quy mô sản xuất để ứng dụng công nghệ cao. 

Nông nghiệp cần gắn với đào tạo và phát triển du lịch làng nghề - Ảnh 2.

Đại diện các chuyên gia, nhà khoa học nêu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Cùng với đó, Thành phố cũng nên quan tâm hơn nữa đến chính sách tín dụng, xem xét một số chính sách vay không cần thế chấp. Nhà nước cần hỗ trợ thị trường đầu ra, tiêu thụ sản phẩm sạch, để giá trị sản phẩm, ngày công của lao động được nâng lên, không nên cho phép doanh nghiệp độc quyền thu mua, cần khuyến khích doanh nghiệp ký hợp đồng với các hợp tác xã và ình thành các trang trại quy mô lớn, từ đó góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn Thủ đô.

Theo dự thảo tờ trình của UBND TP.  Hà Nội, mục tiêu ban hành chính sách là cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương và Thành phố về khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Thành phố, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu Đảng bộ TP. Hà Nội đã đề ra, đáp ứng điều kiện thực tiễn sản xuất nông nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại, hộ gia đình huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất, từng bước xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa, bền vững, thân thiện môi trường.

Ngoài ra, chính sách sẽ góp phần hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp TP. Hà Nội đến năm 2025 và những năm tiếp theo, cụ thể như: Thu nhập bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm. Tốc độ tăng trưởng giá trị ngành nông nghiệp bình quân từ 2,5-3%/năm. Tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên 70%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt trên 30%. Tỷ lệ giá trị sản xuất trồng trọt tăng 0,4-0,7%/năm trở lên. Tỷ lệ giá trị sản phẩm trồng trọt được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt 30-40%.

Song song với đó, tỷ lệ giá trị sản xuất chăn nuôi tăng từ 3-4%/năm; sản phẩm chăn nuôi được sản xuất theo chuỗi liên kết trên 50%. Tỷ lệ giá trị sản xuất thủy sản tăng bình quân mỗi năm từ 3-4%; sản xuất con giống chất lượng cao đáp ứng đủ nhu cầu trên địa bàn Thành phố. Tốc độ tăng giá trị nông sản qua chế biến đạt khoảng 5-7%/năm; phát triển chế biến các sản phẩm nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh tập trung; xây dựng Hà Nội thành trung tâm sản xuất giống công nghệ cao…

Tổng kinh phí dự kiến thực hiện chính sách trên địa bàn Thành phố là khoảng hơn 1.101 tỷ đồng/năm. Trong đó, ngân sách Thành phố 294,3 tỷ đồng/năm. ngân sách cấp huyện 47,28 tỷ đồng/năm, nguồn kinh phí đối ứng từ các tổ chức, cá nhân 759,886 tỷ đồng/năm.

Thùy Linh

Top