Nông nghiệp xanh đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch
(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn TP. Hà Nội đã và đang phát triển các mô hình nông nghiệp xanh theo hướng an toàn và thân thiện với môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch ngày càng cao của người dân Thủ đô.
Lợi ích của nông nghiệp xanh
Giám đốc Hợp tác xã rau quả an toàn Hồng Hà (huyện Phú Xuyên) Đồng Thị Vinh chia sẻ, để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, hạn chế ô nhiễm môi trường…, hợp tác xã yêu cầu các thành viên không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học; đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến sản phẩm… Hiện tại, trung bình mỗi ngày, hợp tác xã thu hoạch 5 tạ rau, cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích, doanh thu khoảng 3-4 triệu đồng.
Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) có 5ha trồng rau hữu cơ, hơn 1.500ha bưởi Diễn trồng theo hướng an toàn. Với mục đích tạo nguồn thực phẩm sạch đáp ứng nhu cầu thị trường, hợp tác xã không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chỉ sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Giá trị kinh tế của sản phẩm nông nghiệp an toàn tăng 15-20% so với sản phẩm sản xuất theo phương thức cũ.
Đơn cử như huyện Đông Anh đã quy hoạch vùng sản xuất rau với diện tích 1.180ha, trong đó có hơn 500ha sản xuất rau an toàn tập trung, quy mô lớn. Để kiểm soát chất lượng sản phẩm rau an toàn tại các vùng sản xuất tập trung, huyện đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân về hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, số lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng giảm khoảng 15% so các năm trước, nông dân sử dụng chủ yếu là phân bón hữu cơ, vi sinh, thảo mộc trong sản xuất nông nghiệp.
Đến nay, các mô hình nông nghiệp xanh, hữu cơ của Hà Nội phát triển tại các huyện: Sóc Sơn, Đông Anh, Phú Xuyên, Thạch Thất, Ứng Hòa.. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh bảo đảm yêu cầu cao về vệ sinh an toàn thực phẩm, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô mà một số sản phẩm còn xuất khẩu cho giá trị kinh tế cao.
Nói về lợi ích của nông nghiệp xanh, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch cho biết, nông nghiệp xanh trên thực tế đã tồn tại gần 20 năm qua tại địa phương với hàng nghìn mô hình từ quy mô nông hộ đến trang trại trong hệ thống canh tác: Vườn - ao - chuồng (VAC), xen canh, gối vụ. Trong đó, chất thải từ chăn nuôi phục vụ trồng trọt; phụ phẩm trồng trọt được sử dụng làm thức ăn cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Một số năm gần đây, hệ canh tác lúa - cá, lúa - vịt… ngày càng phát triển theo hướng bền vững.
Các hệ canh tác tuần hoàn này vừa bảo đảm dinh dưỡng, vừa thích ứng biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng cao, từ phân bón đến thức ăn chăn nuôi, những mô hình đa canh lúa - cá - vịt... đang chiếm ưu thế, giúp nông dân bám trụ được với nghề nông.
Nông nghiệp xanh sẽ trở thành mũi nhọn
Hiệu quả của nông nghiệp xanh, an toàn đã rõ nét, song việc sản xuất vẫn có một số khó khăn, như trong quá trình canh tác theo hướng hữu cơ, chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ; phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh... bằng các biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học nên mất nhiều công lao động và khó thực hiện trên diện rộng...
Hướng tới nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thời gian tới, Hà Nội tập trung phát triển các vùng nông nghiệp hàng hóa theo hướng đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu. Đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu có diện tích canh tác hữu cơ đạt 1,5-2% tổng diện tích đất trồng trọt; sản xuất nông nghiệp xanh sẽ trở thành mũi nhọn trong ngành Nông nghiệp Thủ đô.
Để mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp xanh, góp phần bảo vệ môi trường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ phối hợp với các địa phương hướng dẫn, tuyên truyền, khuyến cáo nông dân hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học độc hại, không được sử dụng các loại thuốc ngoài danh mục cho phép.
Hà Nội cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, xây dựng thêm nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Về lâu dài, nông dân cần mạnh dạn thay đổi nhận thức, chuyển từ cách làm theo thói quen sang sản xuất nông nghiệp theo hướng dẫn của các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan quản lý nhà nước...
Thành Nam