Nông nghiệp ‘xanh’, tiêu dùng ‘sạch’

25/10/2021 6:07 PM

(Chinhphu.vn) - Sản xuất nông nghiệp “xanh” mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Nhận thức được điều đó, những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ TP. Hà Nội đã chủ động, tích cực tuyên truyền hội viên phụ nữ chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng nông nghiệp “xanh”, góp phần tiêu dùng “sạch”.

Các sản phẩm nông nghiệp xanh giúp tiêu dùng sạch. Ảnh: Thành Nam

Những năm gần đây, các sản phẩm của chuỗi thực phẩm Sạch Từ Tâm được nhiều người tiêu dùng, nhất là các bà nội trợ Thủ đô. Chủ của chuỗi thương hiệu này là nghệ nhân Đinh Thị Hải Yến, Giám đốc Công ty TM&SX thực phẩm Sạch Từ Tâm (Hà Nội), với bàn tay vàng đã tạo nên hơn 20 sản phẩm (giò tai lưỡi xào đặc biệt; chả cốm, ốc; nem rán Hà Thành hải sản…) mang đậm hương vị Hà Thành và ẩm thực truyền thống Việt Nam.

Với quy trình sản xuất được kiểm soát theo chuỗi, nguyên liệu hữu cơ, chế biến sạch theo tiêu chí 5 không (không chất phụ gia, không chất bảo quản, không hương liệu, không phẩm màu, không mì chính), chuỗi Sạch Từ Tâm được UBND TP. Hà Nội cấp giấy chứng nhận cho 12 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm 4 sao và 6 sản phẩm 3 sao.

Chị Yến chia sẻ: “Là lãnh đạo một doanh nghiệp thực phẩm có đến hơn 90% công nhân viên là nữ, tôi nghĩ rằng phụ nữ không nên chỉ dừng lại ở vai trò tuyên truyền viên, mà hoàn toàn có thể phát huy trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Để sản phẩm “níu chân” được khách hàng, chúng ta cần nhất là sự tâm huyết của người sản xuất. Vì vậy, tôi mong muốn đưa được những sản phẩm tốt, sạch và tiện dụng đến bữa ăn của từng gia đình”.

Là một trong 10 gương mặt phụ nữ Thủ  đô tiêu biểu có những đóng góp xuất sắc vào sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô năm 2021, chị Nguyễn Thị Thu, Giám đốc Hợp tác xã Tâm An (xã Khánh Hà, huyện Thường Tín) chia sẻ: Hợp tác xã Tâm An là đơn vị điển hình sản xuất cây dược liệu sạch, rau hữu cơ hiệu quả kinh tế cao, trong đó có nhiều sản phẩm được chứng nhận OCOP đạt 4 sao như trà cà gai leo, bột rau củ sấy lạnh Giho ...

Với phương châm luôn hướng tới sản phẩm nông nghiệp “xanh”, “sạch”, Hợp tác xã Tâm An đã góp phần tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp, tạo ra nguyên liệu phân bón trong trồng trọt, giảm tỷ lệ rác thải ra môi trường.

Không chỉ sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm, trong đại dịch COVID-19, những nông sản thực phẩm an toàn, đạt tiêu chuẩn OCOP của Hà Nội cũng như các tỉnh, thành đã được phụ nữ Thủ đô chung tay giải cứu, kết nối tiêu thụ.

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội Nguyễn Thị Hảo chia sẻ: “Chúng tôi huy động toàn bộ mạng lưới của Hội Liên hiệp Phụ nữ từ Thành phố tới khu dân cư để cập nhật các đơn hàng theo nhu cầu tiêu dùng của chị em. Từ đó, tổng hợp, kết nối với các huyện, đưa sản phẩm về trung tâm và phân phối, điều tiết đến các địa phương” .

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, sản xuất nông nghiệp “xanh” mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng trong canh tác và chăn nuôi... vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương.

Nhận thức được điều đó, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã chủ  động, tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng nông nghiệp “sạch”, nông nghiệp hữu cơ và an toàn thực phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới và tham gia bảo vệ môi trường. Điển hình như mô hình “Sạch đồng ruộng”, Hội Liên hiệp phụ nữ các địa phương đã triển khai trên 39.356ha tại 100% xã sản xuất nông nghiệp; phối hợp xây dựng, lắp đặt 895 thùng rác cố định; xây 675 bể chứa rác, thu gom 3.558 tấn rác thải, túi nilon, vỏ thuốc bảo vệ thực vật…

Trước mối lo mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng, thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội đã vào cuộc tích cực trong việc tuyên truyền Luật An toàn thực phẩm cũng như xây dựng các mô hình phụ nữ sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn, truy xuất rõ nguồn gốc xuất xứ. Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội đã triển khai, nhân rộng nhiều mô hình hiệu quả như mô hình “Chi hội phụ nữ thực hiện thay đổi hành vi trong an toàn thực phẩm”, “Điểm phân phối thực phẩm an toàn”, “Chi hội phụ nữ ăn sạch - sống xanh”…

Hội phụ nữ cũng tuyên truyền đến những hộ kinh doanh tại các chợ, tuyến phố như “mô hình hai dao hai thớt”, “mô hình làn nhựa đi chợ” để giảm thiểu rác thải túi nilon trên địa bàn Thành phố… Các cấp hội phụ nữ đã vào cuộc rất tích cực tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên phụ nữ, doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện tốt vấn đề an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe cho nhân dân.

Thành Nam

Top