Nông thôn chuyển mình trong dòng chảy 15 năm
(Chinhphu.vn) - Năm 2023 tròn 15 năm Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15 của Quốc hội Khóa XII. Đây cũng là cột mốc để lại nhiều dấu ấn của các huyện ngoại thành khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nằm trong hành trình 15 năm với nhiều bứt phá.
Sau 15 năm hợp nhất, với sự quyết liệt, nỗ lực của cả hệ thống chính quyền cùng nhân dân địa phương, đặc biệt là từ sức mạnh của chương trình xây dựng nông thôn mới, từ một huyện khó khăn nằm ở ngoại thành Thủ đô, huyện Phú Xuyên đã đạt được thành quả xứng đáng khi về đích nông thôn mới và tiếp tục chuyển mình, phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Ngày 25/4/2022, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện Phú Xuyên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Trong hành trình 10 năm, với xuất phát điểm thấp, trung bình các xã mới đạt từ 5 - 6 tiêu chí, hạ tầng nông thôn thiếu đồng bộ, tiêu chí trường học, đường giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập của người dân ở mức thấp. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, chung tay của cả hệ thống chính trị và nhân dân, sau hơn 10 năm nỗ lực thực hiện, chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tính đến nay, huyện Phú Xuyên đã hoàn thành xây dựng 100% hệ thống đường trục xã, liên xã, trục thôn, liên thôn, xóm… bảo đảm kiên cố, khang trang. Bên cạnh đó, 100% tuyến đường trục chính giao thông nội đồng cũng được cứng hóa, thuận lợi cho việc đi lại vận chuyển hàng hóa của người dân; hệ thống trường học và thiết bị dạy học được đầu tư nâng cấp, không còn phòng học tạm hay phòng học bị dột nát. Đến nay toàn huyện đã có 56/88 trường học đạt trường chuẩn quốc gia.
Trong phát triển nông nghiệp, huyện đã thực hiện dồn điền đổi thửa được 9.060ha đất nông nghiệp, trong đó có 2.830ha đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Qua đó đã góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung như: Lúa chất lượng cao 400ha, thủy sản 300ha, rau an toàn xã Minh Tân 159ha, rau cần Khai Thái 30ha, bưởi thồ Bạch Hạ 40ha… Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Đến hết năm 2020, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 55,93%, thương mại - dịch vụ 29,1%, nông lâm thủy sản 15,6%. Năm 2020, tổng thu ngân sách địa phương đạt 1.893,116 tỷ đồng (tăng 13,3 lần so với năm 2010).
Mặt khác, huyện Phú Xuyên có 43 làng nghề được thành phố công nhận là làng nghề truyền thống; 546 doanh nghiệp, hợp tác xã và 17.600 hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; đã thành lập được 3 cụm công nghiệp, hiện đã khởi công xây dựng 2 cụm công nghiệp làng nghề Đại Thắng và Phú Túc.
Ông Lê Tiến Xuân, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên cho biết, nhờ tập trung đầu tư phát triển kinh tế toàn diện, 6 tháng năm 2023, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện Phú Xuyên đạt 6.674 tỷ đồng, tăng 6,10% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, sản xuất ngành nông nghiệp, thuỷ sản đạt 870,7 tỷ đồng. Việc đưa các giống cây con mới có năng suất, chất lượng cao, giống cây con đặc sản vào sản xuất đã giúp tăng giá trị sản xuất, mang lại thu nhập ổn định ở mức cao cho nhiều hộ nông dân trong huyện
Đặc biệt, chương trình xây dựng nông thôn mới đã nhận được sự ủng hộ, đồng lòng, góp sức rất lớn từ người dân địa phương. Nhân dân trong huyện đã đóng góp 43.690 ngày công, số tiền tự nguyện đóng góp, công trình quy ra tiền là 276.347 triệu đồng và hiến hàng chục nghìn mét đất nông nghiệp cũng như đất ở để mở rộng đường giao thông nông thôn; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, tạo nền tảng cho phát triển của địa phương.
Toàn huyện có 43 làng nghề được thành phố công nhận là làng nghề truyền thống; có 546 doanh nghiệp, hợp tác xã và 17.600 hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; đã thành lập được 3 cụm công nghiệp, hiện đã khởi công xây dựng 2 cụm công nghiệp làng nghề Đại Thắng và Phú Túc. Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến năm 2021, toàn huyện có 137 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên.
Có thể thấy rất rõ ràng rằng, nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới nên đời sống của người dân Phú Xuyên cũng ngày càng được nâng lên, thu nhập trung bình đạt hơn 55 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,2%, rác thải sinh hoạt được thu gom vận chuyển đi ngay trong ngày, tỷ lệ 100% người dân dùng nước hợp vệ sinh.
Cùng nằm trong dòng chảy của hành trình 15 năm qua, huyện Chương Mỹ cũng đã có những bước bứt phá vượt bậc, đáng ghi nhận.
Thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII, từ tháng 8/2008 huyện Chương Mỹ trở thành một trong 30 quận, huyện của Thủ đô Hà Nội. Là huyện có nhiều tiềm năng lớn về đất đai, nguồn nước, địa hình đa dạng, nguồn nhân lực dồi dào và nhiều làng nghề thủ công truyền thống. Tuy nhiên, huyện Chương Mỹ cũng gặp không ít khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội do nằm trong vùng phân lũ, chậm lũ và thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai bão lụt, lũ rừng ngang.
Song với sự quyết tâm, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp cùng sự ủng hộ của nhân dân, Chương Mỹ đã biến những khó khăn thành cơ hội và phát huy lợi thế, tiềm năng và nội lực để phát triển.
Năm 2009, huyện Chương Mỹ vinh dự được Trung ương chọn xã Thụy Hương là 11 xã làm điểm của cả nước thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới. Đây là tiền đề quan trọng để huyện Chương Mỹ chỉ đạo các xã còn lại trong huyện xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, toàn huyện có 30/30 xã đạt chuẩn nông thôn mới; huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Đến hết năm 2022, toàn huyện có 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và năm 2023 huyện tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để chỉ đạo 6 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 01 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Nhờ thực hiện chương trình nông thôn mới thành công nên diện mạo nông thôn huyện Chương Mỹ đổi thay rõ rệt với cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang. Theo đó, huyện đã quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất văn hóa ở các xã, thị trấn. Đến nay, toàn huyện có 189/208 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa; có 14 khu thể thao xã, 124 khu thể thao thôn, tổ dân phố.
Bên cạnh đó, hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao các cấp, nhất là các thiết chế văn hóa, thể thao ở thôn, tổ dân phố đã góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu giao lưu, sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân, tạo diện mạo mới ở các khu dân cư, nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở các địa phương. Nhiều mô hình, cách làm hay được nhân lên, trong đó phải kể đến như: Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu bền vững; phong trào xây dựng các công trình, phần việc của thanh niên; phụ nữ duy trì các đoạn đường tự quản, đường nở hoa; đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội trong huyện tích cực tham gia vệ sinh môi trường, làm những đoạn đường hoa, đường bích họa…
Một điểm nhấn quan trọng trong 15 năm qua đó chính là hệ thống giao thông, nhiều tuyến đường giao thông quan trọng của huyện, các tuyến đường liên xã trong huyện đã được Thành phố đầu tư nâng cấp, cải tạo như: Đường tỉnh lộ 419, đường Nguyễn Văn Trỗi, đường Máng 7, đường Thanh Bình – Tân Tiến… Nhất là vào cuối năm 2022, thành phố Hà Nội đã khởi công Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 6 (đoạn Ba La – Xuân Mai) đáp ứng niềm mong mỏi của cán bộ, nhân dân huyện Chương Mỹ suốt bao năm qua. Song song với giao thông, hệ thống điện, trường học, trạm y tế ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng được đầu tư xây dựng, nâng cấp phục vụ đời sống nhân dân, góp phần làm đổi thay diện mạo nông thôn huyện Chương Mỹ ngày càng khang trang.
Năm 2022, kinh tế của huyện tăng trưởng mạnh mẽ đạt 11,9%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và vượt kế hoạch đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Công nghiệp chiếm 57,6% - dịch vụ 27,1% - nông nghiệp 15,3%. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng cơ bản đạt 17.490 tỷ đồng, bằng 100,4% kế hoạch năm và tăng 12% so cùng kỳ; Giá trị sản xuất ngành thương mại, dịch vụ đạt 8.790 tỷ đồng, bằng 101,6% kế hoạch, tăng 15,2% so cùng kỳ; Giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản đạt 4.836 tỷ đồng, bằng 103,8% kế hoạch năm, tăng 5,9% so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đạt hơn 789,843 tỷ đồng… Điều này đã khẳng định được sức bật mạnh mẽ của huyện sau 15 năm Thủ đô mở rộng địa giới hành chính.
Trong phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện Chương Mỹ đã tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hiệu quả và bền vững. Huyện đã và đang thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo đó, ngành nông nghiệp đã được phát triển theo hướng chuyên canh tập trung; các khâu sản xuất được cơ giới hóa tương đối đồng bộ.
Chương Mỹ đã và đang tập trung xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Huyện đã phát triển được được 5 nhãn hiệu tập thể gồm: Bưởi Chương Mỹ, Gạo hữu cơ Đồng Phú, Gạo hữu cơ Japonica Nam Phương Tiến, Rau an toàn Chúc Sơn, Bưởi Nam Phương Tiến. Thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", đến nay toàn huyện có 145 sản phẩm được UBND Thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người của người dân huyện Chương Mỹ tăng lên. Nếu như năm 2008 thu nhập trung bình đầu người của huyện từ 8,8 triệu đồng thì đến năm 2022 đã tăng lên 68,5 triệu đồng và ước tăng lên 74 triệu đồng năm 2023. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 16,33% năm 2008 xuống còn dưới 01% năm 2023.
Có thể khẳng định, với những kết quả đã đạt được sau 15 năm, bức tranh nông thôn của Thủ đô Hà Nội đã có sự thay đổi toàn diện, tích cực, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới đã thực sự đi vào cuộc sống, nhờ vào "ý Đảng lòng dân" đều thống nhất, đồng lòng mà đời sống của người dân khu vực nông thôn đã được cải thiện, nâng cao- Đây cũng là đích đến cuối cùng của chương trình xây dựng nông thôn mới mà Đảng và nhà nước ta mong muốn. Hi vọng rằng, sau hành trình 15 năm thứ nhất, Thủ đô Hà Nội sẽ còn nhiều lần đánh dấu 15 năm nữa với những bứt phá nổi bật, tích cực, là sự tin yêu, gửi gắm và là điểm đến, nơi hội tụ của trái tim cả nước.
Thiện Tâm
* Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội