Nữ chiến sĩ cách mạng và những hồi ức không quên

26/07/2022 12:17 PM

(Chinhphu.vn) - Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, hàng triệu người con ưu tú đã cống hiến tuổi thanh xuân và cả cuộc đời cho đất nước. Hàng vạn phụ nữ Thủ đô đã kìm nén tình cảm riêng tư, để động viên chồng, con, những người thân yêu lên đường đi chiến đấu. Nhiều gia đình, các thế hệ nối tiếp nhau ra trận. Nhiều chị tuổi mới 18, đôi mươi tình nguyện lên đường nhập ngũ, hăng hái tham gia thanh niên xung phong, làm điệp báo cùng với nhân dân cả nước làm nên bản anh hùng ca chiến thắng.

Nữ chiến sĩ cách mạng và những hồi ức không quên - Ảnh 1.

Nữ cựu tù chính trị Bùi Thị Thịnh (ngoài cùng bên phải); Chiến sĩ Trường Sơn, nthương binh 4/4 Lê Thị Vọng Hương (thứ hai từ phải qua). Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Nữ cựu tù chính trị kiên trung

Chia sẻ về việc những ngày tham gia cách mạng, bà Bùi Thị Thịnh - nữ cựu tù chính trị, Phó ban liên lạc nhà tù Hà Đông - Sơn Tây, Trưởng ban liên lạc Căng 41-42 (khu trại giam tù nhân, tất cả đều là tù chính trị thời kỳ chống Pháp) cho biết, cả gia đình bà đều làm cách mạng. Bà sinh năm 1933, năm nay đã 89 tuổi. Năm 1948, khi mới 15 tuổi, bà đã tham gia là đội viên ban điệp báo công an Hải Phòng. Năm 1950 thì bị địch bắt.

Khi mới 15 tuổi, bà làm giao liên, mang thư, tài liệu của Hà Nội- Hải Phòng ra vùng tự do."Khi qua phà Bính, tôi thường cho mật thư vào giỏ hoa, ăn mặc lịch sự như một tiểu thư để đánh lạc hướng quân địch… Nhờ vậy mà tôi đã chuyển được tài liệu trót lọt. Bên cạnh đó còn giúp đưa thư của các chiến sĩ đang đấu tranh ngoài mặt trận mang về cho gia đình. Rồi sau đó, tôi còn làm điệp báo để gửi các tài liệu và báo cáo cho quân đội của ta…", bà Thịnh chia sẻ.

Giai đoạn cách mạng 1945- 1954 là một giai đoạn cách mạng vô cùng quan trọng và đặc biệt. Thời điểm đó, quân đội nhân dân Việt Nam còn non trẻ do mới trong những ngày đầu được thành lập và chuẩn bị bước sang một trường kỳ chống Thực dân Pháp. Trong giai đoạn đó, công tác liên lạc cũng như tình báo, trinh sát đóng vai trò hết sức quan trọng để đề ra những quyết sách của Đảng, để chống lại những mũi tiến công của kẻ thù nhằm vào chiến khu Việt Bắc.

Khi bị địch bắt, bà bị tra tấn nhục hình, nhiều lần ngất đi nhưng quyết không khai. Do bị tra tấn nhiều lần nên hàng tháng trời bà không tự cầm đũa, cầm thìa được, phải có người xúc cho ăn. Nhưng với tinh thần bất khuất, dù trong nhà lao, bà vẫn tiếp tục hoạt động, dạy chữ cho các chị em. Với bản lĩnh vô cùng kiên cường, bà đã trốn ra khỏi ngục tù của địch để tiếp tục mở con đường Vạn Mai, Suối Rút phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Trong cuốn sách "Không phải huyền thoại" của nhà văn Hữu Mai có viết về chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp và có tả lại cuộc chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta hiểu được một phần nào những khó khăn vất vả, hi sinh mất mát làm nên chiến dịch "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Có được chiến thắng đó là nhờ công lao rất lớn của những chiến sĩ, những cựu tù chính trị, những nhà hoạt động cách mạng như bà Bùi Thị Thịnh.

"Khi đó tôi còn trẻ, mới tham gia cách mạng và sống ở thành phố nên chưa biết gian khổ là gì. Nhất là khi đi theo cách mạng tôi một lòng một dạ, nhưng thời điểm đó tôi còn chưa biết thế nào là Tuyên ngôn độc lập và cũng chưa biết đến lời Kêu gọi kháng chiến của Bác Hồ… Tuy vậy, tôi và đồng đội luôn thể hiện tinh thần và lòng yêu nước vô bờ, cùng nhau đoàn kết đấu tranh để chống Thực dân Pháp. Chính những bài hát cách mạng như Tiến quân ca, Diệt Phát xít…  đã ngấm vào từng mạch máu, tế bào để hun đúc, nuôi dưỡng tình yêu nước trong tôi lớn lên, quyết tâm chống Đế quốc, đòi lại độc lập tự do cho dân tộc, tự do cho nhân dân Việt Nam. Ý thức của lớp trẻ chúng tôi được giác ngộ từ đó mà đứng lên chống giặc."- bà Thịnh xúc động chia sẻ.

Qua câu chuyện lịch sử từ nhân chứng sống trực tiếp tham gia kháng chiến- cựu nữ tù chính trị Bùi Thị Thịnh chính là một trong những sợi chỉ đỏ, móc xích kết nối quá khứ với hiện tại, để thế hệ hôm nay có thể hiểu chân thực hơn về những hi sinh, mất mát của những thế hệ đi trước đã phải trải qua, đã phải trả giá để có được độc lập tự do như ngày hôm nay.

Trở về với thời bình, bà Bùi Thị Thịnh là Phó Chủ tịch Công đoàn, Trưởng ban nữ công Công đoàn ngành giao thông vận tải Hà Tây, là vợ thương binh nặng, tần tảo chăm chồng, nuôi 4 người con trưởng thành. Các con của bà đều là các đồng chí công tác tại các sở, ngành của thành phố. Hình ảnh của nữ cựu tù chính trị năm xưa đã cho thấy một tinh thần nhiệt huyết cách mạng bất diệt, quyết tâm giành lại độc lập tự do cho dân tộc, và là hình ảnh một người phụ nữ dịu dàng, đảm đang, vun đắp, xây dựng tổ ấm gia đình vì chồng, vì con.

Nữ chiến sĩ Trường Sơn và Hồi ức không quên

Cô Lê Thị Vọng Hương - nữ thương binh 4/4, nguyên là cán bộ phụ trách Quân y trung đoàn bộ Trung đoàn 963 Hà Tĩnh cho biết, cô là nữ chiến sĩ Trường Sơn và bị thương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cô làm đơn tình nguyện nhập ngũ khi vừa tròn 15 tuổi -  chưa đủ để đi nhập ngũ. Vì vậy, phải làm đơn tình nguyện và sau đó đã được chấp nhận. Cô được đơn vị cử đi học y tá, ra trường về đơn vị công tác được 6 tháng thì cô làm đơn xin đi chiến trường và tại đây cô đã vinh dự được kết nạp Đảng khi chưa tròn 18 tuổi. Gần 9 năm trong quân ngũ, cô đã gắn bó với những nơi ác liệt gian khổ ở cả 3 chiến trường B, C, K, với nhiệm vụ phục vụ thương bệnh binh tại các bệnh xá, đội phẫu thuật tiền phương trên con đường Trường Sơn huyền thoại.

Gia đình cô có truyền thống cách mạng, lúc đó hai người anh đều là quân nhân và đang ở chiến trường nên cô Hương rất háo hức để được đi vào chiến trường, vào quân đội để cống hiến. Tháng 12/1967, sau khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mất, thì có một cuộc phát động phong trào thi đua tình nguyện đi vào chiến trường để giải phóng miền Nam, cô Hương đã làm đơn và đơn đó đã được chấp nhận, được cấp trên điều vào "chảo lửa" Quảng Bình. Những năm tháng ấy tại chiến trường Quảng Bình vô cùng ác liệt.

"Tôi làm công tác y tá của một bệnh xá chuyên tiếp đón thương binh chuyển đến từ phà Long Đại- một trong những trọng điểm vô cùng ác liệt địch đánh phá ngày đêm, với nhiều vũ khí tối tân và thả thủy lôi trên sông để làm cắt đứt con đường vận chuyển duy nhất của chúng ta, nối giữa hai bờ Nam- Bắc. Năm 1968 đơn vị có lệnh điều động đi B, và đơn vị chúng tôi đã đóng quân tại đất lửa Quảng Trị- nơi hai miền giao tranh cũng ác liệt vô cùng. Bệnh xá này phải ở trong hang để đón tiếp thương bệnh binh, nếu ở ngoài sẽ không đảm bảo được an toàn. Chúng tôi không chỉ điều trị cho thương binh mà còn thu dung, điều trị cho những người dân thuộc đồng bào dân tộc Vân Kiều. Lúc đó đồng bào còn rất nghèo và không được y tế chăm sóc…

Qua những năm tháng cống hiến, tôi được cấp trên cho đi học y sĩ tại Quảng Bình. Năm 1972 khi tốt nghiệp, tôi có lệnh điều đi Campuchia ở Sư đoàn 470. Trên đường, tất cả việc di chuyển trên tuyến đường Trường Sơn đều đi bộ. Trên đường đi công tác vào giữa mùa mưa của Lào, ngày đêm chèo đèo lội suối… những ngày hành quân ấy không một ngày nào, chúng tôi có quần áo khô để mặc"- cô nghẹn ngào nhớ lại.

Cô Hương cho biết thêm: "Mỗi một ngày hành quân, một chặng giao liên tương ứng với một độ đường và đi từ sáng đến chiều mới đến một trạm giao liên mới. Cả ngày đó, chúng tôi chỉ được một nắm cơm và một ít muối vừng để đem theo… Sau hơn một tháng hành quân, (5 năm trong chiến trường không bị ốm đau một ngày nào), nhưng quá trình di chuyển hành quân một đoan đường dài, gian nan vất vả lúc đó tôi mới bị sốt rét ác tính quật ngã. Khi đó tôi không thể đi tiếp được và được đưa đi cấp cứu… Bệnh không đỡ nên được chuyển ra tuyến sau- và lần đầu tiên được di chuyển bằng xe vận tải. Khi di chuyển qua đèo thuộc đất Lào chúng tôi bị trúng bom tọa độ, mọi người bị hất văng hết xuống, khi đó có những bệnh nhân rất nặng, bị sốt rét đã bị sưng nách, sưng gan, khi ngã đã vỡ nách, vỡ gan… Trong đó tôi bị thương ở đầu, nhưng không nghĩ đến mình. Trên xe lúc đó có tôi và một đồng chí nữa làm y sĩ, chúng tôi vừa là bệnh nhân vừa là người hộ tống chuyến xe, cố bò để tìm thương binh băng bó (bằng cảm tính), trong khi đó máu vẫn chảy ròng ròng... Sau do mất máu nhiều quá, tôi đã bị ngất đi. Khi tỉnh lại xe đã ra đến viện quân Y 59 tại Bố Trạch, Quảng Bình, rồi sau đó tôi mới biết có xe chi viện đến cứu".

Qua hồi ức của cô nơi chiến trường Quảng Trị và tuyến đường Trường Sơn, thế hệ trẻ chúng ta đã hình dung ra được sự ác liệt điên cuồng đánh phá của giặc cắt đứt con đường chi viện cho miền Nam, nhằm giải phóng đất nước.

"Với những gian khổ, hi sinh đã trải qua tôi muốn nhắn nhủ đến các thế hệ trẻ, ngày nay được sinh ra và lớn lên dưới thời bình, được chăm lo, nuôi dưỡng bài bản nên các bạn trẻ vô cùng giỏi giang, năng động, chịu khó tìm tòi học hỏi. Có những bạn còn trẻ nhưng đã đạt được những học hàm học vị rất cao (đặc biệt, khi dịch COVID-19 vừa qua, các bạn tình nguyện áo xanh đã hòa trong màu áo trắng ngành y, màu quân phục, cảnh phục lao vào chiến đấu cùng cả nước chống dịch) cho thấy thế hệ trẻ của chúng ta đã làm rất tốt, yêu nhân dân và đất nước mình. Vì vậy, tôi mong muốn thế hệ trẻ tiếp tục trau dồi kiến thức, tư cách đạo đức, làm tròn công việc được giao. 

Sau này khi đã chuyển ngành, cô Hương đã về công tác tại Sở Y tế Hà Nội, làm thanh tra y tế quận Hai Bà Trưng. Khi nghỉ hưu, cô tiếp tục gắn bó với công tác tại chi bộ khu dân cư, đóng góp cho bà con dân phố và cộng đồng.

Thiện Tâm

Top