Nữ ‘đại đội trưởng’ kiên trì bám ‘trận địa’ trong chiến dịch tiêm chủng

17/07/2021 4:16 PM

(Chinhphu.vn) - Đã gần 2 năm, cả nước chung tay đoàn kết, chống đại dịch toàn cầu COVID-19. Hàng triệu người ở tuyến đầu chống dịch không ngại khó khăn, gian khổ. Để nhanh chóng kết thúc đại dịch này, tiêm vaccine phòng bệnh là biện pháp hiệu quả nhất. Việt Nam đã phát động chiến dịch này trên toàn quốc. Hàng nghìn chiến sĩ áo trắng đã “xung trận”.

Trong số đó, tôi may mắn được gặp gỡ và trò chuyện với PGS.TS Lê Thị Thanh Xuân, Trưởng phòng Tiêm chủng (Viện Đào tạo Y học dự phòng và y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội) - nữ “đại đội trưởng” kiên trì bám “trận địa” trong chiến dịch tiêm chủng.

PGS.TS Lê Thị Thanh Xuân, Trưởng phòng Tiêm chủng (Viện Đào tạo Y học dự phòng và y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội) - Ảnh: Vũ Khoa

Khi bắt đầu nhận nhiệm vụ triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 - một vaccine hoàn toàn mới trên thế giới và lần đầu tiên thực hiện tiêm tại Việt Nam, chị có lo lắng như thế nào?

PGS.TS Lê Thị Thanh Xuân: Đúng là vaccine này hoàn toàn mới trên thế giới và Việt Nam. Lúc đầu, tôi cũng có cảm giác lo lắng và băn khoăn, vì lần đầu tiên tôi là tổ trưởng tổ tiêm chủng có hơn 100 thành viên tham gia mà mình có thể chưa biết hết mặt từng người. Làm sao phải lập được kế hoạch cụ thể, chi tiết nhất và dễ hiểu nhất tới từng bộ phận, làm sao để các bộ phận từ sàng lọc đối tượng, tiếp đón, khám sàng lọc, nhập dữ liệu, đến tiêm, theo dõi sau tiêm… phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, do có kinh nghiệm quản lý phòng tiêm chủng của Viện và Nhà trường cũng như đã triển khai tiêm trên nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, từ trẻ nhỏ đến người lớn, phụ nữ mang thai…, nên tôi đã đưa ra kế hoạch từng việc cụ thể, tỉ mỉ.

Chị có cảm thấy quá áp lực đối với công việc?

PGS.TS Lê Thị Thanh Xuân: Đúng là khi triển khai chiến dịch tiêm vaccine COVID-19, tôi có 2 áp lực rất lớn. Đó là áp lực về thời gian và số lượng.

Lần đầu tiên, tôi quản lý tổ tiêm chủng đông nhất từ trước đến nay, hơn 100 người. Việc triển khai tiêm lần này cũng rất khác biệt so với trước đó, như đối tượng tiêm là những người tham gia tuyến đầu phòng chống dịch và các đối tượng theo các cơ quan Trung ương và đôi lúc tôi không chủ động được số lượng, nên rất áp lực.

Về mặt thời gian, các cán bộ tiêm chủng như chúng tôi cũng luôn luôn bị áp lực. Vaccine này rất mới và có hạn sử dụng ngắn, nên tiêm càng sớm càng tốt.

Áp lực nữa mà chúng tôi gặp phải, đó là sắp xếp các đơn vị đến tiêm đảm bảo theo giờ, đảm bảo giãn cách xã hội. Có ngày, tôi phải sắp xếp tiêm từ 10-15 đơn vị khác nhau. Mặc dù, Nhà trường đã thông báo tới đơn vị về ngày, giờ đến tiêm, nhưng nhiều người không đến đúng giờ, đúng ca đã được thông báo, vì vậy gây ảnh hưởng tới đơn vị đến sau. Nhiều người đến nhưng chưa kê khai thông tin y tế, chưa kê khai thông tin cá nhân, quên chứng minh thư…

Hiện nay, Nhà trường đang triển khai 2 dây truyền tiêm vaccine COVID-19, với số lượng tiêm từ 1.100.1.200 người/ngày.

Để đạt được số lượng này, Nhà trường phải chuẩn bị rất kỹ, để việc thực hiện cứ “chạy theo dây chuyền”. Vì vậy, nếu đơn vị nào có những trường hợp như trên, chúng tôi sẽ phản hồi tới đơn vị, thậm chí, chúng tôi phải tạm dừng tiêm cho đối tượng đó, để đảm bảo thời gian cho các đơn vị sau.

Do tình hình dịch diễn biến phức tạp, rất nhiều đồng nghiệp và lực lượng khác trên cả nước cũng đang phải căng mình chống dịch. Vì vậy, dù áp lực, căng thẳng nhưng chúng tôi vẫn luôn tự động viên nhau, đó cũng là trách nhiệm và tự hào của đội ngũ y tế. Chúng tôi luôn làm việc với tâm thế tận tình, trách nhiệm nhất, để góp phần chống dịch hiệu quả trên cả nước.

Mỗi ngày, điểm tiêm tại trường ĐH Y Hà Nội thực hiện tiêm 1.100-1.200 người. Ảnh: VGP/Vũ Khoa

Có trường hợp người tiêm phản ứng lại với nhân viên tiêm không, thưa chị?

PGS.TS Lê Thị Thanh Xuân: Mặc dù không có phản ứng gay gắt, nhưng vẫn có một số trường hợp bức xúc. Điển hình, có trường hợp đến tiêm, thắc mắc trước đây chưa bao giờ bị huyết áp cao, nhưng họ đã đến điểm tiêm của Nhà trường 3 lần đều đo huyết áp cao và có chỉ định hoãn tiêm. Trường hợp này, mình phải nhẹ nhàng giải thích là tăng huyết áp không phải không được tiêm mà chỉ là tạm hoãn. Nếu tiêm bây giờ sẽ gây phản ứng cho bản thân, vì hiện tại huyết áp không tốt. Để người tiêm tin tưởng, mình phải lấy máy đo huyết áp khác để đo lại cho họ. Khi thấy, nhiều máy đo đều có kết quả huyết áp rất cao, không bình thường, thì người tiêm mới bình tĩnh lại.

Mình cũng khuyên là trường hợp này nên đi khám để tìm nguyên nhân tăng huyết áp, có thể có nhiều trường hợp tăng huyết áp không rõ nguyên nhân, nhưng người dân nên điều trị, vì huyết áp cao rất nguy hiểm.

Trường hợp khác, một nhân viên y tế có tiền sử dị ứng, mặc dù  được khám sàng lọc rất kỹ, các bác sĩ có chỉ  định hoãn tiêm nhưng người đi tiêm lại rất bức xúc. Khi đó, mình lại phải giải quyết và giải thích lại với họ tại sao lại không tiêm…

Đây chỉ là những trường hợp có mong muốn rất chính đáng là được tiêm vaccine phòng bệnh nhưng có chỉ định hoãn tiêm. Mặc dù rất thông cảm với họ, nhưng cũng gây áp lực cho nhân viên y tế trong buổi làm việc đó.

Hiện nay, đã có 5 loại vaccine COVID-19 về Việt Nam. Chị đã phân bổ việc tiêm các vaccine này như thế nào và làm sao để tránh nhầm lẫn khi tiêm, cũng như đảm bảo an toàn khi tiêm cho người dân?

PGS.TS Lê Thị Thanh Xuân: Đến nay, trường ĐH Y Hà Nội đã và sắp tiếp nhận tiêm 4 loại vaccine phòng COVID-19 là AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm. Đối với vaccine AstraZeneca, Nhà trường đã tiêm từ tháng 4 năm nay. Vaccine Sinopharm tiêm cho một số đối tượng có nhu cầu theo quy định. Còn 2 vaccine mới Pfizer, Moderna, Nhà trường mới tiếp nhận.

Trước khi nhận vaccine Pfizer, Moderna, mình phải tập huấn cho tất cả cán bộ liên quan đến dây chuyền tiêm chủng về các loại vaccine mới này. Đây là 2 vaccine có thời gian sử dụng chỉ trong khoảng 1 tháng nhưng lịch tiêm tiêm khác nhau. Đối với Pfizer, sau khi tiêm mũi 1, trong vòng 31 ngày, có thể tiêm ngay mũi 2. Tuy nhiên, với vaccine Moderna, phải sau 28 ngày trở lên thì mới có thể tiêm được mũi 2.

Đến nay, theo tổ chức WHO, tất cả vaccine COVID-19 còn rất mới nên chưa có khuyến cáo chuyển đổi 2 mũi tiêm 2 loại vaccine khác nhau. Ở nước ta, mới chỉ có hướng dẫn, nếu tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca, khi tiêm mũi 2, nếu hết vaccine AstraZeneca thì mới tiêm mũi 2 là Pfizer, chứ chưa có sự chuyển đổi của vaccine nào khác.

Việc phân bổ vaccine tiêm cho các đối tượng, chúng tôi đã thống nhất với tất cả các bác sĩ trong quy trình tiêm chủng sẽ thực hiện theo đúng quy định của Bộ Y tế và khuyến cáo của WHO. Đó là, đối với vaccine AstraZeneca nếu còn thì sẽ trả mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1, nếu hết thì sẽ trả mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 (vaccine AstraZeneca) bằng vaccine Pfizer. Trường hợp đã tiêm mũi 1 là vaccine Moderna hoặc Pfizer thì phải phụ thuộc vào kế hoạch nguồn cung vaccine này về Việt Nam.

Theo kinh nghiệm gần 10 năm thực hiện tiêm chủng của tôi, trong tiêm chủng thường có rất nhiều loại vaccine, từ vaccine tiêm cho trẻ em đến vaccine tiêm cho người lớn, đều được thực hiện tiêm chủng trên cùng một dây chuyền. Nguyên tắc, phải bắt đầu từ bác sĩ chỉ định, sau đó điều dưỡng phải thực hiện theo chỉ định của bác sĩ có nội dung rõ ràng, có chữ ký của bác sĩ. Chỉ định này cũng phải được thông báo cho khách hàng như tiêm vaccine gì, đường tiêm...và khách hàng chính là người theo dõi việc này. Đây là cách giám sát để không xảy ra nhầm lẫn trong khi tiêm vaccine, và cũng là hướng để chúng tôi lên kế hoạch tiêm các loại vaccine COVID-19 hiện nay.

Nhà trường cũng sẽ phân chia tiêm các loại vaccine theo các khung giờ khác nhau, để giảm thiểu nhầm lẫn và đảm bảo giãn cách.

Làm sao chị có thể quản lý và điều tiết tốt hơn 100 nhân viên, để đảm bảo phục vụ an toàn cho số lượng 1200 người tiêm/ngày?

PGS.TS Lê Thị Thanh Xuân: Để thực hiện chiến dịch này, Nhà trường và BV ĐH Y Hà Nội đã huy động tổng lực các bác sĩ trong dây chuyền tiêm chủng kiêm nhiệm và các bác sĩ y học dự phòng vừa tốt nghiệp. Riêng khu cấp cứu sau tiêm thì BV ĐH Y Hà Nội sắp xếp và bố trí. Khu sàng lọc bên ngoài, có điều dưỡng của BV và Nhà trường cùng tham gia…Tất cả lực lượng đều được nhận kế hoạch và nhiệm vụ rất rõ ràng.

Tôi luôn dặn các nhân viên phải đặt an toàn lên trên hết, an toàn cho khách hàng chính là an toàn cho bản thân, đặc biệt không được làm tắt công đoạn nào, dù là nhỏ nhất. Vì vậy, toàn bộ dây chuyền tiêm chủng COVID-19 hiện nay của chúng tôi đang làm việc rất chuyên nghiệp. Tôi không còn lo lắng về chuyên môn.

Đến thời điểm này, chị hài lòng nhất về điều gì?

PGS.TS Lê Thị Thanh Xuân: Toàn bộ ekip tiêm chủng hiện nay của chúng tôi rất chuyên tâm trong công việc. Đây là việc tôi hài lòng nhất. Dù rất vất vả, làm việc liên tục từ sáng sớm đến tối, liền 7 ngày trong tuần, nhưng chúng tôi vẫn rất tận tâm trong công việc, không một ai có thái độ thờ ơ hay thiếu trách nhiệm.

Xin cảm ơn chị!

Vũ Khoa (thực hiện)

Top