'Nước rút đến đâu tổng vệ sinh môi trường đến đó'

01/08/2024 1:35 PM

(Chinhphu.vn) - Sau khi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP. Hà Nội có lệnh rút báo động lũ, các địa phương đã tích cực triển khai công tác tổng vệ sinh môi trường, phun thuốc khử khuẩn tại các xã bị ngập do mưa lũ để phòng, chống dịch bệnh và góp phần ổn định đời sống cho bà con nhân dân.

'Nước rút đến đâu tổng vệ sinh môi trường đến đó'- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện sáng ngày 1/8. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Quốc Oai cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 2 và rìa Bắc rãnh áp thấp kết hợp với hội tụ gió trên cao đã khiến huyện Quốc Oai xảy ra mưa lớn, gâp ngập úng làm rác thải trôi nổi, dạt về gây mất vệ sinh môi trường; ô nhiễm nguồn nước và tiềm ẩn nguy cơ phát tán dịch bệnh.

'Nước rút đến đâu tổng vệ sinh môi trường đến đó'- Ảnh 2.

Huyện Quốc Oai huy động các lực lượng thực hiện khơi thông dòng chảy, vệ sinh môi trường mùa mưa bão. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe và vệ sinh môi trường cho khu vực bị ngập lụt được kịp thời, với phương châm "nước rút đến đâu tổ chức vứt rác, dọn vệ sinh đến đó", ngày 1/8, UBND huyện Quốc Oai đã tổ chức tổng vệ sinh môi trường trong mùa mưa bão trên địa bàn huyện. Đợt tổng vệ sinh lần này sẽ kéo dài đến hết ngày 10/8.

'Nước rút đến đâu tổng vệ sinh môi trường đến đó'- Ảnh 3.

Phun hóa chất khử khuẩn để phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa bão trên địa bàn huyện Quốc Oai. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Theo đó, các cơ quan đơn vị như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Huyện đoàn, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, Trung tâm Y tế… thực hiện ra quân vệ sinh môi trường khu vực lũ, thực hiện khơi thông cống rãnh, trục vớt rác trôi nổi tại các điểm ngập trũng, đọng nước. Đồng thời thu dọn, vun gạt rác thải, phế liệu, phế thải vận chuyển tới điểm tập kết rác thải; phun thuốc khử trùng phòng chống dịch bệnh.

'Nước rút đến đâu tổng vệ sinh môi trường đến đó'- Ảnh 4.

Tiến hành rắc vôi bột để tránh các dịch bệnh truyền nhiễm. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Tại các xã: Liệp Tuyết, Tuyết Nghĩa, Cấn Hữu, Đông Yên, Hòa Thạch, Ngọc Liệp huy động lực lượng của các tổ chức chính trị và nhân dân trên địa bàn thực hiện tổng vệ sinh môi trường khu vực bị ngập của địa phương mình.

'Nước rút đến đâu tổng vệ sinh môi trường đến đó'- Ảnh 5.

Xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ tích cực dọn rác, tổng vệ sinh môi trường mùa mưa bão. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Tại huyện Chương Mỹ, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu, trong những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 2 đã gây ra mưa to và rất to kéo dài. Một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã bị ngập úng như: Thôn Bùi Xá, thị trấn Xuân Mai, xã Thủy Xuân Tiên, xã Tân Tiến, xã Nam Phương Tiến… Để chủ động ứng phó với thiên tai, bão lụt và phòng chống dịch bệnh, UBND huyện Chương Mỹ đã yêu cầu các phòng, ngành và UBND các xã, thị trấn tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ.

Trong đó, Phòng Y tế và TTYT của huyện chủ động rà soát và đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các khu vực bị ngập úng do ảnh hưởng của thiên tai; sẵn sàng chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi có tình huống xảy ra. Đồng thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, đảm bảo nước sạch và quản lý chất thải y tế trong mùa mưa lũ. Thực hiện giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trước, trong và sau mưa lũ, ngập úng như các bệnh: Tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết.

Bảo đảm nguồn nhân lực, thuốc, hóa chất, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng của ngập úng.

Phòng Kinh tế đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong khu vực bị ngập nước triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, khử trùng bằng vôi bột, hóa chất và tiêu độc khu vực chăn nuôi. Đồng thời tổng vệ sinh, thu gom xác động vật chết để xử lý sát trùng; tiêu độc vùng chăn nuôi bị ngập nước; tổng tẩy uế môi trường, tiêu diệt các loại mầm bệnh, ngăn chặn các loại dịch bệnh có thể lây từ động vật sang người.

'Nước rút đến đâu tổng vệ sinh môi trường đến đó'- Ảnh 6.

Nước rút đến đâu sẽ làm tổng vệ sinh môi trường đến đó. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Đối với các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm… Bên cạnh đó, chỉ đạo các Trạm Y tế hướng dẫn người dân triển khai thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt tại các khu vực ngập nước, đảm bảo người dân có nước sạch an toàn để sử dụng.

Triển khai ngay các hoạt động vệ sinh môi trường sau mưa lũ, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó; tổ chức gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật, tránh phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm; phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

Cùng với việc tổng vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, huyện sẽ triển khai phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống của nhân dân. Đối với vùng ngập sau khi rút cạn nước sẽ trồng rau và cây vụ đông sớm (như dưa chuột, cà chua, rau các loại); kiểm soát, hướng dẫn xử lý dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm, vật nuôi.

Chủ động triển khai phương án hỗ trợ khám chữa bệnh, thuốc men và thiết bị y tế. Đảm bảo cứu trợ đời sống cho nhân dân. Không để tình trạng người dân không có nước uống, sinh hoạt và lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Thiện Tâm

Top