Ổn định lao động, phục hồi sản xuất

18/10/2021 11:42 AM

(Chinhphu.vn) - Trong tuần qua, tại các KCN&CX Hà Nội không phát sinh ca mắc COVID-19 mới. Việc phục hồi sản xuất và chăm lo đời sống người lao động cũng được các cấp Công đoàn tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, giúp công nhân ổn định cuộc sống sau đại dịch.

Nhiều doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau dịch bệnh - Ảnh: Thiện Tâm

Theo LĐLĐ TP. Hà Nội, trong tuần qua, các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục chủ động tham gia, phối hợp với các cấp chính quyền, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động đoàn viên, công nhân lao động tích cực tham gia thực hiện nghiêm túc các biện phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Thành phố Hà Nội. Nhờ đó, KCN&CX không phát sinh ca mắc COVID-19 mới.

Tính từ ngày 27/4 đến nay, đã có 644 đoàn viên trong hệ thống Công đoàn Thủ đô là F0 (trong đó 133 trường hợp là F0 thuộc KCN&CX Hà Nội). Hiện nay đã có 589 người đã được điều trị khỏi bệnh, 55 người đang thực hiện cách ly. Để bảo đảm sức khỏe và yên tâm sản xuất, người lao động đã được tiêm vaccine COVID-19, đến nay đã có 148.250 công nhân lao động trong các KCN&CX đã được tiêm vaccine.

Đặc biệt, để hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ; Quyết định số 3089/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về hỗ trợ doanh nghiệp “3 tại chỗ”, tính đến ngày 15/10, Thành phố đã hỗ trợ 25.559 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với số tiền 92,299 tỷ đồng; 561 người lao động ngừng việc với số tiền 561 triệu đồng; 7 trường hợp mất việc làm không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp với số tiền 25,9 triệu đồng.

Toàn Thành phố có 954 doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ”, với 68.630 người lao động. Riêng KCN&CX có 99 đơn vị, với 19.640 lao động. Các cấp Công đoàn Thủ đô đã tiếp nhận hồ sơ của 109 doanh nghiệp và đã thẩm định, hỗ trợ 8.241 người lao động của 74 doanh nghiệp, số tiền 8 tỷ đồng.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô tiếp tục tạm dừng hoạt động, sản xuất kinh doanh cầm chừng, ảnh hưởng lớn đến việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động. Trong tuần, Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố tiếp tục chỉ đạo các cấp Công đoàn Thủ đô đẩy mạnh các hoạt động chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động thông qua các chương trình hỗ trợ“Xe buýt siêu thị 0 đồng”,“Siêu thị 0 đồng”, “Túi an sinh Công đoàn”. Tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 3642/QĐ-UBND của UBND Thành phố. Phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng phương án khôi phục sản xuất, sắp xếp lại lao động... Theo số liệu thống kê của các cấp Công đoàn Thủ đô, trong tuần vừa qua 88 công nhân lao động bị thiếu việc đã có việc làm trở lại.

Nhìn chung, tình hình quan hệ lao động trong các khu CN&CX Hà Nội và các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố tiếp tục được duy trì ổn định, không có hiện tượng đình công, ngừng việc xảy ra. Qua hoạt động tuyên truyền, vận động của tổ chức Công đoàn, người lao động đã thấu hiểu, chia sẻ, khắc phục khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp để khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh.

Thời gian tới, theo Phó Chủ tịch LĐLĐ Lê Đình Hùng, các cấp Công đoàn Thủ đô tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong các cấp Công đoàn Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Công điện số 21/CĐ-UBND ngày 13/10/2021 của UBND Thành phố nhằm phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn tham gia phòng chống dịch với phương châm đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng của đoàn viên, người lao động. Tham gia thực hiện mục tiêu kép khôi phục và phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” (thực hiện theo nội dung Công văn số 577/LĐLĐ ngày 14/10/2021 của LĐLĐ Thành phố về triển khai thực hiện Công điện số 21/CĐ-UBND của UBND Thành phố trong các cấp Công đoàn Thủ đô).

Đồng thời nắm bắt chặt chẽ, thường xuyên, kịp thời tư tưởng, kiến nghị, đề xuất của đoàn viên, người lao động; tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động cảnh giác không bị lôi kéo, kích động tham gia vào các hoạt động chống phá, vi phạm pháp luật, các tệ nạn xã hội. Duy trì và thực hiện thường xuyên, định kỳ các hoạt động thương lượng, đối thoại tại nơi làm việc để chia sẻ thông tin, lắng nghe, giải quyết kịp thời những bức xúc, kiến nghị của người lao động. Hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tranh chấp lao động, đình công trái quy định pháp luật.

Thiện Tâm

Top