Ổn định tâm lý để thích ứng an toàn với COVID-19
(Chinhphu.vn) - Sau hai năm hoành hành, đại dịch COVID-19 đã gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng về kinh tế-xã hội, sức khỏe và cả những hệ lụy khó lường về tâm thần và sang chấn tâm lý.
Trẻ em là đối tượng dễ nhạy cảm và bị tác động nhiều nhất về tâm lý do ảnh hưởng của dịch COVID-19 |
Nhiều hệ lụy tâm lý
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn: Sức khỏe tâm thần là 1 trong 3 cấu phần không thể tách rời và có mối quan hệ mật thiết với thể chất và xã hội. Sức khỏe tâm thần ngày càng có tầm quan trọng và một lần nữa Tổ chức Y tế thế giới đã nhấn mạnh thông điệp "Không có sức khỏe tâm thần là không có sức khỏe". Tính trên toàn cầu cứ 4 người có 1 người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, không có gia đình nào không liên quan đến sức khỏe và có 10 nguyên nhân chủ yếu gây mất khả năng lao động là do các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Có thể nói thế kỷ 21 là thế kỷ của sức khỏe tâm thần. Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã làm gia tăng một cách đáng kể các rối loạn tâm thần, trầm trọng thêm hố ngăn cách bất bình đẳng giữa các tầng lớp trong xã hội kèm theo các hậu quả nặng nề của nó.
Các rối loạn tâm thần trong đại dịch COVID-19 gia tăng đáng kể như tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm (31,4%), rối loạn lo âu (31,9%) và rối loạn giấc ngủ (41,1%).
Ngoài tâm lý lo sợ bị nhiễm virus SARS-CoV-2, các vấn đề như bị hạn chế đi lại, giãn cách xã hội, làm việc online tại nhà, thất nghiệp tạm thời, thiếu tiếp xúc với bạn bè… đã làm gia tăng ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần của mọi người.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, PGS.TS Trần Thành Nam, giảng viên Khoa Tâm lý-Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục-Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Đại dịch COVID-19 không chỉ tác động mạnh mẽ đối với vấn đề sức khỏe, phát triển kinh tế-xã hội… của Việt Nam và trên toàn cầu mà còn ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề tâm lý. Nếu trong giai đoạn giãn cách xã hội mới chỉ là giai đoạn khởi đầu thì khi đã bước qua đại dịch con người cần phải thích nghi lại cuộc sống từ đầu trong giai đoạn bình thường mới. Bởi sau dịch bệnh còn có rất nhiều vấn đề cần được giải quyết sau một thời gian bị đình trệ, dừng lại mọi hoạt động, trong đó có những vấn đề về tâm thần, sang chấn tâm lý. Đặc biệt là trẻ em-đối tượng dễ nhạy cảm và bị tác động nhiều nhất về tâm lý, trong giai đoạn COVID-19 phải chứng kiến những sang chấn tâm lý như sự ra đi của người thân hay những nguy cơ khác mà trẻ em nhìn thấy trong giai đoạn này.
“Bên cạnh đó, người đã từng mắc COVID-19 rồi khỏi, về mặt thực thể sau đó còn là triệu chứng COVID-19 kéo dài. Về mặt tâm lý khi bị sang chấn sẽ có những biểu hiện rối loạn, stress. Nghĩa là phát triển lên độ rối loạn tâm thần nhưng phải sau một thời gian khi sự kiện khủng hoảng đã qua đi mới xảy ra. Nó giống như hội chứng của những cựu chiến binh Mỹ họ đã từng tham chiến tại Việt Nam, nhưng sau khi trở về Mỹ một thời gian mới bắt đầu mắc lại, tất cả các triệu chứng bệnh này gọi là rối loạn stress do sang chấn tâm lý dẫn đến”, PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.
PGS.TS Trần Thành Nam cũng cho biết, đối với những người đã từng trải qua những khủng hoảng rất mạnh, chứng kiến sự ra đi của người thân trong tâm dịch COVID-19 nhất là đối với trẻ em, hay những trường hợp bị bạo hành, lạm dụng… thì nguy cơ về lo âu, trầm cảm còn tăng cao hơn nữa. Bên cạnh đó, khi trở lại với cuộc sống bình thường, đối diện với tất cả áp lực công việc dồn dập để bảo đảm chỉ tiêu, hoặc phải cố gắng gấp đôi gấp ba để phục hồi cũng dẫn đến nguy cơ rất cao về tổn thương sức khỏe tinh thần nếu như chúng ta không có sự thích nghi nhất định.
Hoặc trong trường hợp khi trẻ chưa được tiêm vaccine COVID-19, chưa được trở lại trường học, trong khi đó bố mẹ đã phải trở lại với công việc do kinh tế đã mở cửa trở lại sẽ dẫn đến vấn đề phân công vai trò, trách nhiệm trong việc chăm sóc, đưa đón con cái. Trẻ em sẽ phải tiếp cận, đối diện với những nguy cơ gì khi ở nhà một mình, phải học online quá lâu… Tất cả những vấn đề đó sẽ tạo nên rất nhiều nguy cơ về tâm lý đối với trẻ em.
Cần ổn định tâm lý để sống chung cùng dịch bệnh
Vì vậy, để thích ứng với đại dịch COVID-19 khi không thể có “Zero COVID-19”, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng: Chúng ta cần xác định chiến lược sẽ phải thay đổi và nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn có. Giống như việc chúng ta ra ngoài đường ai cũng có nguy cơ bị tai nạn giao thông. Nhưng nếu chúng ta thực hiện được hết tất cả các biện pháp an toàn và có ý thức chấp hành theo quy định, bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về vệ sinh, khai báo y tế; coi đó chính là trách nhiệm, phong cách sống mới, hạn chế những thói quen như trước đây sẽ giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh xâm nhập.
Tuy nhiên, để trở lại cuộc sống bình thường mới cũng không cần phải quá lo lắng, vì tiến độ tiêm vaccine COVID-19 đến nay sắp đạt độ bao phủ cần thiết. Bên cạnh đó cần tiếp tục thực hành một số cách thức khác để bảo vệ trẻ em cho đến khi được trở lại trường và tiêm vaccine.
Trong thời gian tới nếu một số nơi cho học sinh đến trường thì phụ huynh cần phối hợp với nhà trường để thực hiện tất cả các nguyên tắc an toàn cho các con như: Chia ca ăn phù hợp, tổ chức lại không gian lớp học để đảm bảo các quy định phòng, chống dịch bệnh.
“Đây là giai đoạn mà chúng ta cần rút ra bài học có thể áp dụng cho giai đoạn bình thường mới với đúng tên COVID-19 đó là: C-Cắt giảm chi tiêu, O-Ổn định cuộc sống, V-vệ sinh sạch sẽ, I-Ít tụ tập ăn chơi, D-Đầu tư luyện tập, nâng cao sức khỏe, 19-“Một điều nhịn chín điều lành” như dân gian đã nói. Tôi hy vọng, chúng ta sẽ có bài học cho mỗi người và là cách thức để nhắc nhở mình ổn định tâm lý, quay trở lại cuộc sống bình thường mới”, PGS.TS Trần Thành Nam cho biết.
Thiện Tâm