Phấn đấu giảm cơ sở giết, mổ nhỏ lẻ dưới 30%

07/04/2016 12:05 PM

(Chinhphu.vn) - Mặc dù là địa phương có tổng đàn gia súc gia cầm đứng tốp đầu cả nước ( với đàn trân bò trên 170 ngàn con, đàn lợn trên 1,6 triệu con, đàn gia cầm gần 24 triệu con...) nhưng việc quản lý giết mổ, quản lý vận chuyển, kinh doanh buôn bán động vật… trên địa bàn TP Hà Nội hiện còn nhiều hạn chế, phần lớn động vật đưa vào giết mổ chưa kiểm soát được tận gốc.

Hà Nội sẽ nhân rộng mô hình tập trung giết mổ gia súc, gia cầm đang hoạt động có hiệu quả trên địa bàn thành phốẢnh minh họa.

Theo Chi cục thú y Hà Nội, với dân số khoảng trên 9 triệu người, trung bình nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm của Hà Nội năm 2015 khoảng 314.002 tấn (872,2 tấn/ngày), trong đó thịt trâu bò là 36.011 tấn (100 tấn/ngày), thịt lợn là 205.970 tấn (572,1 tấn/ngày), thịt gia cầm là 72.021 tấn (200,1 tấn/ngày).

Mặc dù sức tiêu thụ thực phẩm từ gia súc, gia cầm lớn như vậy nhưng vẫn còn nhiều cơ sở giết, mổ nhỏ lẻ, thiếu tập trung trên địa bàn thành phố, gây khó khăn cho việc cung cấp thực phẩm đảm bảo an toàn cho người dân.

Hiện nay Hà Nội có nhiều loại hình giết mổ gia súc, gia cầm như công nghiệp, bán công nghiệp, tập trung, nhỏ lẻ. Trong đó có 6 cơ sở giết mổ công nghiệp, 17 cơ sở giết mổ bán công nghiệp và 4 cơ sở giết mổ tập trung thủ công. Các cơ sở công nghiệp và bán công nghiệp hiện nay đang hoạt động cầm chừng hoặc đã ngừng giết mổ với nhiều nguyên nhân như đầu ra không ổn định, không có sự liên kết giữa chăn nuôi giết mổ và chế biến, giá thành, chi phí giết mổ cao chưa thu hút được các hộ chăn nuôi vào giết mổ. Trong đó, chỉ có một số cơ sở giết, mổ công nghiệp và bán công nghiệp có hiệu quả, như: cơ sở giết mổ Vạn Phúc (Thanh Trì, Hà Nội) từ 1.500 con lợn/ngày nâng lên 1.700 con/ngày vào thời gian cao điểm lên tới 2.000- 2.200 con/ngày; cơ sở giết mổ gia cầm Lan Vinh (Gia Lâm – Hà Nội) nâng sản lượng giết mổ từ 700 đến 3.000 con/ngày; cơ sở giết mổ gia cầm Luyện Hà (Gia Lâm – Hà Nội) sản lượng giết mổ từ 300 lên tới 900 con/ngày. Các cơ sở này phát triển đã giúp cho các địa phương giảm tối đa giết mổ nhỏ lẻ, hiện nay huyện Thanh Trì đã không còn giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn huyện.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn tồn tại khoảng hơn 2.400 điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, sản lượng giết mổ khoảng 396 tấn thịt/ngày (chiếm tỷ lệ 55,3%). Các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ chủ yếu nằm rải rác trong khu dân cư, hoạt động đa dạng dưới nhiều hình thức khác nhau như giết mổ tại nhà, giết mổ tại hộ chăn nuôi, một số cơ sở không có địa điểm cố định, hoạt động theo mùa vụ. Các cơ sở giết, mổ nhỏ lẻ thường không đáp ứng về điều kiện vệ sinh thú y, ATTP, đặc biệt nguồn nước thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt tại các hộ xung quanh.

Ngoài ra, việc quản lý các hộ giết, mổ nhỏ lẻ này cũng gặp nhiều khó khăn.  Vì vậy, đầu năm 2015, được sự hỗ trợ của Dự án Lipsap đã xây dựng được cơ sở giết mổ tập trung tại xã Hồng Phong cơ sở này đi vào hoạt động đã thu gom 20 hộ giết mổ nhỏ lẻ ở địa phương và một số xã lân cận, hình thành 1 khu tập trung giết mổ tại Phụng Châu đã thu hút các hộ giết mổ của xã Tiên Phương, Thị trấn Chúc Sơn, xã Ngọc Hòa và số hộ giết mổ nằm rải rác ở 15 xã vì vậy theo thống kê cuối năm 2015 số hộ giết mổ giảm xuống còn khoảng 80 hộ kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm.

Xuất phát từ thực trạng trên, trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội phấn đấu số cơ sở giết, mổ nhỏ lẻ giảm xuống còn dưới 30%. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp các ngành về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP. Đồng thời khuyến khích các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Bên cạnh đó, tập trung thực hiện tốt việc Quy hoạch quỹ đất phục vụ hoạt động giết mổ phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Nhân rộng mô hình tập trung giết mổ gia súc, gia cầm đang hoạt động có hiệu quả trên địa bàn thành phố.

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với người chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật đảm bảo vệ sinh thú y, VSATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức. Đồng thời thay đổi tập quán cho người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm đã qua các cơ quan  quản lý kiểm tra giám sát. Có như vậy bản thân người kinh doanh sản phẩm động vật sẽ nhập từ các cơ sở giết mổ tập trung để đảm bảo ATTP.

Việc xây dựng chuỗi liên kết từ chăn nuôi – giết mổ - chế biến – tiêu thụ sản phẩm cũng là giải pháp mạnh để giảm giết mổ nhỏ lẻ vì việc hình thành chuỗi liên kết bắt buộc phải là giết mổ lớn, tập trung để gắn các mắt xích trong quá trình cho ra các sản phẩm sạch, an toàn.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, phát hiện và xử lý những cơ sở vi phạm quy định. Công khai các trường hợp vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tú Mai

Top